Thủ tướng Chính phủ: Phân cấp mạnh mẽ, chống tư tưởng xin - cho

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, giao quyền và chống tư tưởng xin - cho ảnh Q.H
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, giao quyền và chống tư tưởng xin - cho ảnh Q.H
TP - Ngày 5/8, chủ trì phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cuộc sống thay đổi rất nhanh trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động và nhấn mạnh tinh thần phân cấp, giao quyền mạnh mẽ hơn, chống tư tưởng xin- cho. 

Đề cập những bất cập hiện nay trong lĩnh vực pháp luật, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết tình trạng chồng chéo, xung đột giữa các đạo luật với nhau vẫn còn rất lớn, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực thi. Riêng trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, đấu thầu, theo ông Lộc hiện có đến 20 điểm xung đột, chồng chéo về mặt pháp luật như: Xung đột về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở giữa Luật Đầu tư và Luật Nhà ở; xung đột về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong dự án có sử dụng đất và đấu giá quyền sử dụng đất giữa Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và Luật Đất đai; xung đột về thời điểm cấp giấy phép quy hoạch giữa Luật Xây dựng, Luật Đầu tư và Luật Nhà ở…

Theo ông Lộc, những chồng chéo trên khiến doanh nghiệp phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lặp, đi lại mất nhiều thời gian, nộp nhiều loại hồ sơ giống nhau cho các cơ quan nhà nước khác nhau, chi phí giao dịch rất tốn kém. Trong quá trình thực thi, doanh nghiệp phải tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra từ các cơ quan khác nhau nhưng lại có nội dung trùng nhau.

“Không chỉ các dự án luôn đối mặt với tình trạng đình trệ, phát sinh chi phí mà rủi ro nhất đối với doanh nghiệp là nguy cơ vi phạm pháp luật. Nhiều trường hợp doanh nghiệp không biết phải thực hiện theo quy định nào, thực hiện quy định này thì lại vi phạm quy định kia”, ông Lộc cho biết.

Cũng vì sự chồng chéo, xung đột trên nên theo ông Lộc, khi giải quyết công việc cho doanh nghiệp, các cơ quan thực thi luôn có tâm lý sợ rủi ro, sợ sai. Đặc biệt, có tình trạng ở nhiều địa phương và thậm chí ở các bộ, ngành hiện nay là không dám giải quyết công việc, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm khiến hoạt động đầu tư, kinh doanh bị đình trệ, chậm tiến độ và nhiều việc phải đẩy lên đến cấp Thủ tướng, cấp Chính phủ.

Để khắc phục tình trạng này, ông Lộc kiến nghị có một tổ chức độc lập đứng ra giúp Chính phủ chủ trì rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật trong các lĩnh vực này. Hạn chế tình trạng “quyền anh, quyền tôi” và đưa ra được các giải pháp đột phá trong cải cách các thủ tục liên ngành. Theo đó, ở các bộ ngành, ông đề nghị, nên giao nhiệm vụ xây dựng pháp luật, chính sách cho một tổ chức độc lập thuộc bộ (Ví dụ: vụ pháp chế, viện thuộc bộ…) chứ không nên giao cho các vụ, cục đang đảm nhận nhiệm vụ thực thi pháp luật, xét duyệt và cấp phát các loại giấy phép. “Việc tách hoạt động xây dựng chính sách thuế ra khỏi Tổng cục Thuế của Bộ Tài chính là một thực tiễn tốt có thể tham khảo và nhân rộng”, ông Lộc dẫn chứng.

Chống tư tưởng xin - cho

Khẳng định Chính phủ dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng thể chế pháp luật, Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ trưởng phải tập trung cho công tác này, đây là nền tảng quan trọng cho chỉ đạo điều hành. Nâng cao trách nhiệm, chất lượng văn bản, phân công hợp lý hơn, phối hợp chặt chẽ hơn trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, tránh tình trạng “giữa đường đổi vai”.

Về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phân cấp, giao quyền mạnh mẽ hơn, chống tư tưởng xin- cho, “những việc gì chúng ta giao được thì cố gắng giao”. Giao quyền gắn liền với trách nhiệm, chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Về các vấn đề cụ thể, Thủ tướng nhất trí rằng, việc các bộ, ngành có ít dự án đầu tư xây dựng nhưng vẫn phải thành lập ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, dự án đầu tư xây dựng khu vực là không cần thiết, không hiệu quả, tăng biên chế.

Trong quy định chi phí quản lý đầu tư xây dựng, theo Thủ tướng, hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành bắt buộc áp dụng đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công nhằm kiểm soát việc sử dụng hiệu quả vốn Nhà nước, chống thất thoát. Đối với dự án sử dụng nguồn vốn khác thì để tham khảo áp dụng. Tuy nhiên, dự thảo luật cần quy định cụ thể thời hạn định kỳ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải cập nhật, điều chỉnh hệ thống định mức cho phù hợp với thực tế.

“Tinh thần phân cấp, giao quyền mạnh mẽ hơn, chống tư tưởng xin-cho, “những việc gì chúng ta giao được thì cố gắng giao”. Giao quyền gắn liền với trách nhiệm, chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí”. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc


Về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), Thủ tướng nêu rõ tinh thần là tất cả các bộ, cơ quan đều phải quan tâm đến thế hệ trẻ, tạo điều kiện tốt nhất về chính sách, bộ máy, gỡ bỏ những gì cản trở để thanh niên phát huy tốt nhất năng lực, nhưng bộ máy, biên chế cho công tác thanh niên phải gọn nhẹ. Biểu dương, phát huy các điển hình, bồi dưỡng thanh niên, có chính sách mới cho thanh niên khởi nghiệp, thanh niên tài năng nhưng phải chống bao cấp.

Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thông thoáng, mục tiêu quan trọng là huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển đất nước; bên cạnh đó, không được chồng chéo, mâu thuẫn với các luật khác.

MỚI - NÓNG