Thử thách cho chính Quốc hội

Thử thách cho chính Quốc hội
TP - Trao đổi với Tiền Phong bên lề Quốc hội (QH) chiều 23- 10 quanh việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, ông Dương Trung Quốc cho rằng, đây là bước tiến tích cực, nhưng cũng đòi hỏi bản lĩnh của QH và từng đại biểu.

> Những chức vụ nào được lấy phiếu tín nhiệm?

Nếu kết quả lấy phiếu không thuận lòng dân thì QH mất uy tín. Đây là sự thử thách cho chính QH.

Dự kiến 49 người giữ vị trí chủ chốt trong bộ máy nhà nước sẽ phải lấy phiếu tín nhiệm hàng năm. Ảnh: Hồng Vĩnh
Dự kiến 49 người giữ vị trí chủ chốt trong bộ máy nhà nước sẽ phải lấy phiếu tín nhiệm hàng năm. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Nên công khai chính kiến đại biểu

Đâu là điều ông quan tâm nhất trong Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn?

ông Dương Trung Quốc
Ông Dương Trung Quốc.

Tôi lo lắng chính là ở thái độ của các đại biểu QH. Những người được dân bầu liệu có hành xử đúng với ý nghĩa là đại biểu của dân không hay hành xử với nhiều cân nhắc khác.

Đây là điều rất khó. Muốn làm được điều này cần cơ chế giám sát đại biểu QH nhưng hiện nay còn thiếu. Tôi vào nghị viện Anh, trên hành lang của Hạ viện xếp một lô những tập hồ sơ, biên bản các cuộc họp và đặc biệt là các cuộc bỏ phiếu.

Mọi công dân có thể đến rút ra xem phiên họp đó ông đại biểu do mình bầu ra thể hiện chính kiến như thế nào. Cử tri sẽ thấy ông đại biểu đó nói đúng ý mình thì bầu tiếp, còn không thì thôi.

Còn ở ta hiện nay, khi bấm nút thể hiện chính kiến, nguyên tắc là bầu công khai nhưng người dân cũng không biết cụ thể đại biểu do mình bầu ra đồng ý hay không đồng ý.

Tại thượng viện Mỹ, chủ tọa gọi tên từng thượng nghị sỹ, vị đó sẽ trả lời: “đồng ý” hay “không đồng ý”.

Ngay lập tức màn hình sẽ hiện rõ dòng chữ lớn ghi họ tên vị thượng nghị sĩ đó đồng ý hay không và báo chí ghi lại hết. Cử tri sẽ dễ dàng giám sát xem đại biểu mình bầu ra thể hiện quan điểm như thế nào.

Đây là cơ sở quan trọng để đại biểu đó có được tín nhiệm của cử tri hay không. Nếu đại biểu nào nói không đúng ý kiến, nguyện vọng của cử tri thì đừng mong có cơ hội tái cử.

Như vậy, buộc lòng đại biểu QH phải theo sát ý nguyện của cử tri. Tôi nói lại, cái tôi lo lắng nhất là năng lực hành động của đại biểu QH chứ không phải là cơ chế lấy phiếu tín nhiệm.

Vậy theo ông cơ chế giám sát của cử tri đối với đại biểu QH mình bầu ra hiện nay được thực hiện ra sao?

Chúng ta lấy mô hình của nghị viện các nước thì rất khó bởi ở ta có tính chất đặc thù. Ngay tôi cũng chỉ là đại biểu bán chuyên trách. Tôi sống ở Hà Nội và đại diện cho cử tri ở Đồng Nai. Đây là thực tế mà mỗi người phải khắc phục.

Do vậy, phải làm sao để hoạt động QH ngày càng công khai. Qua 10 năm tham gia QH, tôi quan sát thì xu thế đó là tất yếu, vấn đề là diễn ra nhanh hay chậm thôi. Đánh giá có đáp ứng được mong muốn của người dân và nhu cầu phát triển không chỉ là ở cấp độ. Còn xu thế chung là tích cực.

Ông vẫn giữ quan điểm nên công khai việc bấm nút của đại biểu QH như đã từng kiến nghị?

