Thủ tướng: 'Gỗ chứ phải cái kim đâu mà không phát hiện được?'

Thủ tướng: 'Gỗ chứ phải cái kim đâu mà không phát hiện được?'
TPO - “Còn một số địa phương chuyển mục đích sử dụng rừng với diện tích lớn nhưng không theo quy định pháp luật. Nghe nói làm du lịch, nghe nói làm sinh thái là phá rừng ào ào không có nguyên tắc. Tại sao có tình trạng như thế?”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói.  

"Gỗ chứ có phải cái kim đâu?"

Sáng 14/10, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến với các tỉnh thành về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và giải pháp thực hiện trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, bảo vệ và phát triển rừng là một nhiệm vụ quan trọng của các cấp ủy chính quyền. Nhận thức này phải được quán triệt mạnh mẽ hơn.

“Rừng trồng có tuổi mới được khai thác, và có kế hoạch trồng lại như thế nào. Rừng ven biển phải tuyệt đối bảo vệ chứ không phải bình thường”, Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, trên thế giới, nước nào cũng đều coi trọng và bảo vệ rừng, rừng là kinh tế, là sinh thái, môi trường, an ninh quốc phòng... "Rừng là lá phổi. Thế giới bảo vệ rừng ghê lắm, phố trong rừng, rừng trong phố, còn chúng ta phá nham nhở. Việc phá rừng, phá núi là việc làm vô cùng tệ hại mà một số địa phương đang vấp phải tình trạng này", Thủ tướng phê bình gay gắt.

Thủ tướng: 'Gỗ chứ phải cái kim đâu mà không phát hiện được?' ảnh 1

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Trường Phong

Thủ tướng nhắc còn một số tồn tại trong công tác bảo vệ, phát triển rừng. Cụ thể trong thời gian qua, diện tích rừng một số nơi, đặc biệt ở một số tỉnh Tây Nguyên giảm, do vẫn còn tình trạng phá rừng để trồng các cây công nghiệp như cà phê, cao su. Thứ hai, tình trạng phá rừng trái pháp luật chậm được ngăn chặn ở một số địa phương. Thứ ba, một số địa phương chuyển mục đích sử dụng rừng với diện tích lớn nhưng không theo quy định pháp luật.

“Nghe nói làm du lịch, nghe nói làm sinh thái là phá rừng. Phá rừng ào ào không có nguyên tắc. Tại sao có tình trạng như thế? Thậm chí một số công trình thủy điện chưa có phép đã phá rừng ảnh hưởng đến sinh thái, rừng tự nhiên”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng phân tích, có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng là về nhận thức, chủ rừng buông lỏng, năng lực quản lý nhà nước, sự phối hợp của các cấp, các ngành, xử lý của địa phương thiếu kiên quyết. Lực lượng công an, quân đội, kiểm lâm có nhiều cố gắng, nhưng còn buông lỏng.

“Gỗ chứ có phải cái kim đâu mà không phát hiện được. Lực lượng kiểm lâm chưa làm tốt ở trên địa bàn xảy ra phá rừng. Sau này các địa phương để phá rừng phải xử lý những người có trách nhiệm trực tiếp trên địa bàn. Bí thư, chủ tịch xã, kể cả huyện, rồi cả lực lượng kiểm lâm. Làm sao mà để mấy tháng mới phát hiện được? Nghĩ làm sao, có tiêu cực không? Dân đặt dấu hỏi đó”, Thủ tướng nói.

Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải nhận thức được, bảo vệ và phát triển rừng là giải pháp quan trọng tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Cụ thể, Thủ tướng nêu 3 chủ trương lớn cần thực hiện nghiêm trên toàn quốc. Thứ nhất, tiếp tục thực hiện nghiêm đóng cửa rừng, không khai thác gỗ rừng tự nhiên.

Thứ hai, kiểm soát chặt chẽ các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng trong đó tạm dừng chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên nghèo sang trồng cây công nghiệp, cây nông nghiệp, xây dựng thủy điện nhỏ kể cả các dự án đã được phê duyệt nhưng chưa thực hiện.

