Thủ tướng Phan Văn Khải: Mong Quốc hội chấp nhận đề nghị từ nhiệm của tôi

Thủ tướng Phan Văn Khải: Mong Quốc hội chấp nhận đề nghị từ nhiệm của tôi
TPCN - Trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 16/6, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã kết hợp giải trình về trách nhiệm của Chính phủ và Thủ tướng về những vấn đề mà các ĐBQH quan tâm.
Thủ tướng Phan Văn Khải: Mong Quốc hội chấp nhận đề nghị từ nhiệm của tôi ảnh 1
Thủ tướng Phan Văn Khải

Thủ tướng nói: “Những điều tôi trình bày không chỉ xuất phát từ tình hình hiện nay mà còn dựa trên sự trải nghiệm 15 năm tham gia điều hành công việc của Chính phủ, nhất là những trăn trở về những việc chưa làm được hoặc làm chưa tốt, hy vọng có thể giúp ích cho công việc chung của Nhà nước, của Chính phủ trong thời gian tới”- ông nói. Ông cũng đã chính thức xin Quốc hội cho từ nhiệm. Thủ tướng nói:

“Điều tôi trăn trở là vì sao nhiều mặt yếu kém về KT-XH và bộ máy công quyền đã được nhận biết từ lâu, đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp khắc phục, nhưng sự chuyển biến rất chậm, thậm chí có những mặt diễn biến xấu hơn...”

Đề cập đến nguyên nhân, Thủ tướng đã chỉ ra những khâu còn yếu trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và cá nhân Thủ tướng:

Một là, nhiều vấn đề cần giải quyết chưa được điều tra, nghiên cứu tới nơi, tới chốn để thấy đúng và thấy hết nguyên nhân, nên giải pháp chưa sát với thực tế, thiếu đồng bộ.

Hai là, việc tổ chức, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách còn thiếu chặt chẽ, sát sao. Chương trình hành động của Chính phủ trong từng thời gian chưa xác định thật rõ những nhiệm vụ trọng tâm và các công việc chính để thật sự tập trung chỉ đạo thực hiện.

Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước ở các ngành, các cấp, trước hết là người đứng đầu chưa thực sự coi trọng công tác kiểm tra, thanh tra. Sự thưởng, phạt thiếu nghiêm minh, chưa thật sự khuyến khích người làm tốt, chưa xử lý đúng mức những người vi phạm kỷ luật và pháp luật.

Ba là, công tác tổ chức, cán bộ chậm được đổi mới. Đúng như nhận định của Đại hội VI, đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến những sai lầm và khuyết điểm trong lãnh đạo và quản lý KT-XH.

Thủ tướng nói tiếp: “Là người đứng đầu hệ thống hành chính Nhà nước, tôi nhận rõ trách nhiệm của mình về những khuyết điểm đó.

Vấn đề cơ chế công tác cán bộ tuy có phần vượt ra khỏi thẩm quyền Chính phủ nhưng không nằm ngoài trách nhiệm của tôi với cương vị Thủ tướng đồng thời là ủy viên Bộ Chính trị”.

Tôi xin nhận lỗi, nhận trách nhiệm trước nhân dân...

“Tôi rất day dứt về sự tiếp diễn nghiêm trọng của tệ lãng phí, quan liêu và tham nhũng trong bộ máy công quyền, gây nhức nhối, bất bình trong xã hội, cản trở bước tiến của dân tộc và đe dọa sự tồn vong của chế độ ta.

Về những vụ đục khoét của công phát hiện gần đây ở một số dự án lớn đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước, cùng với trách nhiệm trực tiếp của các cơ quan là chủ đầu tư và chủ quản ban quản lý dự án, còn có khuyết điểm và trách nhiệm của Chính phủ, trước hết là các bộ được giao chức năng, nhiệm vụ cụ thể trong việc quản lý các dự án này, và của cá nhân tôi là người đứng đầu Chính phủ.

