Thứ trưởng Đặng Hùng Võ phúc đáp thư ngỏ của công dân

Thứ trưởng Đặng Hùng Võ phúc đáp thư ngỏ của công dân
Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ đã trả lời bức thư ngỏ của chị Trần Thị Thu Hà: "Kính gửi chị Trần Thị Thu Hà, đồng kính gửi những bạn đọc đang quan tâm về giấy chứng nhận cho bất động sản!"

Thứ trưởng Đặng Hùng Võ phúc đáp thư ngỏ của công dân

Các nhà quản lý mải tranh luận, dân sẽ dùng giấy viết tay...

Thứ trưởng Đặng Hùng Võ phúc đáp thư ngỏ của công dân ảnh 1
Làm thủ tục nhà đất tại Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh

Dưới đây là toàn văn bức thư hồi âm của Thứ trưởng Đặng Hùng Võ

"Tôi thực sự vừa ngạc nhiên, vừa cảm động khi được đọc lá thư ngỏ chị gửi cho tôi đăng trên báo Tiền phong số ra ngày 16/3/2005. Ngạc nhiên vì chị không hiểu hết ý của tôi trong bức thư tôi gửi riêng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; cảm động vì đây cũng là một kỷ niệm đẹp trong quãng đời làm việc của tôi.

Vừa qua tôi nhận được khá nhiều thư riêng, điện thoại riêng từ cả trong nước lẫn nước ngoài. Với bức thư ngỏ của chị, tôi ghi nhận đã có một lần có người bộc bạch với mình trên báo chí giữa thanh thiên bạch nhật về một chuyện có liên quan đến công việc. Rất cảm ơn chị về bức thư này và tôi xin giải thích với chị và mọi người một số điều sau đây:

Thứ nhất, chị là người có nhiều trăn trở về vấn đề giấy chứng nhận cho bất động sản. Giá như hồi Quốc hội lấy ý kiến toàn dân về Luật Đất đai mà chúng tôi nhận được một ý kiến của chị thì hay biết mấy, tôi sẽ cảm phục hơn nhiều. Bây giờ chị mới nói thì kể cũng là muộn.

Thứ hai, chị có cảm tưởng tôi là người rất thương dân. Sự thực, tôi không dám nhận điều này. Cũng đã có người nói với tôi rằng lúc nào tôi cũng đem quyền lợi của dân ra để nói, nó phản cảm lắm, cứ như người khác không vì quyền lợi của dân ấy. Tất cả chẳng có gì giống tôi nghĩ cả. Thực sự, chữ DÂN rộng lắm và đức tính THƯƠNG DÂN lớn lắm, tất cả chúng ta đều không đủ tư cách để nói đến những chữ này, chỉ có bậc thánh nhân mới dám bàn đến.

Ở nước ta, cụ Nguyễn Trãi ngày xưa và Bác Hồ gần đây mới dám nói về những chữ này. Khi giành lại được giang sơn từ tay quân Minh, Đức vua Lê Lợi có nói cụ Nguyễn Trãi là cần chế ra quốc nhạc để nghi thức triều đình được trang nghiêm. Cụ Nguyễn Trãi có trả lời rằng nơi thôn cùng xóm vắng không có tiếng kêu than thì đó chính là quốc nhạc. Từ khi viết Tuyên ngôn độc lập cho đến bản Di chúc để lại trước lúc đi xa, Bác Hồ cũng chỉ đau đáu một điều là làm sao để dân ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Văn phong của Bác cũng giản dị như viết để cho dân, người ít học cũng hiểu.

Còn tôi, chẳng qua hồi bé hay bị bắt nạt nên lớn lên cũng hay bênh người yếu, giúp người nghèo. Tôi không phải là chính khách, tôi cũng là một người dân như chị. Tôi cũng chỉ tâm niệm là lo lắng sao cho những cán bộ làm công tác quản lý đất đai từ Trung ương tới xã, phường, thị trấn được đủ để tận tâm với công việc, thực hiện thật đúng pháp luật, sao cho người đến xin giải quyết công việc mà được thì hỉ hả, nếu không được cũng cảm thấy ấm áp tình người. Tôi làm sao dám nói đến DÂN và dám nghĩ đến đức tính THƯƠNG DÂN.

