Thủ trưởng các đơn vị đã làm hết trách nhiệm?

Thủ trưởng các đơn vị đã làm hết trách nhiệm?
TP - Theo công bố việc thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng năm 2006 của Thanh tra Nhà nước, có đến 22 bộ, ngành và 40 tỉnh không phát hiện vụ việc tham nhũng nào ở đơn vị mình...
Thủ trưởng các đơn vị đã làm hết trách nhiệm? ảnh 1
Ông Phan Trung Lý

Bên hành lang Quốc hội, Tiền phong đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH) Phan Trung Lý. Ông Lý nói:(Tiếp theo trang 1)

Theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN), hàng năm Chính phủ phải báo cáo công tác PCTN với Quốc hội.

Dự kiến vào đầu tuần tới (31/10), Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền sẽ trình bày trước Quốc hội Báo cáo về việc triển khai thực hiện Luật PCTN (Báo cáo), sau đó Ủy ban Pháp luật của Quốc hội sẽ trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo nêu trên.

Xin ông cho biết nội dung và tiến trình những công việc có liên quan đến thời điểm hiện nay?

Vì Luật PCTN mới có hiệu lực từ ngày 1/6 vừa qua, do đó đây sẽ là lần đầu tiên Chính phủ báo cáo với Quốc hội về tình hình triển khai đạo luật này. Về nội dung báo cáo, ngoài vấn đề tuyên truyền phổ biến luật, thì Chính phủ còn phải báo cáo cụ thể việc triển khai các văn bản quy định dưới luật.

Ví như hướng dẫn thi hành luật cần tất cả bao nhiêu văn bản và Chính phủ đã ban hành được bao nhiêu trong số đó, nội dung các văn bản như thế nào? Vấn đề “phòng” tham nhũng đã ban hành được các văn bản quy định nào về chế độ, chính sách, hay là cơ chế để “phòng” ra sao?

Vấn đề “chống” tham nhũng thì phát hiện, kiểm tra, thanh tra và xử lý như thế nào? Đến nay Ủy  ban Pháp luật của Quốc hội đã thẩm tra báo cáo nêu trên.

Dư luận hết sức quan tâm tới tiến độ điều tra của 4 vụ án lớn mà Thủ tướng đã có công văn chỉ đạo, đó là các vụ án PMU18, vụ Nguyễn Đức Chi lừa đảo tại Dự án Rusalka (Khánh Hòa), vụ Nguyễn Lâm Thái liên quan đến 38 bưu điện tỉnh, thành phố và vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, đưa và nhận hối lộ xảy ra trong quá trình thanh tra các công trình xây dựng tại Tổng Cty Dầu khí Việt Nam, vậy trong Báo cáo của Thanh tra Chính phủ có đề cập đến các vụ án nêu trên?

Theo Báo cáo này thì Chính phủ và Quốc hội đã triển khai rất tích cực nhiều vấn đề được quy định trong Luật PCTN. Nhất là việc Báo cáo đã chỉ rõ những vấn đề làm được cũng như chưa làm được.

Nhìn chung, việc ra các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, và thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng do Thủ tướng đứng đầu…, đã được triển khai tốt. Tuy nhiên, ở một số vấn đề khác, cá nhân tôi thấy Báo cáo cần phải đề cập sâu hơn nữa, nhất là các chế độ chính sách và cơ chế để có thể đảm bảo “không thể, không dám và không muốn” tham nhũng.

Đây là lĩnh vực nhạy cảm. Ngoài ra, tôi nghĩ các vị đại biểu QH cũng sẽ rất quan tâm tới các vụ việc tham nhũng đã bị phát hiện, nhất là những vụ việc nghiêm trọng mà các cơ quan chức năng đã vào cuộc, với mong muốn sớm kết thúc điều tra, xử lý để có kết luận rõ ràng.

Dĩ nhiên là trong Báo cáo của mình, Chính phủ có đề cập tới 4 vụ án lớn nêu trên, tuy nhiên mức độ còn khác nhau, do đây là các vụ án phức tạp nên “việc đến đâu thì nêu đến đấy”. Tôi nghĩ là Chính phủ sẽ còn tiếp tục có báo cáo liên quan.

Theo công bố việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2006 của Thanh tra Nhà nước, có đến 22 bộ, ngành và 40 tỉnh báo cáo không phát hiện vụ việc tham nhũng nào ở đơn vị mình, ông có bình luận gì?

Nếu đúng như thế thì đáng mừng! Nhưng tôi băn khoăn là như vậy đã báo cáo đúng thực trạng của vấn đề hay chưa? Để xem đánh giá đúng hay chưa, cần có nhiều hình thức để kiểm tra, nhưng trước hết đây là trách nhiệm của Thủ trưởng các bộ, ngành và địa phương.

Vấn đề là những người đứng đầu đơn vị đã làm hết trách nhiệm trong việc triển khai các biện pháp để phòng, chống và phát hiện tham nhũng để báo cáo Chính phủ hay chưa. Nếu chưa làm được thì cũng là một vấn đề đáng quan tâm, sao cho việc báo cáo được thiết thực hơn.

Tôi muốn nói thêm rằng, vừa qua việc 20 bộ, ngành và 35 địa phương chậm ban hành hoặc chưa có báo cáo kết quả việc xây dựng và ban hành kế hoạch PCTN (đã bị Thủ tướng Chính phủ phê bình-P.V), cũng là một biểu hiện của sự không nghiêm trong hệ thống hành chính, hiện tượng ấy không những đáng phê bình mà còn phải bị xử lý nghiêm về mặt hành chính.

Xin cảm ơn ông!

Võ Văn Thành
(thực hiện)

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.