Mặc dù, tôi cùng Chính phủ rất quan tâm tìm biện pháp bài trừ tham nhũng và xử lý nghiêm những vụ đã thấy rõ, song với chức trách, thẩm quyền được giao mà không ngăn chặn, phát hiện được sớm những vụ nghiêm trọng, kéo dài, tôi xin nhận lỗi, nhận trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng và trước Quốc hội.

Qua những vụ tham nhũng nghiêm trọng đã phát hiện, cùng với việc điều tra, xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm những người vi phạm pháp luật, Chính phủ đang chỉ đạo kiểm điểm, phân tích cặn kẽ để thấy rõ các nguyên nhân dẫn tới tình trạng tham nhũng kéo dài, nhìn rõ các khâu yếu trong quản lý Nhà nước, bổ sung các biện pháp hữu hiệu để tổ chức thực hiện tốt Luật Phòng, chống tham nhũng đã bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Để đổi mới và nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Chính phủ phải sớm khắc phục được tình trạng Thủ tướng và các Phó Thủ tướng bị ngập vào quá nhiều vụ, việc cụ thể, không dành đủ thời gian và tâm sức cho những nhiệm vụ quan trọng, những vấn đề cơ bản và lâu dài.

Muốn thoát khỏi tình trạng này, phải rà soát các quy định hiện hành về thẩm quyền giải quyết công việc của các cơ quan hành chính, thực hành dân chủ, mở rộng quyền làm ăn sinh sống của nhân dân, của các doanh nghiệp,nâng cao vị thế chủ động, tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp Nhà nước, các tổ chức sự nghiệp công lập; trên cơ sở đó, phân cấp mạnh hơn cho các bộ và chính quyền địa phương đồng thời bổ sung, hoàn chỉnh hành lang pháp lý để bảo đảm sự thống nhất về thể chế khi đã phân cấp.

Tôi mong rằng đồng chí kế nhiệm của tôi sẽ rút ra được những điều bổ ích không chỉ qua những bài học thành công mà cả từ những mặt còn yếu và những thiếu sót của cá nhân tôi và bộ máy Chính phủ trong thời gian qua”.

Trong ngày chất vấn cuối cùng của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XI  nổi lên phần chất vấn với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường Mai ái Trực và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy.

Bộ trưởng Mai Ái Trực: “Tôi xin lỗi Quốc hội và ngư dân về công tác dự báo”

Từ những thiệt hại nặng nề do cơn bão số 1 gây ra, ông Trần Luân Kim (đại biểu Phú Yên)  đề nghị Bộ trưởng Mai ái Trực cho biết Bộ TN-MT đã có những chuẩn bị gì để trong tương lai không xảy ra thảm họa? 

“Tôi rất đau buồn với những mất mát do cơn bão số 1 vừa qua. Tôi xin lỗi Quốc hội và ngư dân trên biển về công tác dự báo và phòng tránh bão vì chỉ mới lo trên bờ, chưa quan tâm đến công tác trên vùng biển xa”.

Bộ trưởng Bộ TN-MT báo cáo lại với các ĐBQH về những việc ông đã làm, đã nói với bộ phận dự báo: “Chúng ta không thể nói không biết để trốn tránh trách nhiệm. Những người có trách nhiệm phải biết thì không biết là có tội”.

Về trách nhiệm của Bộ TN-MT, ông Trực nói thẳng: “ Bộ sai chỗ nào? Công tác khí tượng thủy văn do Bộ TN-MT quản lý toàn diện. Tôi chịu trách nhiệm hết về việc này.

Quy chế báo bão vẫn là tư duy là trên bờ, chưa phòng tránh và đối phó với bão trên vùng biển xa. Anh em nói qui chế yêu cầu báo bão 24h, nhưng không ai cấm cảnh báo 48h.

Cái sai của anh em thì anh em chịu trách nhiệm, cái sai của Bộ thì Bộ chịu trách nhiệm. Chúng tôi đã xử lý và  tự hứa là sẽ khắc phục, ít nhất là sẽ dự báo dài hơn 24h”.