Thứ ba, Luật Đất đai không phải do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành mà Bộ chỉ là thường trực của Ban soạn thảo. Ban soạn thảo đã tổ chức rất nhiều hội thảo để nghe ý kiến của Tỉnh uỷ, Thành uỷ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân cấp huyện; các sở Địa chính, sở Địa chính - Nhà đất; các Đoàn luật sư, Văn phòng luật sư; các phòng Công chứng; các doanh nghiệp; các chuyên gia trong nước và nước ngoài rồi mới trình Chính phủ. Chính phủ lấy ý kiến tất cả các Bộ, ngành rồi thống nhất trình Quốc hội. Quốc hội cho đăng báo và tổ chức lấy ý kiến toàn dân rồi tập hợp lại để sửa chữa, xong mới thực hiện các thủ tục như đối với các luật khác. Ý kiến hay cũng rất nhiều. Sự công phu như vậy đã làm cho chất lượng của Luật Đất đai khá cao, tập hợp được ý chí của toàn dân.

Thứ tư, chị đã hiểu sai mục đích bức thư của tôi gửi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An rồi. Trong Hội nghị đại biểu chuyên trách thảo luận về Luật Nhà ở, có nhiều ý kiến phê phán Điều 48 của Luật Đất đai năm 2003 và yêu cầu phải sửa. Bình thường, Bộ Tài nguyên và Môi trường được mời dự họp để thảo luận về giấy chứng nhận cho nhà ở vì có liên quan đến đất ở. Bất thường, hôm đó Bộ Tài nguyên và Môi trường không được mời dự. Chúng tôi không được giải trình về Điều 48 này tại Hội nghị đó. Vậy tôi phải viết thư gửi Chủ tịch Quốc hội để giải trình về vấn đề giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được thiết kế trong Luật Đất đai năm 2003 thay cho lời phát biểu không được nói tại Hội nghị. Ngoài ra, không có bất kỳ một kiến nghị gì mới hơn những điều đã thảo luận kỹ khi xây dựng Luật Đất đai.

Thứ năm, tôi lại xin giải trình một lần nữa với chị và với những người khác có quan tâm tới vấn đề giấy chứng nhận. Luật Đất đai năm 2003 đã thiết kế hệ thống giấy chứng nhận về bất động sản theo giải pháp bao gồm: đất đai là tặng vật của tự nhiên, không phải do con người làm ra, các quyền năng của quyền sở hữu được chia sẻ giữa người trực tiếp sử dụng và cộng đồng, ranh giới sử dụng đất hay bị xê dịch do con người cũng như do tự nhiên.

Vì vậy phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo mẫu thống nhất cho từng thửa đất trong đó ghi rõ ranh giới thửa đất, mục đích được sử dụng, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng, thành quả sử dụng đất (tức là tài sản gắn liền với đất); tài sản gắn liền với đất bao gồm cả nhà ở, cơ sở sản xuất, cơ sở dịch vụ, kết cấu hạ tầng, rừng sản xuất, vườn cây, v.v. được đăng ký và công nhận quyền sở hữu ngay trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì tài sản này do con người tạo ra được pháp luật về dân sự thừa nhận nên không cần cấp giấy riêng; quyền sử dụng đất chung, quyền sở hữu tài sản chung được ghi rõ trên giấy chứng nhận và mỗi người có quyền đó đều được cấp giấy chứng nhận giống nhau.

