Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an điều tra vụ hàng loạt tàu vỏ thép hư hỏng

Hàng loạt tàu cá vỏ thép bị phát hiện dùng máy tàu không chính hãng, vỏ thép Trung Quốc...không đúng với hợp đồng.
Hàng loạt tàu cá vỏ thép bị phát hiện dùng máy tàu không chính hãng, vỏ thép Trung Quốc...không đúng với hợp đồng.
TPO - Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng điều tra, làm rõ vụ việc đóng tàu cá vỏ thép bị gỉ sét, hư hỏng, kém chất lượng ở Bình Định và một số địa phương, báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 8/2017.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc làm rõ chất lượng tàu cá đóng theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014.

Về vụ việc tàu cá đóng mới theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ tại một số địa phương không đảm bảo chất lượng để hoạt động thủy sản được báo chí, dư luận phản ánh trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng điều tra, làm rõ vụ việc đóng tàu kém chất lượng ở Bình Định và một số địa phương; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 8/2017.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an thực hiện nhiệm vụ trên.

Trước đó, ngày 30/6, Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Bình Định đã báo cáo Thủ tướng liên quan đến vấn đề trên, đặc biệt là 18 tàu của ngư dân Bình Định do Cty TNHH MTV Nam Triệu và Cty TNHH Đại Nguyên Dương đóng.

Theo đó, cả hai đơn vị đều yêu cầu 2 cơ sở đóng tàu nói trên và các bên liên quan, sớm khắc phục sự cố về vỏ tàu, máy chính, máy phụ và các thiết bị bị hư hỏng trên tàu mà tổ thẩm định đã chỉ rõ, để ngư dân có tàu an toàn vươn khơi.

Cùng đó, Bộ Công an xem xét đề xuất của xuất của UBND tỉnh Bình định về việc điều tra, xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cơ sở đóng tàu có hành vi gian lận trong thực hiện hợp đồng mới tàu cá với ngư dân.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an điều tra vụ hàng loạt tàu vỏ thép hư hỏng ảnh 1 Hàng loạt tàu cá vỏ thép nằm bờ, khiến ngư dân "ngồi trên đống lửa"

Liên quan đến trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm, Bộ NN&PTNT đã giao Tổng cục Thủy sản trên cơ sở kiểm điểm của Trung tâm đăng kiểm tàu cá, phải làm rõ trách nhiệm những cá nhân và các khuyết điểm.

Trước hết, tạm đình chỉ công tác các đăng kiểm viên có liên quan, kiểm điểm trách nhiệm và chờ có kết luận chính thức để xử lý theo quy định. Trong tháng 7 này sẽ, Tổng cục xem xét xử lý vấn đề trên.

Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu Tổng cục Thủy sản tổng rà soát các quy định về quản lý cũng như quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn về đăng kiểm tàu cá.

Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét việc gia hạn nợ, kéo dài thời gian ân hạn đối với chủ tàu vỏ thép bị hư hỏng phải nằm bờ không hoạt động sản xuất.

Chỉ đạo các ngân hàng thương mại kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến giám sát vốn vay đối với tàu cá vỏ thép xảy ra sự cố, có biện pháp chấn chỉnh công tác giám sát vốn vay trong quá trình đóng mới tàu cá theo Nghị định 67.

Theo Bộ NN&PTNT, tổng số tàu cá được đóng mới tăng thêm theo Nghị định 67, được phân bổ cho các địa phương là 2.284 chiếc, trong đó tàu khai thác hải sản xa bờ là 2.079 chiếc, tàu dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản xa bờ là 205 chiếc.

Đến ngày 31/5/2017, các tỉnh đã phê duyệt 1.948 chủ tàu đủ điều kiện được vay vốn, trong đó, chủ tàu đủ điều kiện đóng mới là 1.510 tàu (tàu vỏ thép 619 tàu, vỏ composite 149 tàu, vỏ gỗ 742 tàu); nâng cấp 438 tàu.

Trong số 1.948 chủ tàu đã được phê duyệt, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng với 981 chủ tàu, số tiền cam kết cho vay là 9.710 tỷ đồng, đã giải ngân là 8.783 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 5/2017, số tàu đóng xong đi vào hoạt động là 666 tàu (297 tàu vỏ thép, 347 tàu vỏ gỗ, và tàu chất liệu composite là 22 tàu.

Với tàu vỏ thép, theo báo cáo của các địa phương, ngoài 18 tàu ở Bình Định, hiện tượng tàu gỉ sét, hư hỏng gặp nhiều vấn trong quá trình hoạt động cũng xảy ra ở Thanh Hóa, Phú Yên, Quảng Nam..

MỚI - NÓNG