Thủ tục thành lập hội còn quá phức tạp

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, việc quy định trình tự, thủ tục thành lập hội đều phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận làm cho việc thực hiện quyền lập hội thêm khó khăn, trở ngại.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, việc quy định trình tự, thủ tục thành lập hội đều phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận làm cho việc thực hiện quyền lập hội thêm khó khăn, trở ngại.
TPO - Ủy ban Pháp luật cho rằng, trình tự, thủ tục thành lập hội như dự thảo Luật quy định quá phức tạp, mất nhiều thời gian và chưa thật sự tạo điều kiện thực hiện quyền lập hội của công dân.

Thẩm tra Dự thảo Luật về hội trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (15/10), Ủy ban Pháp luật cho rằng, trình tự, thủ tục thành lập hội như dự thảo Luật quy định quá phức tạp, mất nhiều thời gian và chưa thật sự tạo điều kiện thực hiện quyền lập hội của công dân.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật  Phan Trung Lý, quyền lập hội là quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp ghi nhận. Do đó, quy trình thành lập hội phải phù hợp với tính chất, đặc điểm, quy mô của các loại hình tổ chức hội đang phát triển ở nước ta.

Vì vậy, việc Dự thảo Luật quy định, các hội hoạt động trong phạm vi cấp xã với số lượng thành viên từ 10 người trở lên muốn thành lập hội đều phải trải qua một trình tự, thủ tục chung như đối với hội được thành lập ở quy mô toàn quốc, là không hợp lý. Nhiều tổ chức xã hội – nghề nghiệp sẽ khó có đủ số lượng hội viên để thành lập hội.

Bên cạnh đó, ông Lý cũng cho rằng, mỗi trình tự, thủ tục thành lập hội đều phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận như trong Dự thảo, làm cho việc thực hiện quyền lập hội "thêm khó khăn, trở ngại".

Cũng theo ông Lý, việc Dự thảo Luật quy định điều kiện thành lập hội: “Lĩnh vực hoạt động chính không trùng lắp với lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng phạm vi hoạt động” là chưa phù hợp. Bởi bản chất của hội là tổ chức tự nguyện của những cá nhân, tổ chức có cùng tôn chỉ, mục đích, đoàn kết, giúp đỡ nhau, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng hoặc phạm vi hoạt động của hội trên địa bàn khác nhau. Do đó, thực tế có thể có một hoặc nhiều hội cùng hướng đến một lĩnh vực hoạt động, một đối tượng cụ thể.

“Quy định của dự thảo Luật, không tạo được cơ chế khuyến khích các hội phải nâng cao hiệu quả hoạt động, không khắc phục được tình trạng hoạt động hình thức của nhiều hội, chưa bảo đảm bình đẳng giữa các hội và có thể dẫn đến hạn chế quyền lập hội của công dân”, ông Lý nhấn mạnh.

Trước đó, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xây dựng Dự thảo Luật về hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình nhấn mạnh, Hiến pháp năm 2013 quy định: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Hiện nhu cầu lập hội ngày càng nhiều và đa dạng cần phải được điều chỉnh bằng luật để bảo đảm quyền lập hội của công dân và để có đủ căn cứ xử lý các trường hợp lợi dụng tổ chức hội, lợi dụng diễn đàn, đối thoại của hội để chống phá sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, tạo ra sự không đồng thuận trong xã hội. Do đó, việc xây dựng Luật về hội để thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013 là cần thiết.

MỚI - NÓNG