Thủ phạm chính gây ô nhiễm không khí ở TPHCM

Lượng phương tiện giao thông lớn tại TPHCM là 1 trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí
Lượng phương tiện giao thông lớn tại TPHCM là 1 trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí
TP - Bên cạnh hoạt động xây dựng và công nghiệp, 10 triệu phương tiện giao thông lưu hành trên địa bàn là yếu tố góp phần dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí tại TPHCM, đại diện Trung tâm Quan trắc Tài nguyên Môi trường, Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM phát biểu tại buổi cung cấp thông tin với báo chí vào chiều 9/10.

Nhiều nguyên nhân

Trong thời gian vừa qua, tình hình ô nhiễm môi trường không khí tại TPHCM diễn biến khá phức tạp, đặc biệt trong khoảng thời gian từ ngày 18/9/2019 đến ngày 25/9/2019, xuất hiện hiện tượng mù quang hóa gây cản tầm nhìn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Theo ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên Môi trường TPHCM, hiện tại, Sở Tài nguyên-Môi trường (TNMT) đang triển khai quan trắc chất lượng môi trường không khí hàng tháng tại 30 vị trí quan trắc với tần suất 10 ngày trong tháng vào 2 thời điểm mỗi ngày.

Kết quả quan trắc ô nhiễm không khí 9 tháng đầu năm 2019 cho thấy: Ô nhiễm chất lượng không khí trên địa bàn TPHCM chủ yếu là do bụi lơ lửng và mức ồn do các hoạt động giao thông gây ra, với 50,8% số liệu bụi lơ lửng và 93,9% số liệu mức ồn quan trắc được tại 19 vị trí giao thông vượt quy chuẩn cho phép. Nồng độ các chất ô nhiễm quan trắc được tại các vị trí Cát Lái, ngã tư Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh, Gò Vấp, An Sương, Bình Phước luôn cao và thường xuyên vượt quy chuẩn. Trong đó, vị trí Cát Lái (tại vòng xoay Mỹ Thủy) có nồng độ các chất ô nhiễm cao nhất với 99% số liệu bụi lơ lửng và 100% số liệu ồn quan trắc được trong 9 tháng đầu năm 2019 vượt quy chuẩn cho phép.

“Nồng độ các chất ô nhiễm quan trắc được tại 30 vị trí quan trắc trong 9 tháng đầu năm 2019 có xu hướng tăng so với 9 tháng đầu năm 2018”, ông Sơn nói.

Về nguyên nhân ô nhiễm, theo đại diện Sở TNMT TPHCM, chủ yếu từ 3 nguồn chính: do hoạt động giao thông, công nghiệp và xây dựng. Theo đó, bên cạnh việc TPHCM có khoảng 1.000 nhà máy xí nghiệp quy mô lớn và hàng chục ngàn cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp và địa phương đang vào giai đoạn cải tạo, chỉnh trang đô thị, con số 10 triệu phương tiện giao thông đang hoạt động trên địa bàn ảnh hưởng nhiều đến chất lượng không khí tại TPHCM.  

“Nhiều phương tiện cá nhân không thực hiện nghiêm túc chế độ bảo hành bảo dưỡng định kỳ là nguyên nhân làm tăng lượng khí phát thải ra môi trường với mức độ độc hại ngày càng lớn. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố hiện vẫn tồn tại khoảng 37 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông gây ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là vào các khoảng thời gian đi làm và tan tầm của người dân thành phố”, ông Sơn phân tích.
Thủ phạm chính gây ô nhiễm không khí ở TPHCM ảnh 1 Ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên Môi trường TPHCM
Cung cấp thông tin ô nhiễm trễ 1 tháng

Dù hiện tượng ô nhiễm không khí tại TPHCM diễn tiến nghiêm trọng trong vài tháng trở lại đây, tuy nhiên việc cung cấp thông tin về chỉ số ô nhiễm không khí của Sở TNMT TPHCM  lại khá chậm trễ. Điển hình vào tháng 9/2019, khi hiện tượng mù quang hóa khiến nhiều tuyến đường ở thành phố chìm trong sương mù mờ đục nhưng tại các bảng thông báo chỉ số ô nhiễm trên đường phố, thông tin lại được nêu của tháng trước.

Trước vấn đề này, ông Cao Tung Sơn thừa nhận sự chậm trễ của trung tâm trong việc công bố tình hình không khí. “Việc chậm trễ này do sử dụng phương pháp quan trắc thủ công, gián đoạn. Mẫu định kỳ được lấy sau đó mang đi phân tích, thí nghiệm, chờ đợi kết quả. Sau đó, trung tâm sẽ phải chuyển kết quả về Sở TNMT trước khi chuyển số liệu đến Trung tâm Quản lý Hầm sông Sài Gòn- đơn vị chịu trách nhiệm công bố trên các bảng thông báo. Nếu được đẩy mạnh đầu tư hệ thống quan trắc không khí tự động, thời gian chờ đợi sẽ giảm thiểu, thông tin được cập nhật nhanh và kịp thời hơn”, Giám đốc Trung tâm Quan trắc TPHCM cho hay.

Để giảm thiểu ô nhiễm không khí tại TPHCM, ông Sơn cho rằng cần tập trung đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân; Kiểm soát ô nhiễm không khí do giao thông, hoạt động xây dựng và công nghiệp trên địa bàn cũng như quan trắc chất lượng môi trường không khí. 

“Chúng tôi sẽ tiếp tục công bố các số liệu quan trắc môi trường, đặc biệt là môi trường không khí lên các bảng điện và các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường tần suất công bố thông tin về chất lượng môi trường không khí cũng như đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nhằm nâng cao năng lực quan trắc môi trường. Trong đó, đầu tư 9 trạm quan trắc không khí tự động liên tục, cố định và 01 trạm quan trắc không khí tự động liên tục, di động. 

Ngoài ra, Sở TNMT cũng đang tìm kiếm các nguồn tài trợ và xã hội hóa để tiếp tục đầu tư thêm 11 trạm quan trắc tự động liên tục từ nay đến 2030. Sắp tới sẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý mạng lưới quan trắc môi trường nói chung và môi trường không khí nói riêng; xây dựng các phần mềm chuyên dụng để cung cấp thông tin về chất lượng môi trường đến người dân hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng, điện thoại thông minh và tiến đến dự báo về ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn thành phố”, ông Sơn nói.

Chưa kiểm chứng giá trị của Ứng dụng AirVisual

Theo ông Cao Tung Sơn, để thực hiện quan trắc, cần thực hiện đúng theo quy chuẩn QCVN 05/2013/BTNMT. Tức là, cần đánh giá trang thiết bị, quy trình hiệu chuẩn, phương pháp thực hiện lấy mẫu đúng với từng chỉ tiêu cụ thể. Hơn nữa, trong những điều kiện thời tiết bất lợi như nhiệt độ, độ ẩm, áp suất, ánh sáng… chỉ số sẽ có nguy cơ không chính xác. Do đó, các ứng dụng cần được kiểm chứng cụ thể về giá trị kết quả.

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.