Giải pháp như vậy phù hợp với trạng thái động trong sử dụng đất, phù hợp với cả trường hợp đất thuộc quyền sử dụng của người này mà tài sản thuộc sở hữu của người khác (vì cả 2 đều được cấp giấy giống nhau, trên đó ghi rõ chủ sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản), phù hợp với cả trường hợp nhà chung cư (đất sử dụng chung và căn hộ là tài sản của người có căn hộ). Ở các nước khác, nước nào sử dụng giấy chứng nhận đều dùng giải pháp nói trên (một số nước không sử dụng giấy chứng nhận thì cho phép dùng mọi loại giấy tờ pháp lý được pháp luật về dân sự thừa nhận). Giải pháp đó là thành quả chung của nhân loại từ hơn 300 năm nay, không phải của ai cả, chúng ta chẳng cần sáng tác gì thêm.

Thiết kế như vậy nhưng hiềm một nỗi, khi thảo luận có một số ý kiến nói rằng Luật Đất đai chỉ điều chỉnh về đất đai, không điều chỉnh về tài sản gắn liền với đất. Vì vậy, Quốc hội đã để lại nội dung về đất đai còn nội dung về đăng ký tài sản được xem xét trong Luật Đăng ký bất động sản. Điều 48 của Luật Đất đai năm 2003 đã được hình thành như vậy, rất hợp lý, được Quốc hội thông qua. Bây giờ, nhiều ý kiến muốn phê bình Điều 48 này, muốn sửa đổi. Tôi nói rằng Điều 48 không có khuyết điểm.

Gần đây khi thảo luận về Luật Nhà ở, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cũng thừa nhận tính hợp lý của giải pháp về giấy chứng nhận nêu trên nhưng chỉ băn khoăn là tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không chứa được nội dung quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Tôi nói rằng tên chỉ là hình thức, quan trọng là nội dung. Nếu thay tên mà làm thay đổi được nội dung thì người ta lấy tên mới chắc sẽ thay đổi được tâm hồn, dịch vụ đổi tên sẽ rất đắt hàng. Nói vậy, nhưng tôi sợ là mình cố chấp nên đã đề nghị ngay phương án thứ hai là đổi tên giấy chứng nhận thành giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, tên này rất phù hợp với nội dung, đồng thời không trái với Luật Đất đai.

Thứ sáu, chị có nói là chị lo lắng cho căn hộ nhà chung cư khi chưa được xác lập quyền sở hữu. Chị lo cho căn hộ chị đang có, người có rừng lại lo cho rừng của mình, nhà đầu tư khu công nghiệp lại lo cho hạ tầng họ đã đầu tư và v.v. Người quản lý phải lo cho giải pháp để xử lý chung cho mọi trường hợp. Vì vậy, "sổ hồng" cũ cũng phải tuân theo một giải pháp thống nhất cho đăng ký quyền sử dụng đất và các loại tài sản khác nữa chứ không chỉ nhà ở tại đô thị. "Sổ hồng" ra đời vào năm 1994 mà đến ba bốn năm sau mới triển khai được vì các tỉnh phải lo sắp xếp lại bộ máy quản lý, các thành phố trực thuộc trung ương và nhiều tỉnh đã phải thành lập sở địa chính - nhà đất hoặc giao cho sở địa chính chức năng quản lý nhà để không phải xây dựng 2 hệ thống hồ sơ và bản đồ địa chính.

Đã hơn 10 năm mà cả nước cũng chỉ cấp được hơn 900.000 "sổ hồng", còn lại vẫn là "sổ đỏ". Sử dụng đất là một trạng thái động, nay là đất trồng cây hàng năm thì mai có thể là rừng hoặc công trình nuôi tôm, nay là nhà ở thì mai có thể là cơ sở dịch vụ, v.v. Nếu cứ mỗi luật về một loại tài sản gắn liền với đất lại quy định một loại giấy chứng nhận riêng thì bao nhiêu loại giấy cho vừa, bao nhiêu mầu cho đủ, và cũng chẳng cần đến Luật Đăng ký bất động sản nữa.

