Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp vươn lên

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ đại diện doanh nghiệp. Ảnh: Đoàn Bắc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ đại diện doanh nghiệp. Ảnh: Đoàn Bắc.
TP - Tại Hội nghị với doanh nghiệp (DN) ngày 28/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, phải tập trung cải cách hành chính, thuế, hải quan, tạo mọi điều kiện cho DN hình thành và phát triển…

Bà Nguyễn Thị Cúc (Hội Tư vấn thuế Việt Nam) nói rằng, các cơ quan cấp trên rất tâm huyết trong cải cách, hỗ trợ DN, nhưng càng xuống cấp dưới thì sự nhiệt huyết, tháo gỡ khó khăn mất dần đi.

“Người thực thi không tiếp thu được thì rất khó khăn. Làm sao để hình ảnh “con sâu làm rầu nồi canh” trong ngành thuế, hải quan không còn?”, bà Cúc băn khoăn.

Tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ DN

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, tập trung cải thiện môi trường đầu tư quốc gia là việc có ý nghĩa quyết định. Do đó, phải tập trung cải cách hành chính, đặc biệt thủ tục hành chính, lập DN và đăng ký kinh doanh phải hết sức thuận lợi. Hiến pháp quy định DN được kinh doanh tất cả ngành nghề pháp luật không cấm, nhưng trong thực tế, nhiều thủ tục vẫn phát sinh. Thứ hai là thủ tục thuế và hải quan, tại sao người ta nộp thuế “khó khăn quá”.

“Hiệp hội Tư vấn thuế nói tôi rất quan tâm, là người đứng đầu Chính phủ, tôi rất trăn trở. Quyết tâm, hăng hái ở trên nhưng càng xuống dưới càng giảm, tới nhân viên coi như không có gì xảy ra. Đồng chí Cúc từng làm ở Tổng cục Thuế còn thế thì DN thế nào”, Thủ tướng nói. Thủ tướng nói rằng, phải tạo mọi điều kiện để DN tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn, nhưng DN phải có dự án tốt.

“Cái gì thuận lợi thì phải giúp DN, nhưng cũng không thể tay không bắt giặc được”, Thủ tướng lưu ý. Ngoài ra, Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ, DN cần vươn lên để tái cơ cấu lại, hoạt động hiệu quả hơn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Chính phủ sẽ làm hết sức mình, tạo điều kiện thuận lợi nhất để cộng đồng DN với tư cách là lực lượng sản xuất chủ yếu của nền kinh tế phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Điều này vừa để cho DN thành công, vừa để đóng góp vào tăng trưởng và phát triển kinh tế- xã hội chung của đất nước”.

Giảm ngay lãi suất khi có cơ hội

Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Nghệ An Phạm Thị Hồng Thái đánh giá việc giảm lãi suất trong 1-2 năm gần đây là “kỳ tích”, nhưng cũng mong muốn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem liệu có giảm lãi suất nữa được không, bởi so với nhiều nước, lãi suất ở Việt Nam vẫn cao khiến DN khó cạnh tranh.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, giảm lãi suất là mục tiêu của ngành ngân hàng trong 2 năm qua. “Cứ 10 đến 15 ngày, NHNN lại xem xét khả năng giảm lãi suất của thị trường và thấy có cơ hội sẽ giảm ngay”, ông Bình nói. Tuy nhiên, ông Bình cho rằng, giảm được lãi suất hay không phải phụ thuộc vào diễn biến của kinh tế vĩ mô. 

“Đây là quyết định đầy khó khăn và rủi ro, hạ lãi suất thấp nữa thì dân còn gửi tiền vào ngân hàng nữa không, hay họ chuyển sang đô la, vàng, các sản phẩm khác, do vậy phải cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Nếu có bất kỳ cơ hội nào là giảm lãi suất ngay, nhưng phải bền vững, tránh chính sách giật cục, như vậy thị trường mới có niềm tin, ổn định, DN yên tâm tính toán phương án kinh doanh có hiệu quả”, ông Bình nói.

Thống đốc Bình cam kết, mặt bằng lãi suất cơ bản sẽ ổn định như hiện tại và có điều kiện sẽ giảm thêm nữa, cả năm nay giảm được 1- 1,5% lãi suất. Ông Bình cũng cam kết tỷ giá ổn định từ giờ đến cuối năm, nếu có điều chỉnh thì chỉ ở mức 1%. “Dự trữ ngoại hối hiện nay là hơn 35 tỷ USD, tạo vị thế và tiềm năng của tiền đồng Việt Nam đối với thế giới”, ông Bình khẳng định.

“Thuyền thúng” có ra được biển lớn?

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, trong số 500 nghìn DN đang hoạt động, các DN cỡ lớn chỉ chiếm 2%, DN cỡ vừa cũng chỉ chiếm tỷ lệ tương đương, còn lại 95- 96% là DN nhỏ và siêu nhỏ. “Nói một cách hình ảnh, “đội thuyền thúng” DN Việt Nam đang đứng trước thách thức phải ra biển lớn khi thời điểm hội nhập lớn của đất nước đang cận kề”, ông Lộc nói. 

Ông Lộc cho rằng, DN Việt Nam phải lớn lên về quy mô, nâng cao hơn về công nghệ, vươn tới các chuẩn mực quốc tế về quản trị để đủ sức tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu và tạo ra được các thương hiệu, chuỗi giá trị của chính mình.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “DN còn ít, quy mô nhỏ, sức cạnh tranh có vươn lên nhưng còn thấp. Nhiều DN còn gặp khó khăn trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt ngay trên thị trường Việt Nam, trên sân nhà”. Thủ tướng dẫn chứng nhiều nhà máy đường nếu không nâng cao năng suất, hạ giá thành để đường ngoại nhập tràn vào thì mất thị phần.

14 tháng mới xin mở được 2 cửa hàng

Chủ tịch Liên minh Diễn đàn DN Việt Nam Alain Cany nói rằng, ông hiện là Chủ tịch một tập đoàn đang triển khai các hoạt động đầu tư tại Việt Nam, với số vốn đăng ký 350 triệu USD và dự kiến tiếp tục mở rộng đầu tư. Tuy nhiên, ông Cany cho rằng, những cản trở về thủ tục hành chính vẫn đang hiện hữu mà chính DN của ông đang phải đối mặt.

Tập đoàn này đã mở 30 nhà hàng đồ ăn nhanh tại Việt Nam, với thủ tục kinh doanh khá thuận lợi. Bất ngờ gần đây, Cty gặp khó khi xin cấp phép hoạt động thêm 2 cửa hàng. Cty phải mất 14 tháng và phải nhờ sự can thiệp của Bộ KH&ĐT, Bộ Công Thương mới hoàn tất thủ tục mở mới 2 nhà hàng, trong khi thời điểm mở 30 nhà hàng trước đây, thời gian xin cấp phép chỉ mất 2 tuần.

MỚI - NÓNG