Thu hồi thủy điện sông Nam - sông Bắc: Đẩy khó về phía dân

TP - Cuối cùng, dự án thủy điện Sông Nam - Sông Bắc (xã Hòa Bắc, Hòa Vang, Đà Nẵng) gây nhiều tranh cãi cũng chính thức tạm ngừng. Nghị quyết của HĐND thành phố (số 65/2014/NQ-HĐND) thông qua việc thu hồi dự án. Hàng chục hộ dân có đất nằm trong dự án chưa vội mừng đã lại thêm một lần bị đẩy vào thế khó bởi quyết định của chính quyền.
Thu hồi thủy điện sông Nam - sông Bắc: Đẩy khó về phía dân ảnh 1

Cột điện chỏng chơ là dấu hiệu duy nhất chứng minh sự tồn tại của dự án đã bị thu hồi. Ảnh: Nam Cường.

Cứ tưởng đền bù là sướng

Hàng chục hộ dân thôn Tà Lang và Giàn Bí gần đây “sốt hầm hập” với tin dự án thủy điện Sông Nam - Sông Bắc chính thức dừng hoạt động. “Bao giờ được sản xuất trở lại? Nhận tiền đền bù rồi, có phải trả lại không? Mấy năm qua, thủy điện treo, dân khốn khổ, giờ lại ngừng hẳn mà mãi vẫn không thấy chính quyền làm văn bản trả lại đất cho dân?” là những câu hỏi của nhiều người dân.

Ông Phan Điểu (thôn Tà Lang) cho hay, mới nhận được 10 triệu đồng gọi là tiền đền bù cho cây keo tràm trên diện tích 1,8 ha bị thu hồi. Số tiền này nhận 3 năm trước, xong tiêu cái vèo. Đất bị thu, vẫn chưa nhận đền bù. Cả nhà chật vật chuyển nghề chăn nuôi, đói kém quanh năm.

Hộ bà V. ở Tà Lang có 27 ha trang trại là hộ có diện tích đất bị thu hồi lớn nhất. Bà V. cho hay, nhà nước mới chỉ đền bù cây trồng trên đất, không hỗ trợ tiền di chuyển bò, heo, cá dưới ao. Tổng số tiền gia đình bà nhận đền bù khoảng 1,4 tỷ vào năm 2010. “Đừng tưởng dự án về, dân nhận đền bù là sướng. Tiền tỷ lớn thật, nhưng từ 2010 đến nay, cây cối, bò heo, cá… trong trang trại nếu cho mấy kỳ thu hoạch. Quan trọng là dân không có đất sản xuất, ngồi không trong khi dự án cứ lưng chừng” - bà V nói.

Ông Bùi Văn Siêng (thôn Giàn Bí) cho hay, thôn có 10 hộ bị thu hồi, khoảng 70 ha, số hộ nhận tiền đền bù mới vài hộ. “Mấy ngày gần đây, chúng tôi kiến nghị lên xã, huyện liên tục. Mong họ sớm trả lại đất sản xuất cho dân. Ngồi không mấy năm nay rồi, giờ dự án ngừng thì phải trả đất”.

Các hộ như bà V, ông Siêng, Trung, Lành… cho hay, chính quyền xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang mới đây cho dân biết, chỉ được trồng cây ngắn ngày từ 3 - 6 tháng để chờ thành phố có chủ trương mới. “Đất rừng mà trồng cây gì 3 - 6 tháng. Riêng chuyện làm hàng rào, cuốc đất đã mất vài tháng thì còn trồng cây gì? - ông Siêng nói.

Dự án dừng, ngân sách có thất thoát?

Thực tế tại dự án cho thấy, hiện nhà điều hành tạm thời, máy móc thiết bị… của chủ đầu tư là Cty CP thủy điện Geruco Sông Kôn (GSP - thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam) đã được rút hết. Tài sản duy nhất để chứng minh một dự án từng tồn tại là 10 trụ điện chỏng chơ.

Đại diện chủ đầu tư, Cty GSP cho hay, họ chỉ nhận đất sạch để làm dự án, đền bù là việc của chính quyền. Tuy nhiên, ông Đặng Phú Hành - Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho hay, chính quyền đứng ra giải tỏa đền bù, sau này chủ đầu tư phải trả lại số tiền này cho thành phố. Ông Tăng Thanh Phúc - Chủ tịch xã Hòa Bắc cho hay, diện tích đất thu hồi của các hộ ở Tà Lang và Giàn Bí khoảng 900 ha, đến nay đã đền bù được khoảng 300 ha, chủ yếu là đất trồng rừng. Đa số đền bù cây, vật nuôi trên đất. “Dân có phải trả lại tiền?”. Ông Phúc lắc đầu cho hay, chưa thấy thành phố có chủ trương này và muốn dân trả lại cũng khó. Ông Đặng Phú Hành cho hay, UBND huyện đang rà soát, nghiên cứu khoanh vùng các loại đất trong vùng dự án để có kiến nghị cho người dân trồng cây lâu năm hơn.

UBND TP Đà Nẵng mới có công văn vào cuối tháng 10, gửi chủ đầu tư tạo điều kiện cho dân vào trồng cây ngắn ngày. Bà Nguyễn Thị Oanh - TGĐ Cty GSP khi được hỏi đã cho hay, hiện GSP không còn liên quan gì nữa, muốn tìm hiểu gì hỏi phía chính quyền. “Dự án tạm dừng chứ không phải ngừng hẳn. Chính phủ không cho chúng tôi đầu tư ngoài ngành thì chịu thôi. Sau này, khi nhà đầu tư nào tiếp tục thực hiện, họ sẽ phải làm việc với chúng tôi. Dự án vẫn khả thi, không có lý do gì mà ngưng hẳn”- bà Oanh nói.

MỚI - NÓNG