Thống đốc Lê Đức Thúy: “Con tôi chưa hề môi giới trong việc in tiền polymer”

Một số vấn đề dư luận nhắc đến nhiều trong thời gian qua xung quanh việc in ấn, sử dụng tiền polymer đã được bà  Nguyễn Thị Việt Nhân (đại biểu Kiên Giang) đem ra hỏi thẳng Thống đốc Ngân hành Nhà nước Lê Đức Thúy:

“Việc chuyển từ tiền cotton sang tiền polymer có đạt được chất lượng không? Chi phí in tiền polymer khá cao? Ông Lê Đức Minh, con ông Lê Đức Thúy, là giám đốc một công ty in tiền thì có thể gọi là công ty gia đình không?”.

Ông Lê Đức Thúy nói ngay: “Đã có nhiều cơ quan đề nghị xem lại hiệu quả của việc sử dụng hai loại tiền cotton và tiền polymer”. Tuy đồng tiền này có một số nhược điểm như không chịu được nhiệt độ cao, dễ bị dính cặp vào nhau, chi phí in tiền theo dự án về giấy in và chống làm giả lớn gấp đôi chi phí làm tiền cotton...

“Nhưng xét về độ bền gấp 2, 3 lần  tiền cotton trở lên, như vậy chi phí là hợp lý”. “Về những đồn đại về con tôi, tôi xin khẳng định con tôi chưa hề có một động thái nào môi giới, tiếp xúc trong việc in ấn tiền polymer. Tôi xin cam đoan trước Quốc hội như vậy”- ông Lê Đức Thúy quả quyết.  

Nhóm PV thời sự

Những việc cấp bách cần làm về mặt quản lý Nhà nước

(Trích phát biểu của Thủ tướng Phan Văn Khải)

Về phần quản lý Nhà nước, tôi nghĩ có mấy việc cấp bách cần làm:

- Chế định cụ thể, rõ ràng quyền được thông tin của dân và bảo đảm tính công khai, minh bạch của cơ quan Nhà nước.

Những thông tin nào cần công bố công khai, theo kênh nào, ai có trách nhiệm cung cấp thông tin và trả lời báo chí, cơ quan và công chức vi phạm quy chế cung cấp thông tin cho dân bị chế tài như thế nào, người đưa tin sai sự thật, gây hại cho người khác bị xử lý ra sao...; hàng loạt những điều như thế cần được sớm xây dựng thành thể chế.

Việc Chính phủ, từng Bộ hay UBND các tỉnh, thành phố phải giải trình trước Quốc hội, HĐND, họp báo...phải trở thành một nếp hoạt động thường xuyên của cơ quan hành chính.

- Xây dựng nề nếp cơ chế phát huy trí tuệ của dân đóng góp vào việc hoạch định các chủ trương, chính sách, quy hoạch của Nhà nước, vào các công việc của chính quyền địa phương; bảo đảm quyền lập hội của dân theo pháp luật; ban hành quy chế rõ ràng để thực hiện vai trò phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các hội và báo chí đối với các chính sách, thể chế của Nhà nước.

- Tạo điều kiện cần thiết để phát huy vai trò và khả năng giám sát, kiểm tra của dân đối với hoạt động của cơ quan, công chức Nhà nước, đặc biệt là đối với việc sử dụng vốn và tài sản công.

Thực tiến cho thấy các vụ tham nhũng lớn khó lọt qua tai mắt của dân, trước hết là những người làm việc ở cơ quan, đơn vị xảy ra sai phạm.

Tóm lại, trong nhiều việc phải làm để phát huy nhân tố con người, tôi nghĩ rằng nâng cao dân trí và thực hành dân chủ là hai mặt quan trọng nhất.

MỚI - NÓNG
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
TPO - Dù đang trên đà giảm, giá vàng thế giới có mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 24/4. Khi tình hình chính trị ở Trung Đông chưa có thêm căng thẳng thì dữ liệu kinh tế Mỹ, lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lại tác động giá vàng.