Thủ tướng: “Người dân nói chúng ta sử dụng còn lãng phí”

Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến về Cải cách thủ tục hành chính. Ảnh: Luân Dũng.
Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến về Cải cách thủ tục hành chính. Ảnh: Luân Dũng.
TP - “Nhiều người dân nói chúng ta sử dụng còn lãng phí. Vậy giải pháp nào để quản lý tài sản công tốt nhất? Các công sở sử dụng kém hiệu quả trên cả nước này, cần biện pháp nào?”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8, ngày 30/8.

Tại phiên họp, Thủ tướng đề cập đến một số điểm về tình hình kinh tế xã hội sau khi đã đi qua 2/3 chặng đường của năm 2016. Theo Thủ tướng, ngay trong tháng 8, đất nước đã phải hứng chịu hai cơn bão lớn. Cũng trong tháng 8, lãnh đạo các cấp đã tích cực đôn đốc việc thực hiện kế hoạch năm, cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp…

Nhấn mạnh tinh thần “lời nói đi đôi với việc làm”, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ đánh giá xem bộ máy có thực sự chuyển động, có hướng về người dân và doanh nghiệp, có tạo nên sự phát triển hay không? Với tinh thần Chính phủ kiến tạo, Thủ tướng yêu cầu phiên họp dành thời gian cho công tác xây dựng thể chế, mà theo chương trình làm việc Chính phủ sẽ thảo luận 5 dự thảo luật, 1 nghị định, 1 pháp lệnh và một số văn bản quan trọng khác.

Thủ tướng cũng yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, bảo đảm khả thi, hợp lý, thực sự là Chính phủ kiến tạo, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; đánh giá kỹ tác động của chính sách, tiếp thu ý kiến của các đối tượng chịu tác động; các quy định, chính sách phải rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng, coi trọng chế tài xử lý vi phạm, thể hiện tính nghiêm minh, răn đe của luật pháp.

Thủ tướng cũng yêu cầu các thành viên Chính phủ tập trung cho dự thảo Nghị định về quy chế làm việc của Chính phủ khóa mới. Đây là nghị định quan trọng, quy định tổng thể các công việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó quy định cụ thể trình tự, thủ tục, cách làm theo hướng xác định rõ trách nhiệm cải cách thủ tục hành chính.

Về tình hình kinh tế xã hội, Thủ tướng yêu cầu rà soát lại các chỉ tiêu, kiểm điểm lại nghiêm túc việc triển khai các biện pháp phát triển, khắc phục các bất cập, để phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu Quốc hội giao… “Nhiều người dân nói chúng ta sử dụng còn lãng phí. Vậy giải pháp nào để quản lý tài sản công tốt nhất? Các công sở sử dụng kém hiệu quả trên cả nước này thì cần biện pháp nào?”, Thủ tướng nói.

Kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu trên 5.000 tỷ đồng thực hiện cổ phần hóa nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa phải được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề về tài chính trước khi định giá doanh nghiệp. Các trường hợp cần thiết khác không phân biệt quy mô vốn chủ sở hữu, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán theo quy định.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính trước ngày 15/9/2016 nghiên cứu, đề xuất các trường hợp thí điểm thuê các công ty kiểm toán, tư vấn định giá quốc tế đã hoạt động ở Việt Nam, thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp, giá khởi điểm và sử dụng kết quả này thực hiện chào bán cổ phần ra quốc tế.  

Hoàng Phong

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.