Thủ tướng: Đắk Lắk phải đưa lâm nghiệp thành ngành kinh tế mũi nhọn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
TPO - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk phải đưa  lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới.

Chiều 8/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk về các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh.

Báo cáo với Thủ tướng, ông Phạm Ngọc Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Trong năm 2018, tỉnh đã đạt được tất cả các chỉ tiêu đề ra (trừ chỉ tiêu che phủ rừng) và huy động vốn đầu tư toàn xã hội được gần 28.000 tỉ đồng. Thu ngân sách đạt 5.500 tỉ đồng, tăng 6,3% so với năm 2017. Tỉnh cũng thu hút được 60 dự án với tổng vốn đăng ký là 9.300 tỉ đồng. Trong năm 2019, sẽ có 5 dự án điện năng lượng mặt trời đi vào hoạt động với số vốn hàng chục nghìn tỉ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đề xuất Chính phủ cho điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án Hồ chứa nước Krông Pắk Thượng (hơn 5.700 tỉ đồng), bố trí vốn cho dự án đường phía Đông TP. Buôn Ma Thuột (2.400 tỉ đồng), bố trí vốn còn thiếu của 17 dự án ổn định di dân tự do khoảng 200 tỉ đồng. Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đề nghị cho “hợp thức hóa” đất có nguồn gốc từ các nông lâm trường mà người dân đã lấn chiếm, xâm canh để bố trí đất ở, đất sản xuất; Xin Thủ tướng hỗ trợ hơn 250 tỉ đồng để thực hiện đo đạc các diện tích đất có nguồn gốc từ nông lâm trường.

Phát biểu chỉ đạo buổi làm việc, Thủ tướng gợi ý các lãnh đạo bộ ngành Trung ương và tỉnh Đắk Lắk cần thảo luận những vấn đề như: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển du lịch, chế biến nông lâm sản, thương mại điện tử… để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, Thủ tướng lưu ý tỉnh Đắk Lắk phải đưa lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.  

Tham gia trao đổi thảo luận, ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ TN-MT nhận xét: Việc quản lý rừng của tỉnh lại hết sức lỏng lẻo, để xảy ra tình trạng phá rừng hết sức nan giải, nhiều nông trường quản lý kiểu “phát canh thu tô”. Đắk Lắk cũng cần nghĩ đến phát triển công nghiệp gỗ trong chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững.

Còn ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN-PTNT lưu ý: Thủ tướng yêu cầu đến năm 2030 ngành công nghiệp gỗ phải thu về từ 25-30 tỉ USD. Vậy Đắk Lắk có thể là trung tâm để phát triển ngành lâm nghiệp để phát triển công nghiệp chế biến gỗ. “Chúng ta sẽ phải có cơ chế, chính sách khác để phát triển kinh tế lâm nghiệp”, ông Cường nói.

Cũng theo ông Cường, Đắk Lắk cũng có thể phát triển các mặt hàng nông nghiệp đặc sản. “Cà phê chúng ta xuất khẩu 1,6 triệu tấn mà ta thu về chỉ khoảng 3 tỉ USD. Chúng ta xứng đáng là trung tâm ngành công nghiệp chế biến cà phê để tăng thêm thu nhập cho tỉnh, cho nông dân”. Về hồ chứa nước Krông Pắk Thượng, dự án từ khi lập tới nay đã 10 năm rồi nên có nhiều thay đổi về cơ chế, giá đất. Bộ đã đồng tình và sẽ thống nhất với các Bộ Kế hoạch và đầu tư, Tài chính dùng vốn dự phòng để thực hiện xong dự án này.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng biểu dương những nỗ lực trong phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, tỉnh chưa có những “quả đấm thép” đối với phát triển kinh tế xã hội. Cà phê Việt Nam rất có vị thế, vậy Đắk Lắk có định hướng nông nghiệp xanh, sạch, công nghệ cao là rất quan trọng. Đây phải là vùng xanh sạch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao để cải thiện hơn nữa đời sống nhân dân.

Thủ tướng yêu cầu tỉnh phải lấy văn hoá làm trụ cột để phát triển kinh tế xã hội. Muốn vậy phải phát triển sân bay, giao thông đường bộ... để thu hút du lịch, quảng bá văn hoá. Hiện nay sân bay Buôn Ma Thuột đã quá nhỏ bé để phát triển, vậy nên cần có chiến lược dù đầu tư tư nhân hay nhà nước. Đắk Lắk phải cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút nguồn lực. Đặt mục tiêu hết nhiệm kỳ sau sẽ tự trang trải hết ngân sách. Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh phải đầu tư nông nghiệp thông minh, chế biến sâu để giải quyết công ăn việc làm cho người dân.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.