Cứ chuyển mục đích sử dụng đất lại phải xin cấp giấy chứng nhận mới, rồi sẽ cấp giấy gì cho một thửa đất sử dụng vào nhiều mục đích như thửa đất có vườn cây và một phần diện tích được công nhận là đất ở có nhà ở (chắc sẽ là một giấy nửa xanh, nửa hồng). Vì vậy, theo đúng chương trình xây dựng luật pháp, phần đất đã được điều chỉnh trong Luật Đất đai, còn lại tập trung giải quyết tổng thể về tài sản gắn liền với đất trong Luật Đăng ký bất động sản, không xử lý riêng cho từng loại tài sản trong các luật khác nhau mà làm nát vụn hệ thống quản lý.

Thứ bảy, chị có phê phán là chưa có Luật Đăng ký bất động sản mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cho triển khai cấp tập việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chính phủ đang chỉ đạo hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong năm 2005 để xác lập quyền chính thức cho mọi người sử dụng đất, giải quyết dứt điểm vấn đề tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai, vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, vấn đề thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Việc triển khai Luật Đất đai không chờ các luật khác chưa được ban hành. Khi chưa có Luật Đăng ký bất động sản, ta có thể áp dụng ngay cơ chế đăng ký công nhận tài sản gắn liền với đất ngay trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chứ; thật giản dị, dễ làm, thống nhất, hợp luật và bảo đảm tính hội nhập cao.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2005/NĐ-CP ngày 15/7/2005 về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu công trình xây dựng khi chưa có Luật Đăng ký bất động sản, căn hộ chung cư của chị chắc cũng sớm được cấp giấy. Hiện nay, Luật Đăng ký bất động sản đang được chuẩn bị, và phải chuẩn bị theo hướng tiếp tục xử lý phần tài sản gắn liền với đất trên cơ sở đất đai đã được quy định trong Luật Đất đai. Khi Luật có hiệu lực thi hành thì chúng ta tiếp tục xử lý theo đúng quy định của luật. Tôi không có ý kiến gì khác ngoài việc thừa hành nhiệm vụ đã được cấp trên quyết định, mình đã nói hết thì cũng nhẹ lòng.

Cuối cùng, tôi đã phát biểu về giấy chứng nhận từ năm 1993 cho tới hôm nay, không phải như chị nghĩ là chờ dịp như vừa rồi tôi mới nói. Tôi không là người bảo thủ, luôn sẵn sàng nhận thiếu sót để sửa chữa, nhưng tôi cũng luôn cương quyết bảo vệ cái đúng, bảo vệ đến cùng. Nếu luật chưa phù hợp thì phải sửa cho phù hợp với cuộc sống, nhưng đã phù hợp rồi mà lại sửa cho không phù hợp thì éo le lắm. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài có e ngại hỏi tôi rằng liệu có đến lúc nào đó các ông bỏ cả "sổ đỏ" để ai muốn lấn đất của ai cũng được chăng.

Tôi tin rằng chân lý luôn tồn tại, chỉ có điều đừng tự mình phức tạp hoá con đường đến chân lý. Cuộc sống có quy luật của nó, các nhà quản lý cứ mải tranh luận thì dân sẽ dùng giấy viết tay. Mỗi lần nói đến vấn đề giấy chứng nhận tôi lại cảm thấy xấu hổ, cứ như mấy Bộ trong đó có Bộ Tài nguyên và Môi trường đang muốn chứng minh sự tồn tại của mình bằng mảnh giấy chứng nhận đối với những thứ trong phạm vi quản lý của mình, người nói thì cứ nói mà chẳng cần biết có ai nghe không. Nói ra mà lòng thấy buồn lắm. Có lẽ đây là lần cuối cùng tôi giải thích về vấn đề này, xin đừng ai gửi thư ngỏ cho tôi nữa.

Xin chào chị và chúc chị mọi sự tốt lành.

Ngày 22 tháng 8 năm 2005.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.