Thứ trưởng LĐ-TB&XH nói về việc người lao động bị “tận thu” sức khỏe

Bữa cơm trưa của công nhân. Ảnh: Hồng Vĩnh
Bữa cơm trưa của công nhân. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Trước hết, phải đào tạo lao động tốt, luật pháp cũng cần tính tới trách nhiệm của DN trong việc đảm bảo an sinh cho NLĐ từ lúc còn làm việc, để khi bị sa thải khi tới tuổi trung niên vẫn được chăm lo tốt.

Thứ trưởng LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm phát biểu như vậy khi đề cập đến vấn đề người lao động bị “tận thu” sức khỏe với báo Tiền Phong.

Mặt trái của thu hút đầu tư

Theo Thứ trưởng Đàm, thực tế có hiện tượng một số DN (cả DN có vốn nước ngoài và trong nước) có chủ trương sử dụng lao động trẻ. Khi NLĐ tới độ tuổi trung niên, năng suất lao động giảm, vướng bận gia đình, con cái, hoặc khả năng tiếp cận công nghệ mới bị hạn chế, DN tìm cách cho nghỉ việc để tuyển NLĐ trẻ hơn. 

Tuy nhiên, theo ông Đàm, hiện pháp luật chỉ cấm DN không được ký hợp đồng ngắn hạn nhiều lần để trả thấp lương, bảo hiểm xã hội và các phúc lợi chứ không có quy định nào cấm DN không được làm như vậy. DN có quyền ký hợp đồng 5-10 năm, hay 20 năm. “Nhưng phải có giải pháp để hạn chế tình trạng trên, để NLĐ có việc làm bền vững, ổn định”, ông Đàm nói.

Ông đánh giá thế nào về mức độ tác động tới đời sống NLĐ và an sinh xã hội khi NLĐ bị cho nghỉ việc khi đã trung tuổi?

Vấn đề này tác động rất lớn tới đời sống NLĐ và gia đình họ, mất việc là mất thu nhập, phải tìm việc tạm thời thu nhập thấp hơn. Có người khi chưa tìm được việc làm khác trong thời gian dài càng ảnh hưởng tới gia đình. Tầm tuổi trung niên cũng không dễ tìm việc mới.

Về mặt xã hội sẽ khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng, kéo theo nhu cầu đảm bảo an sinh xã hội của nhà nước, những điều đó chúng ta không mong muốn. Thậm chí, nhiều người nghỉ việc, không xin được việc mới, khả năng tham gia bảo hiểm xã hội tiếp cũng khó khăn, nên họ phải rút bảo hiểm xã hội một lần. Kéo theo, tỷ lệ rút bảo hiểm xã hội một lần ở mức cao và khi về già NLĐ không có lương hưu để chăm lo cho cuộc sống.

Dưới góc nhìn xã hội, phải chăng tình trạng sa thải NLĐ khi tới tuổi trung niên là hậu quả của thời kỳ thu hút đầu tư FDI của chúng ta, chủ yếu vào những ngành nghề cần nhiều lao động, lao động trẻ, nhưng chỉ cần trình độ phổ thông?

Thứ trưởng LĐ-TB&XH nói về việc người lao động bị “tận thu” sức khỏe ảnh 1

Thứ trưởng LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm. Ảnh: Phạm Thanh

Thời gian đầu, Việt Nam mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài và cần có nhà đầu tư để giải quyết công ăn việc làm. Thậm chí, các địa phương còn cạnh tranh để thu hút đầu tư. Đồng thời, các nhà đầu tư nhằm vào nước ta phần lớn cũng hướng tới nguồn nhân công lao động trẻ, rẻ, dồi dào. Đó là lý do họ chỉ đưa công nghệ vừa phải và sử dụng nhiều lao động tay chân để tối ưu hóa lợi nhuận.  Chúng ta biết nhưng phải chấp nhận điều đó.

   

Ngoài ra, nếu từ đầu chỉ chọn nhà đầu tư công nghệ cao sẽ khó thu hút nhà đầu tư, và công nghệ cao có đưa vào chúng ta cũng không đáp ứng được chất lượng nguồn nhân lực…

Trách nhiệm cả DN và NLĐ

Vậy theo ông, cần làm gì để ngăn chặn tình trạng DN sa thải NLĐ khi tới tuổi trung niên?

Trước hết, phải đào tạo lao động tốt, luật pháp cũng cần tính tới trách nhiệm của DN trong việc đảm bảo an sinh cho NLĐ từ lúc còn làm việc, để khi bị sa thải khi tới tuổi trung niên vẫn được chăm lo tốt. Cùng với đó, hệ thống an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội, đào tạo lại, chuyển đổi nghề nghiệp để NLĐ có thể nhanh chóng trở lại công việc có quan hệ lao động. Phải chủ động những vấn đề đó.

Trong cơ chế thị trường, bản thân từng NLĐ phải luôn tích cực, chủ động cho chính mình, và dù công việc hôm nay ổn định mai có thể thay đổi, (ví như DN phá sản, co hẹp sản xuất…). Do đó,  NLĐ phải luôn chuẩn bị trau dồi nâng cao tay nghề, trình độ, ý thức. Căn bản nhất, phải luôn đáp ứng được nhu cầu sử dụng để có việc dài hạn trong DN.

Cảm ơn ông.

Sáng 3/3, tại hội nghị về lao động nữ, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, hiện thị trường lao động Việt Nam đang đối mặt thách thức về chất lượng việc làm thấp, thiếu ổn định, bền vững ở khu vực chính thức. Đặc biệt, có một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tập trung, tận dụng lao động trẻ, lao động nữ khoảng 18-20 tuổi, sau đó 1-2 năm lại đảo quân, thay người.

Ông Dung dẫn kết quả khảo sát cho thấy, 70% lao động nữ thường làm ở những lĩnh vực có trình độ không cao, như dịch vụ, dệt may, da giày… 35 tuổi, lao động nữ bị đào thải, chị em phải quay về nơi xuất phát là nông thôn, với vốn liếng ít, tay nghề không có. “Về quản lý nhà nước chúng tôi đã thấy vấn đề này. 

Tới đây trong sửa đổi Bộ Luật Lao động, sẽ có nghiên cứu để đề xuất giải pháp chính sách, đảm bảo vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, đồng thời có cơ chế ràng buộc trách nhiệm để các doanh nghiệp sử dụng người lao động ổn định, lâu dài. Ngoài ra, quan tâm đào tạo nghề cho người lao động khi vào doanh nghiệp để người lao động công ăn việc làm ổn định, đủ điều kiện hưởng các dịch vụ phúc lợi xã hội khi về già”, ông Dung nói.


MỚI - NÓNG