Thu phí phương tiện cá nhân: Sẽ lấy ý kiến người dân

Thu phí phương tiện cá nhân: Sẽ lấy ý kiến người dân
TP - Trả lời báo chí sáng 21-3, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sẽ lấy ý kiến nhân dân về chủ trương thu phí lưu hành phương tiện cá nhân.

>Thu phí phương tiện cá nhân không khả thi
>Bộ GTVT ủng hộ thu phí vào nội đô

Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương cấm cán bộ công chức uống rượu, bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa.

Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) quý I-2012 tổ chức sáng 21-3. Trả lời báo chí bên lề hội nghị về chủ trương thu phí lưu hành phương tiện cá nhân (Bộ GTVT mới đề xuất đổi tên thành “phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ”), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: Ở một đất nước có quá nhiều phương tiện, trong khi tình hình tai nạn giao thông (TNGT) rất phức tạp thì phải có biện pháp hữu hiệu, trong đó có việc thu phí để hạn chế phương tiện cá nhân. “Một quyết định quan trọng liên quan nhân dân đều phải lấy ý kiến nhân dân. Những chủ trương, biện pháp đưa ra cũng để phục vụ nhân dân. Cụ thể như thế nào thì nhân dân sẽ quyết định thông qua QH và Chính phủ”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, việc xin ý kiến người dân sẽ được thực hiện với các nội dung cụ thể là: Mức thu, thu ở đâu, đối tượng thu. “Hiện nay, các cơ quan mới đề xuất còn quyết định cuối cùng là Ủy ban Thường vụ QH. Việc thu là chắc chắn phải làm bởi các nước đã triển khai rồi”, ông Hiệp nói.

Tăng mức xử phạt, cấm uống rượu, bia giờ nghỉ trưa

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho biết, trong 3 tháng đầu năm, số người chết do tai nạn giao thông (TNGT) giảm, nhưng vẫn ở mức cao, tai nạn đặc biệt nghiêm trọng có chiều hướng tăng. Ông Thăng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, thủ trưởng các cơ quan nhà nước, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp ban hành quy định “không uống rượu, bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa”, xử lý kỷ luật nghiêm người vi phạm, không phân biệt là cán bộ hay nhân viên. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tán thành đề xuất này và yêu cầu các địa phương tổ chức thực hiện ngay.

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến, lãnh đạo các địa phương đều cho rằng, phải nâng mức xử phạt vi phạm hành chính và các hình phạt bổ sung để đảm bảo tính răn đe. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Phạm Thanh Hà đề xuất tăng thời gian tạm giữ, tịch thu phương tiện vi phạm bởi “phạt tiền thì cần thiết nhưng chưa triệt để”. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Cao Khoa đề xuất, cấm hành nghề vĩnh viễn đối với tài xế ý thức kém gây tai nạn. Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Phạm Văn Sinh đề xuất các giải pháp, phê bình thủ trưởng nếu để nhân viên vi phạm ATGT; tổ chức ký kết với các gia đình; kiểm điểm đảng viên trước chi bộ nếu gia đình có người vi phạm giao thông. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng, cần xử phạt nghiêm minh đối với cả cơ quan nhà nước. Tỉnh nào giảm được 1 người chết thì được thưởng bao nhiêu, tăng một người chết thì phạt bao nhiêu cần quy định rõ.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với các kiến nghị của địa phương và hoan nghênh các giải pháp mới đây của Đà Nẵng như tăng chế độ cho CSGT, xây nhà máy sản xuất mũ bảo hiểm.

Để CSGT không “chung chi”

Tại hội nghị, Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an yêu cầu giám đốc công an các tỉnh báo cáo rõ việc xử lý hình sự những vụ TNGT nghiêm trọng. “Các tỉnh miền Tây Nam Bộ tổ chức xử phạt tốt, nhưng các tỉnh phía Bắc xử phạt rất hạn chế. Tại hội nghị, tôi nói thẳng, một trong những nguyên nhân là do vấn đề chung chi”, ông Ngọ nói. Lãnh đạo Bộ Công an đề xuất tăng mức bồi dưỡng cho CSGT trực tiếp làm nhiệm vụ. “Đề nghị Bộ Tài chính nâng mức trích lại tiền xử phạt cho CSGT trực tiếp làm nhiệm vụ, chứ không thì lại chung chi thôi. Rất cảm ơn Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo cấp 5 triệu đồng cho một cán bộ chiến sỹ CSGT”, Trung tướng Ngọ nói.

Ông Ngọ kiến nghị tịch thu phương tiện tham gia đua xe trái phép dù chính chủ hay không, sau đó hóa giá nộp ngân sách; với xe đã bị “độ” thì cho tiêu hủy. Ông cũng đề xuất nâng mức thẩm quyền phạt cho CSGT lên 2 triệu đồng. Ngoài ra, nên chuyển việc sát hạch cấp giấy phép lái xe cho ngành công an. Như vậy, sẽ hạn chế được tình trạng không học cũng có bằng.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, có trung tâm đào tạo có hẳn phòng hoàn thiện hồ sơ cho người không thi. Tới đây, cần quyết liệt lập lại kỷ cương, đình chỉ những cơ sở, trung tâm vi phạm. Ông Thăng yêu cầu giám đốc các sở dừng ngay việc cấp phép hoán cải xe, nâng tải trọng xe, gây phá đường: “Các sở không được nâng cấp, cải tạo gì cả, xe nhập thế nào thì đi thế. Cấp phép hoán cải chưa đúng phải thu hồi, dỡ bỏ, không để xe 20 tấn hoán cải thành 40- 60 tấn”, ông Thăng nói.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng, phải quyết liệt hơn nữa trong công tác đảm bảo ATGT, nâng cao năng lực công tác cưỡng chế thi hành pháp luật, kiên quyết xử lý nghiêm phương tiện thiếu an toàn. “Chúng ta nhờn quen rồi thì phải quyết liệt hơn, thường xuyên hơn trong công tác này”, Phó Thủ tướng nói.

Xe máy sẽ phải tính tuổi sử dụng

Hà Nội (TP) - Ngày 21-3, nguồn tin từ Bộ GTVT cho biết, tới đây sẽ có quy định mô tô, xe gắn máy (xe máy) cũng phải có niên hạn sử dụng. Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng yêu cầu các ngành chức năng rà soát văn bản liên quan sớm có quy định mới quản lý tuổi thọ xe máy và ô tô con. Hiện nay, quy định của ngành đăng kiểm ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống và xe máy không tính niên hạn sử dụng. Khi hết niên hạn, phương tiện bị buộc dừng hoạt động. Vì thế, có hiện tượng lách luật: Xe khách, xe tải hết niên hạn sử dụng ở thành phố được đầu nậu chuyển lên vùng sâu, vùng xa để hoạt động nhằm tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Đại diện Cục Đăng kiểm VN khẳng định đã được Bộ trưởng GTVT giao nghiên cứu lập đề án đăng kiểm và tính niên hạn cho xe máy, ô tô con.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
TPO - Đại diện pháp luật một số doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án bất động sản ở Hòa Bình, Quảng Ninh... bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế. Trong đó, bà L.H.L. bị tạm hoãn xuất cảnh do Công ty Cổ phần Đô thị sinh thái Dầu khí Hòa Bình - chủ đầu tư dự án La Saveur De Hoà Bình nợ thuế hơn 1.000 tỷ đồng.