“Cái này không phải là cực đoan, nhưng tạm thời yêu cầu để làm nghiêm chứ không thì chuyển đổi lung tung hết. Chưa đưa ra thảo luận, chưa duyệt phương án gì cả mà  phá hàng loạt diện tích rừng là không được. Nhất là rừng nghèo. Nếu không cứ lạm dụng chủ trương này để phá rừng, trồng cây công nghiệp thì không ổn. Tôi nói dứt khoát lần này phải dừng lại, nhất là ở Tây Nguyên”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện nghiêm việc không cải tạo rừng nghèo, nghèo kiệt khi chưa có đánh giá khảo nghiệm khoa học, không chuyển mục đích sử dụng rừng ven biển, không chuyển rừng đặc dụng sang rừng phòng hộ, rừng sản xuất.

“Đi ĐBSCL, tôi thấy rừng ven biển vô cùng quan trọng trong việc giữ đất, giữ người, giữ nước trước sự tàn phá của thiên nhiên đối với khu vực ven biển. Chỉ có rừng ngập mặn, cái móng đó thôi đã giải quyết nhiều việc bồi lắp, giữ đất. Rừng ven biển vô cùng quan trọng, giữ đất, chống sạt lở. Cho nên rừng ngập mặn cần quy hoạch, làm cụ thể từng dự án khi giải quyết vấn đề đưa dân vào đây. Như Chủ tịch tỉnh Cà Mau nói, với rừng U Minh cần quản lý thế nào, quy hoạch dân cư ở đâu. Chứ người dân ở xen kẽ, do sinh kế  người ta lại phá rừng”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng phân tích thêm, chúng ta cần thiết phát triển du lịch nhưng chuyển mục đích rừng phải được xem xét rất kỹ và được duyệt chặt chẽ chứ không phải có dự án du lịch, làm sân golf là phá hết tất cả rừng trồng bao đời nay.

“Chuyển đổi bao nhiêu rừng phải được xem xét cẩn trọng bởi cấp ủy chính quyền, nhân dân ở đó. Bộ ngành phải khảo sát, xem xét trực tiếp. Tôi đồng ý với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng là không cực đoan trong việc giữ rừng ven biển, nhưng nếu không quản lý tốt chúng ta phá hết, những đô thị không còn màu xanh tối thiểu cho cuộc sống của nhân dân, cộng đồng phát triển không có rừng... Rõ ràng là phải quy hoạch thông qua từ HĐND các cấp cho đến trên cơ quan Bộ được Thủ tướng giao để xem xét cụ thể chứ không thì gay go lắm”, Thủ tướng nói thêm.

 Dừng cấp phép thủy điện nhỏ

Thủ tướng cũng nhắc, nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng chủ yếu ở các địa phương. Như ở Hà Nội, rừng Ba Vì không ai được chặt một cái cây. “Cũng như Sơn Trà, lá phổi của Đà Nẵng tàn phá như thế sao chấp nhận được. Thanh tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm như vậy”, Thủ tướng nhấn mạnh đồng thời yêu cầu các địa phương làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát các tụ điểm phá rừng, điều tra xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo quy định, công khai kết quả để toàn xã hội tham gia giám sát.

Cùng với đó, kiểm điểm xử lý nghiêm chủ rừng, tổ chức , cá nhân có trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng, người đứng đầu thiếu trách nhiệm, không phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Tổ chức ngăn chặn, ngăn ngừa hành vi phá rừng, kiên quyết loại thải phần tử thoái hóa, biến chất tham gia việc phá rừng ra khỏi cơ quan. Kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng không đúng quy định, nhất là một số địa phương đã có kết luận thanh tra, kiểm tra thời gian qua.

Thủ tướng cũng lưu ý việc phân công phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng, không để xảy ra tình trạng cha chung không ai khóc. Có các biện pháp khôi phục phát triển diện tích rừng, nhất là rừng phòng hộ, phòng hộ đầu nguồn, ven biển; khẩn trương rà soát để giao cho thuê diện tích rừng, đất lâm nghiệp theo tinh thần rừng và đất rừng có chủ, có người chịu trách nhiệm.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành như NN&PTNT, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ TN&MT, Bộ công an, Bộ quốc phòng tiếp tục có nhiều biện pháp bảo vệ, phát triển rừng. Thủ tướng lưu ý, riêng Bộ Công Thương phải rà soát quy hoạch hệ thống thủy điện trên toàn quốc, dừng cấp phép đầu tư công trình thủy điện nhỏ có chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên. Trường hợp đặc biệt cấp thiết thì phải báo cáo Thủ tướng quyết định. “Kiên quyết thu hồi giấy phép, dừng hoạt động với các dự án không chấp hành trồng rừng thay thế và chi trả dịch vụ môi trường rừng”, Thủ tướng nói.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.