Thủ tướng biểu dương ‘giải pháp và hiệu quả cải cách’ của BHXH VN

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chuyển lời khen của Thủ tướng tới BHXH Việt Nam về công tác cải cách hành chính, ứng dụng CNTT. Ảnh: LHV.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chuyển lời khen của Thủ tướng tới BHXH Việt Nam về công tác cải cách hành chính, ứng dụng CNTT. Ảnh: LHV.
TP - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng khen ngợi tư tưởng, biện pháp và hiệu quả cải cách của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, đồng thời lưu ý 5 vấn đề cần tiếp tục làm tốt. 

Phục vụ người dân, doanh nghiệp

Sáng 18/10, Tổ Công tác của Thủ tướng đã kiểm tra tại BHXH Việt Nam về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao. Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng cho biết, BHXH là cột trụ quan trọng về an sinh xã hội, được Thủ tướng tất quan tâm. Theo đó, BHXH là một trong những đơn vị cải cách sớm nhất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; chia sẻ thông tin, giám sát việc thanh toán, chi trả bảo hiểm. “Các cải cách của BHXH Việt Nam đã tạo minh bạch trong quản lý điều hành, đặc biệt mang tính chất phục vụ với người dân, doanh nghiệp, kiểm soát việc lợi dụng trong thanh toán bảo hiểm”, ông Dũng nói.

Cùng đó, theo ông Dũng, BHXH Việt Nam đã có nhiều giải pháp mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Tới nay đã có hơn 14,3 triệu người tham gia BHXH, hơn 82 triệu người tham gia BHYT. Công tác thanh tra chuyên ngành đạt nhiều kết quả, phát hiện, xử lý các đơn vị nợ đọng BHXH. Công tác thực hiện chính sách BHYT có nhiều chuyển biến, đặc biệt phát hiện, ngăn chặn các vi phạm, trục lợi trong thanh toán khám chữa bệnh. Cùng đó, hệ thống đại lý bảo hiểm được mở rộng với trên 11.000 đại lý khắp cả nước. “Xin chuyển lời khen của Thủ tướng tới BHXH về 5 vấn đề trên. Đặc biệt về tư tưởng, biện pháp và hiệu quả cải cách. Điều đó tác động rõ rệt tới kinh tế xã hội đất nước, như góp phần cải thiện xếp hạng môi trường cạnh tranh quốc gia, tạo công khai, minh bạch giữa các cơ quan nhà nước, BHXH và người dân”, ông Dũng nhấn mạnh. Dù “ngưỡng mộ” hệ thống công nghệ thông tin của BHXH Việt Nam, nhưng Tổ trưởng Tổ công tác lưu ý, BHXH cần hết sức chú ý việc bảo đảm an toàn cơ sở dữ liệu, đây là vấn đề hết sức quan trọng.

Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng cũng lưu ý BHXH 5 vấn đề cần tiếp tục làm tốt hơn thời gian tới. Theo đó, BHXH Việt Nam cần làm tốt hơn Nghị quyết 28 của Trung ương về cải cách chính sách BHXH, đặc biệt là về sắp xếp bộ máy, ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến với chất lượng tốt hơn. Phải phát triển rộng hơn nữa đối tượng tham gia BHXH. Cần các giải pháp mạnh mẽ hơn trong kiểm soát thu - chi BHXH, BHYT, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng để tránh việc mất cân đối Quỹ BHYT. Đảm bảo công khai, minh bạch, bình đẳng trong ký hợp đồng thanh toán BHYT giữa bệnh viện công và tư...

Về thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao, tính từ đầu năm 2017 tới nay, BHXH được giao 83 nhiệm vụ, trong đó 57 nhiệm vụ đã hoàn thành, còn 26 nhiệm vụ chưa hoàn thành. “Như vậy, BHXH Việt Nam là một trong những đơn vị gương mẫu, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Tổ công tác hoan nghênh và xin chuyển lời khen ngợi của Thủ tướng. Các nhiệm vụ còn lại BHXH Việt Nam cần cố gắng hơn nữa”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu.

