Thủ tướng: Chính phủ nhìn thẳng vào sự thật...

Thủ tướng: Chính phủ nhìn thẳng vào sự thật...
Sáng 26/10, bền lề phiên thảo luận của các đại biểu Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội năm 2007, nhiệm vụ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc trao đổi với báo giới về một số vấn đề đang thu hút sự chú ý của dư luận xã hội. 

Thưa Thủ tướng, bên cạnh những thành tựu nổi bật thời gian qua, nền kinh tế đang nổi lên một số thách thức được hầu hết đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm, đề cập. Thủ tướng đánh giá sao về vấn đề này?

 - Trong điều hành, Chính phủ cố gắng thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, nhưng đồng thời cũng luôn chú ý tới tính bền vững và cân đối các chỉ số kinh tế vĩ mô. Những vấn đề các đại biểu quan tâm nêu ra là đúng, nhưng cũng cần phải đánh giá trong quá trình điều hành thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội thời gian qua có nhiều khó khăn khách quan nảy sinh.

Thủ tướng: Chính phủ nhìn thẳng vào sự thật... ảnh 1  Hội nhập vào nền kinh tế thế giới, chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường là cả một quá trình, chúng ta phải vừa làm, vừa dò, rút kinh nghiệm để tìm bước đi.

Trong quá trình này, có cái thành công, nhưng cũng có cái có thể nói là chưa thành công, thậm chí là thất bại, nhưng đây là sự trả giá trong quá trình phát triển và là một quy trình vận động biện chứng, Chính phủ nhìn thẳng vào sự thật, cái được thì phát huy, cái gì vướng mắc, xuất hiện khó khăn thì phân tích rõ nguyên nhân, đề ra giải pháp khắc phục; cái gì chưa được phải rút kinh nghiệm để không mắc phải trong quá trình điều hành.

Trong quá trình điều hành luôn luôn có mâu thuẫn là mong muốn luôn vượt trên khả năng thực hiện. Đây cũng là quy luật của sự phát triển bởi chỉ có mong muốn cao mới cố gắng để thực hiện. Thủ tướng: Chính phủ nhìn thẳng vào sự thật... ảnh 2

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Chẳng hạn, bài toán kiềm chế tốc độ lạm phát ở mức thấp lại rơi vào bối cảnh nền kinh tế của Việt Nam đang vận hành theo quy luật nền kinh tế thị trường, ngày càng có mối liên hệ chặt chẽ với nền kinh tế thế giới. Đã là nền kinh tế thị trường thì giá cả phải theo thị trường.

 Giá trong nước được hình thành bởi nhiều yếu tố, trong đó có những yếu tố cấu thành quan trọng như nhiên, nguyên liệu đầu vào, tỷ giá tiền tệ,... mà ta đang phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới. Thị trường thế giới năm qua lại có nhiều biến động và giá tăng không ngừng nên đã ảnh hưởng nhiều đến những cố gắng kiềm chế lạm phát của Chính phủ.

 Ngoài ra, giá cả còn phụ thuộc vào năng suất lao động, chi phí sản xuất ra sản phẩm hay nói tổng quát hơn là trình độ của nền kinh tế. Và nếu thẳng thắn nhìn nhận thì đây là khuyết điểm thuộc về mặt chủ quan.

Đơn cử, chưa có giai đoạn nào dự trữ ngoại tệ lại tăng mạnh như thời gian vừa qua, từ mức đáp ứng chưa đến 12 tuần nhập khẩu vào cuối năm 2006 lên gần 20 tuần vào thời điểm hiện nay.

Dự trữ ngoại tệ tăng cho thấy 2 mặt của một vấn đề, thứ nhất do đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào nước ta tăng rất mạnh, điều này rất đáng mừng nhưng cũng lo vì khi đầu tư vào Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài phải chuyển ngoại tệ thành VND để đầu tư, Việt Nam không thể để nền kinh tế bị đô-la hóa nên buộc phải mua ngoại tệ vào. Nếu chúng ta không mua ngoại tệ thì giá USD sẽ xuống, giá VND tăng lên sẽ tác động trực tiếp đến xuất khẩu.

Kết quả là trong vòng 6 tháng, Ngân hàng Nhà nước phải mua vào khoảng 9 tỷ USD. Trong quá trình điều hành, Chính phủ chưa lường hết được là khi đưa VND ra mua ngoại tệ thì chính sách tiền tệ để rút tiền trở lại thế nào.

Điều hành cung - cầu tiền tệ lưu thông phải bằng chính sách tiền tệ như phát hành trái phiếu, tín phiếu, tăng dự trữ bắt buộc… chứ không thể bằng mệnh lệnh hành chính. Những việc này Chính phủ đã thực hiện quyết liệt, song vẫn sự chậm trễ trong khi nền kinh tế biến chuyển rất nhanh.

Vấn đề chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng được coi là thách thức lớn nhất của nhiệm vụ kinh tế - xã hội thời gian qua. Vậy nhận định và hướng xử lý của Chính phủ về vấn đề này ra sao, thưa Thủ tướng?

