Thủ tướng: Cần đặc biệt quan tâm y tế cơ sở

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị Ảnh: TTXVN
TP - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo như vậy tại Hội nghị tổng kết ngành y tế năm 2012 và triển khai kế hoạch năm 2013 diễn ra ngày 24-1.

> 65% dân số tham gia bảo hiểm y tế
> Mua bảo hiểm y tế cho đồng bào thiểu số

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết tình trạng quá tải bệnh viện trung ương và bệnh viện các thành phố lớn vẫn còn cao, đặc biệt là các chuyên khoa tim mạch, ung bướu, chấn thương, sản, nhi... đòi hỏi có đầu tư lớn và đồng bộ từ phía Chính phủ.

Bà Tiến cho biết: “Vừa qua, chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp như nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng và tăng số giường bệnh cho các chuyên khoa quá tải trầm trọng tại tuyến trung ương và một số bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội và TPHCM; thành lập và phát triển hệ thống bệnh viện vệ tinh; hoàn thiện cơ chế, chính sách; tăng cường quản lý chuyên môn, kỹ thuật; chuyển giao kỹ thuật theo đề án 1816; xây dựng đề án bác sĩ gia đình; cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân”.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 – 2020, nhằm từng bước giảm quá tải bệnh viện ở hai khu vực khám bệnh và điều trị nội trú; phấn đấu không để người bệnh phải nằm ghép.

Bộ trưởng thừa nhận hiện nay nhân lực y tế vừa thiếu về số lượng ở tất cả các tuyến, vừa hạn chế về chất lượng, đặc biệt tại tuyến y tế cơ sở nên chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế (trong đó có các loại phụ cấp) chưa phù hợp và chưa tương xứng với thời gian học tập, công sức lao động và môi trường, điều kiện làm việc, nhất là ở khu vực miền núi, nông thôn. Chính sách thu hút cán bộ về làm việc cho y tế cơ sở, các vùng khó khăn còn nhiều bất cập.

Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định giá thuốc chữa bệnh của Việt Nam không phải quá cao vì theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2012, mức độ tăng giá nhóm hàng dược phẩm là 3,9%, thấp hơn mức tăng CPI (5,13%) và đứng thứ 9/11 nhóm hàng trọng yếu. Tuy nhiên, qua kiểm tra thị trường đã phát hiện một số mặt hàng trúng thầu có giá cao; một số nhà thuốc bệnh viện mua thuốc với giá chênh lệch cao so với giá nhập khẩu...

Theo dự báo của Bộ Y tế, năm 2013, tình hình đầu tư cho y tế sẽ khó khăn hơn. Ngân sách nhà nước hạn hẹp (chỉ tăng 4-5% so với năm trước) đồng thời phải thực hành tiết kiệm 10% chi thường xuyên và 10% nguồn thu của các đơn vị để bù đắp tiền lương tăng thêm. Dự án ODA ngày càng khó khăn, các nguồn xã hội hóa ngày càng hạn chế trong khi nhiệm vụ của ngành y tế ngày càng nặng nề.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, ngành y tế cần đặc biệt quan tâm phát triển hệ thống y tế cơ sở, quản lý chặt chẽ chất lượng khám chữa bệnh, đưa các thiết bị hiện đại vào phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, kết hợp y học cổ truyền; phát huy hiệu quả mô hình quân dân y kết hợp ở những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành tập trung triển khai thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người nghèo, người cận nghèo mua bảo hiểm y tế; cải cách thủ tục hành chính, thủ tục thanh toán bảo hiểm để tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với người dân khi đi khám chữa bệnh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành y tế khắc phục bằng được tình trạng mất cân bằng giới tính, tăng cường hơn nữa thông tin, truyên truyền về phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân, về dân số kế hoạch hóa gia đình.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG