Thủ tướng: Bảo đảm tuyệt đối an toàn cho nhà đầu tư nước ngoài

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: N.Bắc
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: N.Bắc
TP - Trước các tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, hệ thống chính trị Việt Nam hoàn toàn đủ sức để thực hiện mục tiêu, chính sách, quyết tâm đảm bảo môi trường sống tuyệt đối an toàn cho công dân và nhà đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam.

“Các bạn hãy tin”

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2014, diễn ra sáng 5/6 ở Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam gây phẫn nộ cả dân tộc; một số nơi, người dân đã biểu tình phản đối hành động ngang ngược này.

Lợi dụng biểu tình yêu nước của người dân, một số đối tượng manh động đã cướp giật, phá hoại tài sản doanh nghiệp (DN), Việt Nam đã ngăn chặn kịp thời và không để tái diễn. Ngay sau đó, Việt Nam có những hành động chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ và hầu hết các DN bị thiệt hại đã hoạt động lại bình thường.

Hiện còn khoảng 20 DN bị thiệt hại nặng hơn chưa trở lại sản xuất, Chính phủ cùng với chính quyền địa phương đang gặp từng DN để bàn phương án giúp đỡ, được cả 2 bên đồng thuận. “Mong các bạn ủng hộ Việt Nam để giải quyết thật tốt sự cố không mong muốn này”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng cam kết, tiếp tục bảo đảm, tăng cường vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đảm bảo môi trường sống tuyệt đối an toàn cho mọi người dân Việt Nam và các tổ chức, DN, người nước ngoài đang công tác, học tập, sinh sống tại Việt Nam.

“Hệ thống chính trị Việt Nam hoàn toàn đủ sức để thực hiện mục tiêu, chính sách, quyết tâm này. Các bạn hãy tin, Việt Nam là đất nước có chính trị xã hội ổn định, kinh tế phát triển nhanh, bền vững, có môi trường đầu tư hấp dẫn. Việt Nam luôn là bạn, đối tác tin cậy của các quốc gia, thành viên tích cực của quốc tế”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Đồng thời, Thủ tướng một lần nữa khẳng định quan điểm, Việt Nam kiên quyết đấu tranh bằng biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền quốc gia, theo luật pháp quốc tế.

Ông Yoshihisa Maruta, Chủ tịch Hội DN Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV), cho biết, dù một số DN nước này bị ảnh hưởng, nhưng các DN vẫn cam kết gắn bó lâu dài với Việt Nam. “Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư để có thể thu hút thêm các nhà đầu tư mới vào Việt Nam”, Chủ tịch JBAV nói.

Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh nói rằng, sự cố vừa qua tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh ảnh hưởng xấu tới hình ảnh môi trường đầu tư của Việt Nam, đây là sự cố hy hữu, chưa bao giờ xảy ra tại Việt Nam, do đó Chính phủ không thể ngay lập tức có chính sách phù hợp. Ông mong các nhà đầu tư cảm thông và cho thời gian để xử lý.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng rất quyết tâm, chỉ thời gian ngắn, riêng Thủ tướng đã có 6 văn bản chỉ đạo xử lý và khắc phục sự cố, với hàng loạt chính sách hỗ trợ như: miễn giảm thuế, đơn giản hóa thủ tục bảo hiểm, lao động, hỗ trợ lương...

“Chúng tôi cảm kích và đánh giá cao các DN bị thiệt hại đã chia sẻ, sớm khôi phục sản xuất và cam kết tiếp tục gắn bó dài hạn với Việt Nam. Chính phủ đã cam kết bảo đảm an toàn, an ninh cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong tương lai, những sự cố như vừa qua sẽ không bao giờ xảy ra trên đất nước Việt Nam lần nữa”, Bộ trưởng Vinh nói.

Tôn trọng quy luật thị trường

Bà Virginia Foote, đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn DN Việt Nam, nói rằng những hiệp định thương mại mà Việt Nam sắp tham gia sẽ mang lại nhiều cơ hội, do giảm hàng rào thuế quan khi tiếp cận thị trường trong các lĩnh vực may mặc, giày dép, nông nghiệp…

Tuy nhiên, khi tham gia cũng đòi hỏi nhiều yêu cầu, như quy định của pháp luật phải ở mức độ tiêu chuẩn cao. Ngoài ra, tham nhũng đang là vấn đề nan giải của Việt Nam; nền kinh tế hiện tại vẫn phụ thuộc quá nhiều vào tiền mặt; chính sách ban hành chậm, chồng chéo, thiếu thống nhất, thủ tục phức tạp…

Để chuẩn bị cho quá trình hội nhập, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đề xuất Chính phủ xây dựng cơ chế tư vấn, hướng dẫn DN về các nội dung cam kết. Có biện pháp tăng cường tham gia của DN, hiệp hội vào quá trình thực thi cam kết, ban hành văn bản luật. Đẩy mạnh chuyển giao các dịch vụ công từ nhà nước sang các hiệp hội doanh nghiệp. Ngoài ra, hiện thực hóa các cơ chế để bảo vệ các lợi ích hợp pháp của DN ở nước ngoài.

Các nhóm nghiên cứu của Diễn đàn DN đã chỉ ra nhiều vấn đề Việt Nam cần làm ngay để đón đầu các hiệp định thương mại mới, Nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại đề xuất những thay đổi mạnh mẽ hơn về mặt chính sách, cải cách hành chính, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, nguồn cung ứng nguyên liệu. Nhóm Công tác Thị trường Vốn đề xuất đẩy mạnh cổ phần hóa DN nhà nước và giảm sở hữu nhà nước tại DN, tạo điều kiện để DN dễ tiếp cận vốn hơn, hạ lãi suất…

“Chúng tôi cảm kích và đánh giá cao các DN bị thiệt hại đã chia sẻ, sớm khôi phục sản xuất và cam kết tiếp tục gắn bó dài hạn với Việt Nam. Chính phủ đã cam kết bảo đảm an toàn, an ninh cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong tương lai, những sự cố như vừa qua sẽ không bao giờ xảy ra trên đất nước Việt Nam lần nữa”.

Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo tới diễn đàn những kết quả kinh tế - xã hội đạt được trong năm qua, như ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, đảm bảo mục tiêu công bằng và tiến bộ xã hội… Đề cập mục tiêu 5 năm 2016 – 2020, người đứng đầu Chính phủ cho biết, Việt Nam tiếp tục kiên định mục tiêu là một nền kinh tế thị trường, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Để làm được điều này, Thủ tướng cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiệu quả, năng động hơn. Thực hiện đầy đủ các quy luật kinh tế thị trường, đặc biệt với cơ chế giá và phân bổ nguồn lực. Tiếp tục đàm phán, đi tới ký kết 6 hiệp định thương mại (như TPP, FTA –EU, FTA – Hàn Quốc…).

Đảm bảo tự do kinh doanh của DN như Hiến pháp đã quy định (DN có quyền làm những gì pháp luật không cấm). Thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế để cạnh tranh cao hơn và bền vững hơn, đặt DN nhà nước trong môi trường kinh doanh bình đẳng với tất cả DN khác. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng (giao thông, bệnh viện, trường học…). Tiếp tục hoàn thiện thể chế nhà nước pháp quyền, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham những.

MỚI - NÓNG