Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến:

Thu nhập bình quân đồng bào dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/5 cả nước

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến
TPO - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh giải pháp “tăng vay ưu đãi, giảm cho không”, bởi khi vay vốn, họ sẽ lo lắng làm ăn để trả nợ.

Sáng 13/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến về nhóm vấn đề thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, hạ tầng xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Phiên chất vấn nhấn mạnh đến vấn đề trách nhiệm và giải pháp đối với những vấn đề còn tồn tại hạn chế.

Đề cập đến chương trình giảm nghèo bền vững, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội phản ánh, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số rất cao, cứ 3 người thì có 1 người nghèo. Điều đáng quan tâm là thu nhập bình quân đồng bào dân tộc thiểu số rất thấp, có nơi chỉ bằng 1/3 thu nhập cả nước, dẫn đến chênh lệch giàu nghèo. Đại biểu chất vấn Bộ trưởng về việc làm rõ trách nhiệm của Uỷ ban Dân tộc và giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên?

Đại biểu đoàn Kon Tum chất vấn Bộ trưởng về cơ sở hạ tầng, dù đã được cải thiện song còn nhiều khó khăn. Vậy Bộ trưởng sẽ làm gì để khắc phục tình trạng trên?

Cho rằng câu hỏi của đại biểu Lợi “mang tầm chiến lược”, cũng là day dứt, trăn trở của nhiều người, trong đó có bản thân ông, Bộ trưởng Chiến thừa nhận tỷ lệ hộ nghèo đại biểu nêu ra, song thu nhập bình quân chỉ từ 7 – 8 triệu đồng/người/năm, như vậy chỉ bằng 1/5 cả nước chứ không phải 1/3.

Bộ đã tham mưu phối hợp các bộ và Thủ tướng đã ban hành quyết định về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KTXH, hỗ trợ vay vốn sản xuất đất sản xuất, nước sinh hoạt. Tuy nhiên quá trình thực hiện còn một số khó khăn, hiệu quả cũng chưa đạt được như mong muốn.

Thấy rõ được trách nhiệm của mình, bộ trưởng nêu ra 6 giải pháp trọng tâm: Phát riển hạ tầng KTXH đồng bộ, nhất là giao thông, thông tin để có sự kết nối, giảm khoảng cách địa lý; đẩy mạnh phát triển nhân lực và đào tạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi; tạo sinh kế, ổn định dân cư cho dân tộc thiểu số; tăng cường tuyên truyền vận động để đồng bào tự vươn lên…

Cũng theo bộ trưởng, tới đây Chính phủ sẽ trình Quốc hội nghị quyết, để bố trí nguồn vốn, giải quyết những vấn đề cơ bản cho đồng bào dân tộc.

Bộ trưởng nêu, các chính sách y tế, văn hóa giáo dục, hạ tầng sinh kế đủ cả nhưng tại sao chưa đảm bảo? Ông lý giải, có chính sách ban hành nhưng cân đối nguồn vốn thấp, chính sách kéo dài 5 năm, cái mới chưa ra, cái cũ hết hiệu lực rồi. Chính sách hỗ trợ trực tiếp cũng là một trong số những nguyên nhân để số ít người dựa dẫm, không muốn ra hộ nghèo.

Tới đây, ông nhấn mạnh giải pháp “tăng vay ưu đãi, giảm cho không”. Bởi thực tế cho thấy, khi người vay vốn họ lo lắng làm để trả còn cho không thì coi rất nhẹ nhàng, hiệu quả mang lại thấp hơn.

MỚI - NÓNG