"Thủ tướng Nhật đặc biệt coi trọng quan hệ với VN"

"Thủ tướng Nhật đặc biệt coi trọng quan hệ với VN"
Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản, ông Hiroshige Seko đã có cuộc trả lời phỏng vấn VietNamNet về hàng loạt vấn đề trong quan hệ giữa Việt Nam - Nhật Bản.
"Thủ tướng Nhật đặc biệt coi trọng quan hệ với VN" ảnh 1

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng là vị khách nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe kể từ khi ông nhậm chức.

- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiến hành chuyến thăm chính thức nước ngoài  đầu tiên là đến Nhật Bản và cũng là vị khách nước ngoài đầu tiên của tân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ông có đánh giá như thế nào về quan hệ hai nước với những dấu hiệu trên?

- Việc Thủ tướng Shinzo Abe đón Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng với tư cách khách mời đầu tiên chứng tỏ ông Abe rất coi trọng quan hệ với Việt Nam. Và sau đó, chỉ chưa đến 1 tháng ông lại đến Việt Nam và có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đó là điều chưa từng có.

Đặc biệt chúng tôi rất xúc động khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gọi Nhật là đối tác chiến lược của Việt Nam.

Chúng tôi hiểu rằng đối tác chiến lược là từ đặc biệt đối với Việt Nam. Nhật Bản muốn xây dựng quan hệ đối tác với các nước đặc biệt là các nước châu Á. Tất nhiên chúng tôi vẫn muốn phát triển quan hệ với Trung Quốc nhưng nghiêng về Trung Quốc quá thì không tốt.

Tất nhiên, chúng tôi cũng nghĩ đến Ấn Độ và Australia, những nước mà chúng tôi đã phát triển quan hệ trước đó. Tuy nhiên, những nước này lại có khoảng cách khá xa so với Nhật Bản về mặt địa lý. Về khoảng cách thì Việt Nam lại khá gần Nhật Bản.

Ngoài ra, đặc điểm người dân hai nước giống nhau: coi trọng lời hứa và chăm chỉ. Điều đó làm cho quan hệ hai nước phát triển dễ dàng.

- Vậy chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Nhật Bản có gì đặc biệt?

- Mục đích chủ yếu của chuyến đi sang Việt Nam lần này là đến dự hội nghị cấp cao APEC. Hội nghị APEC là hội nghị về châu Á và lần này được tổ chức ở châu Á. Do vậy, mục đích chính của chúng tôi là giúp các nước châu Á hiểu về Nhật Bản.

Và ngay sau APEC, Thủ tướng Nhật Bản sẽ thăm chính thức Việt Nam, đáp lễ chuyến thăm Nhật Bản mới đây của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tiếp theo những trao đổi giữa hai Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thăm Nhật Bản, hai bên sẽ bàn sâu hơn về những nội dung đã được thoả thuận nhằm thúc đẩy quan hệ song phương giữa hai nước.

- Trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai nước đã thoả thuận về việc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế mà nội dung chủ yếu là thực hiện tự do thương mại và đầu tư. Ông đánh giá như thế nào về việc đàm phán này? Liệu có phải là quá sớm?

- Sắp tới hai nước sẽ bắt đầu đàm phán về EPA. Hiện nay chúng tôi chưa thể biết thời gian đàm phán sẽ là bao lâu. Trường hợp Nhật Bản - Chile để đạt được những thoả thuận lớn về cơ bản, hai nước phải bàn hết 10 tháng. Thông thường tôi nghĩ để đàm phán đạt được hiệp định BTA phải mất 1 đến 2 năm.

- EPA sẽ đóng góp gì cho sự phát triển kinh tế giữa hai nước, đặc biệt trong việc đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam?

- Tôi nghĩ nó sẽ có hiệu quả lớn trong thúc đẩy đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam. Và như hôm nay tôi nhìn thấy, có rất nhiều người dân Việt Nam đang sử dụng xe máy Honda của Nhật Bản.

Trong tương lai người dân Việt Nam sẽ được sử dụng nhiều hơn các sản phẩm của Nhật Bản với giá rẻ. Đồng thời, chúng tôi cũng nghĩ rằng sắp tới nông sản của Việt Nam sẽ được người dân Nhật Bản sử dụng nhiều hơn, trong khi các sản phẩm công nghiệp giá rẻ của Nhật Bản sẽ được sử dụng nhiều ở Việt Nam.

Ngoài ra dịch vụ đối với con người cũng là điều mà người dân Nhật Bản trông đợi trong quan hệ với Việt Nam.

- Hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược nhưng về đầu tư Nhật Bản vẫn chưa phải là đối tác thứ nhất hoặc thứ 2 ở Việt Nam. Theo ông, lý do giải thích cho điều này là gì?

- Đặc điểm của các doanh nghiệp Nhật Bản là họ rất thận trọng trong đầu tư ra nước ngoài. Kiểu đầu tư của Nhật Bản ra nước ngoài là họ sẽ xem xét rất kỹ môi trường đầu tư và các ngành dịch vụ liên quan đến việc đầu tư của họ ví dụ như vấn đề vận tải.

Vì thế một khi họ đã có lòng tin với môi trường kinh tế, dịch vụ, họ sẽ đầu tư nhiều. Các nhà đầu tư sẽ xem xét môi trường đầu tư về luật pháp, dịch vụ, cơ sở hạ tầng.

Do đó, đoàn Nhật Bản lần này chắc chắn sẽ có ý kiến đề nghị đối với chính phủ Việt Nam liên quan đến luật pháp, cơ sở hạ tầng.... cần phải như thế nào để họ yên tâm đầu tư.

Đặc biệt tôi nghĩ rằng người Việt Nam và người Nhật Bản có đặc điểm rất giống nhau là họ đều rất chăm chỉ làm việc. Và có điểm chung nữa là người dân hai nước đều thực hiện đúng cam kết theo hợp đồng. Vì thế một khi các đầu tư này đã có gia tốc thì nó sẽ tăng rất nhanh, tôi nghĩ vậy.

- Ông có nghĩ rằng sau chuyến thăm này sẽ có một làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản vào Việt Nam?

- Đây là lần đầu tiên ông Shinzo Abe với tư cách là Thủ tướng Nhật Bản dẫn một đoàn lớn gồm khoảng 130 doanh nhân sang Việt Nam. Tất cả 130 người này đều thuộc các công ty đã đầu tư hoặc đang muốn đầu tư vào Việt Nam.

Và đoàn lần này có cả bộ trưởng phụ trách kinh tế của Nhật Bản và lãnh đạo của các tập đoàn lớn của Nhật Bản. Điều này sẽ mở ra triển vọng cho đầu tư giữa hai nước.

Theo VietNamNet

MỚI - NÓNG