Khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo kinh tế, xã hội tại kỳ họp. Ảnh: Như Ý.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo kinh tế, xã hội tại kỳ họp. Ảnh: Như Ý.
TP - Sáng 23/10, trình bày báo cáo kinh tế, xã hội trong phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội (QH), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bước đầu phát huy hiệu quả, giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu khí. Năm 2018, Thủ tướng đặt ra yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Các cơ quan đều phải có quy chế làm việc công khai, minh bạch, có cơ chế giám sát thực hiện. Phân công, phân nhiệm rõ ràng, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Giảm mặt bằng lãi suất, triệt để tiết kiệm chi

Nhấn mạnh quyết tâm tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, quyết liệt chỉ đạo xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ nhân dân, Thủ tướng cho hay, Chính phủ đã thực hiện hàng loạt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đối thoại, lắng nghe, giải quyết kịp thời hơn kiến nghị của doanh nghiệp, người dân. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực. 

Theo lãnh đạo Chính phủ, trong số 13 chỉ tiêu mục tiêu được QH phê duyệt cho năm 2017, sẽ có 8 chỉ tiêu đạt và vượt 5 chỉ tiêu, trong đó có tốc độ tăng xuất - nhập khẩu, tổng vốn đầu tư phát triển xã hội so với GDP... Sau 9 tháng, GDP cả nước tăng 6,41% và ước cả năm đạt khoảng 6,7%. 9 tháng có gần 94 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 15,4%, thị trường chứng khoán vượt 800 điểm, cao nhất kể từ năm 2008...

Điều đặc biệt được Thủ tướng đúc kết là việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bước đầu phát huy hiệu quả, giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu khí. Dự kiến năm 2017, khai thác dầu thô đạt 13,28 triệu tấn, giảm nhiều so với những năm trước (năm 2016 đạt 15,2 triệu tấn, năm 2015 đạt 16,88 triệu tấn).

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Chính phủ, nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm, năng suất lao động chưa cao... Điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực rườm rà, phức tạp. Thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu; kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm. Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh; phối hợp công tác giữa các cấp, các ngành hiệu quả chưa cao. Đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập chưa theo kịp yêu cầu. Còn những yếu kém trong công tác cán bộ; đã phát hiện nhiều vi phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ.  Tinh thần, thái độ phục vụ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế…Chưa chú trọng thanh tra công vụ, xử lý vi phạm chưa nghiêm. Hiệu lực, hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành trên một số lĩnh vực ở nhiều bộ, ngành, địa phương còn thấp, nhất là cấp cơ sở. Xây dựng Chính phủ điện tử chậm. Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Nhiều vụ việc khiếu nại tố cáo chưa được giải quyết dứt điểm, phát sinh điểm nóng, phức tạp, phần lớn liên quan đến đất đai.

Tình trạng chặt phá rừng, khai thác cát sỏi trái phép còn xảy ra ở nhiều nơi; quản lý khai thác khoáng sản, tài nguyên nước còn lãng phí, bất cập. 

Để khắc phục tình trạng này, Thủ tướng khẳng định, năm 2018 sẽ tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, triệt để tiết kiệm chi. Bên cạnh đó tập trung chấn chỉnh những bất cập, sai phạm trong các dự án đối tác công tư, nhất là các dự án BOT, BT. Tiếp tục khuyến khích mạnh mẽ đầu tư ngoài nhà nước phát triển hạ tầng, bảo đảm tuân thủ pháp luật, công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Lãnh đạo Chính phủ cũng khẳng định sẽ tập trung xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém theo nguyên tắc thị trường, không hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách. Đồng thời thoái hết vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình chậm triển khai, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ được giao, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là ở các cơ quan trực tiếp giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Các cơ quan đều phải có quy chế làm việc công khai, minh bạch, có cơ chế giám sát thực hiện. Phân công, phân nhiệm rõ ràng, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm pháp luật, sách nhiễu người dân và doanh nghiệp. Thực hiện thường xuyên, hiệu quả hoạt động thanh tra trong thực thi công vụ, nhất là công tác cán bộ, kỷ luật hành chính.

Tránh bong bóng chứng khoán, bất động sản

Nhất trí với các giải pháp điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ đã được thực thi đúng hướng và phù hợp với diễn biến thị trường, thiết lập nền tảng cho tăng trưởng kinh tế, Báo cáo Thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế do Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh trình bày khẳng định: cả 13 chỉ tiêu trong Nghị quyết của Quốc hội đều dự kiến đạt và vượt so với kế hoạch, là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự quyết tâm, cố gắng rất lớn trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Điều này đã góp phần củng cố niềm tin, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng lưu ý Chính phủ rằng, quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp còn chậm. Một số vụ việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đặt ra vấn đề tiêu chí xác định lựa chọn cổ đông chiến lược và định giá giá trị doanh nghiệp, giá trị quyền sử dụng đất giữa những giá trị theo yếu tố định lượng về kinh tế với yếu tố định tính về giá trị văn hóa, lịch sử...gây dư luận trái chiều.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ lưỡng các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, tránh những rủi ro phát sinh tiêu cực như “bong bóng” trên thị trường chứng khoán, bất động sản và khả năng kiểm soát lạm phát trong các năm tiếp theo. Ngoài ra, trong điều hành nền kinh tế cần hạn chế việc ban hành quyết định mang tính hành chính, áp đặt, can thiệp không phù hợp quy luật thị trường.

Ngoài ra, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thành, nhiều ý kiến cho rằng, báo cáo nợ xấu trong hệ thống ngân hàng ở mức dưới 3% nhưng thực chất nợ xấu toàn nền kinh tế vẫn còn ở mức cao, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém với nợ xấu chưa căn bản và triệt để. Nếu tiếp tục yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, nâng tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 21% nhằm hỗ trợ đạt mục tiêu tăng trưởng GDP sẽ gây sức ép vĩ mô khi mô hình tăng trưởng chưa có dấu hiệu cải thiện.

Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần quyết tâm siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, thực hiện ràng buộc ngân sách cứng, thẩm định chặt chẽ các dự án đầu tư. Đẩy mạnh khoán chi hành chính, sử dụng xe công và gỡ bỏ các rào cản, điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý, gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt cơ quan thẩm tra đề nghị cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ, cắt giảm chi phí giao dịch nhất là chi phí giao dịch không chính thức của doanh nghiệp và người dân.

“Các cơ quan đều phải có quy chế làm việc công khai, minh bạch, có cơ chế giám sát thực hiện. Phân công, phân nhiệm rõ ràng, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm pháp luật, sách nhiễu người dân và doanh nghiệp”, trích báo cáo kinh tế, xã hội do Thủ tướng trình bày tại phiên khai mạc Quốc hội.

Một số chỉ tiêu về kinh tế năm 2018: 

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5 - 6,7%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP.

MỚI - NÓNG