Các thành viên của Tổ công tác cũng đánh giá cao những nỗ lực, kết quả cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin BHXH Việt Nam đã làm được. Tuy vậy, các đại biểu góp ý thêm một số vấn đề để BHXH Việt Nam hoàn thiện hơn thời gian tới, như: Việc đầu tư Quỹ BHXH để sinh lời; cân thêm giải pháp để khuyến khích người lao động tham gia BHXH; hỗ trợ, hướng dẫn để doanh nghiệp chấp hành quy định về BHXH; nâng cao trách nhiệm công vụ...
Thủ tướng biểu dương ‘giải pháp và hiệu quả cải cách’ của BHXH VN ảnh 1 Trung tâm Điều hành Hệ thống công nghệ thông tin của BHXH Việt Nam. Ảnh: LHV.
‘Không cải cách là chết’

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh chia sẻ, để có được kết quả hôm nay, cũng có áp lực từ nội tại ngành BHXH, bởi khối lượng công việc của ngành cực kỳ lớn. Đơn cử, mỗi năm phải giám định trên 170 triệu lượt hồ sơ thanh toán bảo hiểm, rà đến từng viên thuốc; quản lý hơn 14 triệu người tham gia BHXH, 4 triệu người hưởng lương hưu… Có thời điểm, cán bộ BHXH phải làm việc tới 9-10 giờ đêm, có năm hơn 1.000 cán bộ bỏ việc. “Áp lực vậy nếu không cải cách là chết”, bà Minh nói. Và thực tế, kết quả mang lại đã được ghi nhận.

Tuy nhiên, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam thừa nhận, đúng như các ý kiến góp ý, cơ quan này mới đi được 70-80% quãng đường cải cách và cần tiếp tục đẩy mạnh. Mục tiêu đến năm 2021, nâng tỷ lệ người lao động tham gia BHXH lên 35% vẫn rất áp lực; sắp xếp bộ máy; giảm nợ đọng; ngăn chặn trục lợi quỹ... Tổng Giám đốc BHXH cũng kiến nghị nhiều nội dung, như đề xuất Chính phủ ban hành một Nghị định về chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, nhất là về trách nhiệm của các bên trong bảo mật các dữ liệu đã được chia sẻ...

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tới nay, cơ quan này đã cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra cho năm 2020 về ứng dụng công nghệ thông tin. Hệ thống công nghệ thông tin của BHXH được triển khai từ trung ương tới tất cả 709 quận/huyện, tất cả các cơ sở y tế ký hợp động thanh toán BHYT (trừ nơi chưa có điện). Đã giảm mạnh thời gian nộp BHXH của các doanh nghiệp từ 335 giờ/năm trước đây xuống còn 45 giờ, giảm từ 263 thủ tục hành chính (năm 2011) xuống còn 28 thủ tục hiện nay.

Hiện, cơ sở dữ liệu quốc gia bảo hiểm đang quản lý hơn 94 triệu người với 6 thông tin cơ bản, trong đó có 82 triệu hồ sơ tham gia BHYT; hơn 4,2 triệu hồ sơ người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH đã được điện tử hóa. Người tham gia BHXH, BHYT đều có thể tra cứu thông tin của mình trên công thông tin của BHXH Việt Nam. Hệ thống giám định BHYT kết nối với các cơ sở y tế giúp kiểm soát, giám định hồ sơ khám chữa bệnh, kịp thời phát hiện và ngăn chặn hành vi trục lợi BHYT. Thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ điện tử hóa sổ BHXH, thẻ BHYT, thậm chí người dân chỉ cần dấu vân tay, không cần sử dụng thẻ, là có thể sử dụng các dịch vụ của BHXH Việt Nam cung cấp.

Theo BHXH Việt Nam, hết 9 tháng năm 2018, cả nước có 14,39 triệu người tham gia BHXH, hơn 82 triệu người tham gia BHYT (bao phủ 87,4% dân số cả nước); số thu BHXH, BHYT, BHTN đạt hơn 232.226 tỷ đồng. Tổng số chi thực hiện các chế độ BHXH, BHYT, BHTN trong cùng thời gian ước hơn 226.668 tỷ đồng. Hiện đã bàn giao cho người lao động hơn 13 triệu sổ BHXH (đạt 99,9% số sổ phải bàn giao). Hiện BHXH Việt Nam đã thực hiện 19 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; hồ sơ điện tử giao dịch tới nay hơn 104,5 triệu hồ sơ; Hệ thống thông tin giám định BHYT đã kết nói với hơn 12.000 cơ sở khám chữa bệnh BHYT, tỷ lệ liên thông dữ liệu bình quân đạt 98%.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.