Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phải kéo giá thuốc xuống

Người dân mua thuốc tại bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Ảnh: Như Ý
Người dân mua thuốc tại bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Ảnh: Như Ý
TP - Sáng 21/3, tại phiên họp chuyên đề pháp luật của Chính phủ, khi bàn về cơ chế quản lý giá thuốc nêu trong Dự thảo Luật Dược (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng nên để bộ Tài chính quản lý giá thuốc vì nếu để Bộ Y tế làm đầu mối như hiện hành thì không công khai, minh bạch “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Thành lập Hội đồng quản giá thuốc

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá sau 8 năm luật thực thi, Bộ đã quản giá thuốc nhưng vẫn còn một số bất cập, hạn chế và bộc lộ yếu kém như không có bộ phận quản lý giá, phân công giữa các bộ chưa rõ...

Vì vậy, trong dự thảo Luật Dược (sửa đổi 25/73 điều; bổ sung 7 điều), Bộ Y tế đề nghị giao thẩm quyền quản lý giá thuốc cho Bộ Tài chính. Vì theo Bộ Y tế, Bộ Tài chính là cơ quan quản lý giá, có chuyên môn sâu, có bộ máy, nguồn lực để quản lý. 

“Khi mua thuốc có được mặc cả đâu, bác sĩ kê bao nhiêu mua bấy nhiêu. Tôi còn nghe thuốc càng đấu thầu giá càng lên cao. Làm gì thì các đồng chí bàn bạc, tổ chức hội thảo làm sao để kéo giá thuốc xuống”. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Việc này cũng nhằm bảo đảm tính công khai minh bạch trong quản lý. Còn nếu để Bộ Y tế - cơ quan vừa sản xuất, vừa cấp phép, vừa sử dụng, vừa quản lý giá… thì sẽ dẫn tới tình trạng vừa “đá bóng, vừa thổi còi”; không bảo đảm khách quan, minh bạch trong quản lý.

Giải thích về điều này, Bộ trưởng Tiến khẳng định Bộ Y tế không đùn đẩy trách nhiệm mà nhằm khắc phục những khó khăn trong thực tiễn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng tiếp tục đề nghị Bộ Y tế vẫn chủ trì quản lý giá thuốc, còn các bộ khác sẽ phối hợp thực hiện.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng suy cho cùng, tất cả vấn đề liên quan đến giá thuốc thì người bệnh đều phải chịu. Do vậy, về nguyên tắc không được để Luật Dược sau khi ban hành thì giá thuốc tăng lên và phải đặt quyền lợi của người bệnh lên hàng đầu.

Về đề xuất giao việc quản lý giá thuốc cho Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Nghe qua thấy Bộ Tài chính quản lý giá là đúng. Nhưng lật lại vấn đề thấy “không ổn”. Bởi thuốc có nhiều thành phần, chủng loại, Bộ trưởng Tài chính cũng không thể nhớ nổi, thì quản lý thế nào? Do vậy, cần có cơ chế liên ngành, cơ chế hội đồng để quản lý giá thuốc, trong đó chủ trì quản lý giá thuốc là Bộ Y tế, các bộ khác có trách nhiệm phối hợp”.

“Theo tôi là Bộ trưởng Y tế phải chịu trách nhiệm quản giá thuốc. Còn khi có trường hợp đặc biệt thì phải áp dụng quy chế liên ngành quyết định. Và liên ngành phải đồng thuận thì giá mới được tăng”, ông Vũ Đức Đam khẳng định.

Đồng tình với quan điểm cần có Hội đồng quản lý giá thuốc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu phải quản lý từ gốc, chứ không đi từ ngọn như trước, vì vậy Bộ Tài chính quản lý giá chung, định giá, khung giá, còn giá cụ thể nên giao cho Bộ Y tế.

Còn Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh theo Hiến pháp mới, trách nhiệm này thuộc Bộ Y tế. Do vậy, nên thành lập Hội đồng quốc gia về giá thuốc do Bộ trưởng Y tế làm Chủ tịch, chịu trách nhiệm chính trước quốc dân, đồng bào, trước Chính phủ.

Phải kéo giá thuốc xuống

Trước quan điểm còn khác nhau giữa các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ ngồi lại với nhau, bàn bạc xây dựng lại dự luật. Đối với những vấn đề còn ý kiến khác nhau, những vấn đề chưa rõ, còn đang vận động thì dự thảo luật chỉ nên quy định nguyên tắc, sau này Chính phủ sẽ quy định cụ thể.

Khẳng định giá thuốc có tác động mật thiết tới toàn bộ người dân, Thủ tướng yêu cầu phải có Hội đồng hoặc Ủy ban quốc gia quản lý giá thuốc, và cũng phải có một đầu mối chịu trách nhiệm. Thủ tướng lưu ý quản lý giá chung phải do Bộ Tài chính, bộ phải đưa ra phương pháp định giá, quản lý giá. Bộ Y tế đưa ra các mức giá cụ thể, sau đó Bộ Tài chính thẩm tra, kiểm tra, giám sát theo nguyên tắc “người làm phải có người kiểm tra”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng phê bình Bộ Y tế khi giá thuốc vẫn còn quá cao, làm cho người dân khổ sở. “Khi mua thuốc có được mặc cả đâu, bác sĩ kê bao nhiêu mua bấy nhiêu. Tôi còn nghe thuốc càng đấu thầu giá càng lên cao. Làm gì thì các đồng chí bàn bạc, tổ chức hội thảo làm sao để kéo giá thuốc xuống”, Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng nhắc nhở việc lưu thông thuốc phải quản lý chặt vì có hiện tượng thuê bằng dược sĩ để bán thuốc.

Luật Doanh nghiệp phải có chương về DN Nhà nước

Cũng trong sáng 21/3, trình bày dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) tại phiên họp xây dựng pháp luật của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết dự thảo luật có một chương riêng về Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), quy định chức năng, vai trò, nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn, quyền chủ sở hữu, đặc thù trong quản trị, yêu cầu công khai minh bạch hóa thông tin…

Dù vậy, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ vẫn có ý kiến cho rằng quy định như thế có thể gây ra sự bất bình đẳng với các doanh nghiệp khác. Do đó, Bộ KH&ĐT đề xuất chuyển nội dung chương trình này sang một dự luật khác về đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

Thể hiện quan điểm của Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cho rằng cần có chương riêng, nhưng để tránh hiểu nhầm DNNN là một loại hình pháp lý mới hay có sự phân biệt đối xử, đề nghị đổi tên chương thành “Một số quy định đặc thù trong quản trị đối với DN có cổ phần vốn góp chi phối của nhà nước”.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ghi rõ tên chương là DNNN, một khái niệm mà quốc tế công nhận, trong đó làm rõ DNNN cũng nằm trong các loại hình doanh nghiệp nói chung nhưng có những đặc thù về quản trị.

Đa số các thành viên Chính phủ đều đồng tình với việc sẽ bỏ ngành nghề kinh doanh trong giấy phép đăng ký kinh doanh tại Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi. 

KHÁNH AN

MỚI - NÓNG