Tôi cho là nên công khai. Tôi hơi băn khoăn việc bỏ phiếu kín. Bỏ phiếu kín đảm bảo tính chính xác ý nguyện của từng người. Nhưng nó đã phản ánh chính xác ý nguyện của cử tri hay không thì cần xem.

Chúng ta cứ chờ xem những cuộc lấy phiếu đầu tiên sẽ như thế nào, kết quả có hợp lòng dân không. Nếu không hợp thì phải điều chỉnh xem không hợp vì lý do gì. Chúng ta không đặt hy vọng quá lớn nhưng rõ ràng đây là bước tiến cần thiết.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết tại hội trường. Ảnh: Hồng Vĩnh
Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết tại hội trường.
Ảnh: Hồng Vĩnh.

Cần bản lĩnh của ĐBQH và cả người được lấy phiếu tín nhiệm 

Một số ý kiến cũng băn khoăn khi thực thi cơ chế này sẽ dẫn đến tình trạng người được lấy phiếu giữ mình, vo tròn hoặc hứa hẹn, vận động để lấy phiếu, ông nghĩ sao?

Đây là vận hành trong quan hệ xã hội nên không tránh khỏi. Chúng ta đừng lý thuyết hóa một cách tuyệt đối, không thể cân đo, đong đếm một cách chính xác như kiểu ông này bao nhiều cân, cao mét mấy. Đây là điều không đơn giản.

Tuy nhiên, chúng ta cứ làm rồi dần rút kinh nghiệm. Sự minh bạch sẽ được thể hiện dần. Tôi không nghĩ cơ chế hoàn thiện được ngay trong những lần đầu tiên. Mỗi người ở một cương vị khác nhau, vị trí khác nhau trong cuộc lấy phiếu tín nhiệm này thì mỗi người sẽ tìm cách hành xử của mình. Có người thể hiện được bản lĩnh, chứ không bị tác động của số đông.

Như vậy, qua việc lấy phiếu tín nhiệm cũng đánh giá bản lĩnh của người được lấy phiếu và cả đại biểu QH, thưa ông?

Đúng vậy! Điều này thể hiện được cả bản lĩnh của đại biểu QH và cả những người được lấy phiếu tín nhiệm. Tôi cho đây là một cơ hội tốt. Nó tạo ra một không khí, môi trường kích thích những yếu tố tích cực của xã hội.

Nếu thực hiện tốt nó là bước tiến cần thiết. Đương nhiên, trong quá trình làm sẽ bộc lộ những mặt không mong muốn thì chúng ta sẽ điều chỉnh dần. Có người nói đây là cơ hội để đại biểu QH thể hiện quyền năng của mình.

Tôi cho rằng suy nghĩ như vậy là không đúng. Mà ở đây là thể hiện bản lĩnh, trách nhiệm của đại biểu xem người được lấy phiếu có đáp ứng được yêu cầu của cử tri và nhân dân không.

Cuộc lấy phiếu này cũng là một thử thách cho chính QH. Nếu kết quả lấy phiếu không thuận lòng dân thì QH mất uy tín. Do vậy, QH cũng phải nghĩ đến chuyện này. QH muốn mạnh thì phải nâng cao trách nhiệm của đại biểu, tháo bỏ những cơ chế không cần thiết.

Cám ơn ông.

Hà Nhân

ĐB Đinh Xuân Thảo (Viện trưởng Nghiên cứu lập pháp): Không lo khuyết vị trí

Trả lời báo chí “trong số 49 vị lấy phiếu tín nhiệm hàng năm có nhiều ủy viên trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, nếu có người tín nhiệm thấp thì khả năng tìm ứng viên thay thế như thế nào?”, ông Đinh Xuân Thảo cho biết: “Tôi cho là không khó tìm ứng viên thay thế. Đảng đã có công tác quy hoạch cán bộ và tiến hành thường xuyên. Khi một người không còn được tín nhiệm, khắc sẽ có người mới. Trong trường hợp chưa chuẩn bị được người thay thế thì có thể để khuyết. Trong bộ máy Chính phủ đã từng có lần bị khuyết một Phó Thủ tướng”.

Nguyễn Tuấn  ghi

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.