- Như tôi đã nói, CPI tăng có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, Chính phủ đã nghiêm túc kiểm điểm trước Quốc hội. Bức tranh như thế có cái được, cái chưa được, nhưng theo tôi cái được lớn hơn, cụ thể là nền kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng nhanh và bền vững, 21/23 chỉ tiêu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch.

Tương tự, nhiều ý kiến cũng lo ngại về tình hình nhập siêu, nhưng nếu phân tích sâu thì nhập siêu hàng tiêu dùng chưa tới 1%, còn lại là nhập nguyên, nhiên vật liệu. Tăng trưởng kinh tế cao thì điều này cũng dễ hiểu, nhưng Chính phủ cũng đã đặt ra những yêu cầu cho việc tăng trưởng các ngành công nghiệp phụ trợ, sản xuất nguyên vật liệu trong nước để thời gian tới tránh nhập siêu lớn.

Tôi lấy ví dụ một ngành cụ thể, tại sao dệt may chúng ta xuất khẩu nhiều thế mà chúng ta không phát triển ngành công nghiệp dệt, nhưng muốn phát triển ngành công nghiệp dệt thì trước đó phải phát triển trồng cây bông.

Chúng ta thấy điều này, nhưng để làm được phải cần một quá trình. Muốn phát triển cây bông thì phải nâng năng suất cây bông mới có thể cạnh tranh được. Muốn dệt được vải có chất lượng cao để có thể cạnh tranh được thì còn cả một vấn đề. Chẳng lẽ ngồi chờ đến khi có bông, có vải thì mới phát triển ngành công nghiệp dệt may hay là trước mắt chấp nhận nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ cho ngành dệt may để xuất khẩu.

Xuất khẩu dệt may giá trị nội địa được hơn 30% trong tổng giá trị xuất khẩu hàng dệt may. Quá trình này là quá trình công nghiệp hóa dần dần, quá trình phát triển công nghiệp phụ trợ có cái được bên cạnh cái chưa được.

Với những thành công, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Chính phủ tính ra sao nếu Việt Nam tiếp nhận lượng vốn đầu tư được dự báo là ngày càng lớn trong thời gian tới?

- Năm nay, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam lên tới 13-14 tỷ USD là không phải dễ dàng. Nhưng khi báo cáo Quốc hội, Chính phủ không thỏa mãn với kết quả đó. Nếu chúng ta làm tốt hơn thì đầu tư trực tiếp còn có thể lớn hơn, ODA còn giải ngân được nhiều hơn, hoặc giải ngân của ngân sách nhà nước có thể còn cao hơn. Vấn đề của chúng ta là tạo điều kiện thuận lợi cho họ làm tốt hơn, phải quyết liệt cải cách thủ tục hành chính hơn nữa.

Một vấn đề quan trọng khác của nền kinh tế là bài toán cạnh tranh của các ngành trong hội nhập. Xin Thủ tướng cho biết định hướng chính sách để nâng cao vị thế của các ngành kinh tế Việt Nam?

- Chính phủ đang thực hiện chính sách một cách tích cực và chủ động. Chẳng hạn, đối với ngành công nghiệp ôtô, trước đây chúng ta bảo hộ rất nhiều cho ngành này, nhưng chúng ta cam kết hội nhập Tổ chức Thương mại thế giới chúng ta đang dần mở cửa thị trường ô tô, giảm dần thuế nhập khẩu (từ mức thuế suất thuế nhập khẩu ô tô du lịch 90% xuống còn 60% hiện nay).

Chúng ta thực hiện lộ trình giảm thuế dần dần vừa để bình ổn thị trường trong nước nhưng cũng tạo điều kiện cho liên doanh sản xuất, lắp ráp xe ôtô trong nước cũng như doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe trong nước vươn lên cùng với việc nội địa hóa vì chỉ có tăng tỷ lệ nội địa hóa các nhà sản xuất xe ôtô mới được hưởng các chính sách ưu đãi thuế của Chính phủ. Ví dụ như nhíp xe ôtô các doanh nghiệp trong nước sản xuất được thì chúng ta đánh thuế nhập khẩu rất cao.

Hội nhập vào nền kinh tế thế giới, chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường là cả một quá trình, chúng ta phải vừa làm, vừa dò, rút kinh nghiệm để tìm bước đi.

Trong quá trình này, có cái thành công, nhưng cũng có cái có thể nói là chưa thành công, thậm chí là thất bại, nhưng đây là sự trả giá trong quá trình phát triển và là một quy trình vận động biện chứng, Chính phủ nhìn thẳng vào sự thật, cái được thì phát huy, cái gì vướng mắc, xuất hiện khó khăn thì phân tích rõ nguyên nhân, đề ra giải pháp khắc phục; cái gì chưa được phải rút kinh nghiệm để không mắc phải trong quá trình điều hành.

Trong quá trình điều hành luôn luôn có mâu thuẫn là mong muốn luôn vượt trên khả năng thực hiện. Đây cũng là quy luật của sự phát triển bởi chỉ có mong muốn cao mới cố gắng để thực hiện.

Theo Website Chính phủ

MỚI - NÓNG