Thừa Thiên Huế: Thủy điện nhấn chìm nương rẫy

Một công trình thủy điện ở Thừa Thiên Huế.
Một công trình thủy điện ở Thừa Thiên Huế.
TP - Tại Huế, thủy điện tích nước gây ngập, ảnh hưởng sinh kế cộng đồng từng trở thành nỗi ám ảnh của hàng nghìn người dân tại TT-Huế.

Sau các huyện Phong Điền, A Lưới, mới đây đến lượt dân miền núi Nam Đông lại “kêu trời” vì thủy điện tích nước làm ngập nhiều diện tích đất sản xuất, nhấn chìm toàn bộ đường vào vườn rừng của dân.

Tháng 10/2015, công trình thủy điện Thượng Lộ (do Cty Cổ phần Thủy điện Thượng Lộ làm chủ) nằm trên thượng nguồn sông Hương thuộc xã Hương Lộc và Thượng Lộ (huyện Nam Đông) bắt đầu tích nước phục vụ phát điện. Từ đó đến nay, nhiều diện tích đất rừng của dân Thượng Lộ bị nhấn chìm trong nước, nhưng vẫn chưa được áp giá, đền bù.

Ông Hồ Văn Ngời (người dân tộc thiểu số, ngụ thôn Ria Hố, xã Thượng Lộ) phản ánh: Trong đợt đầu kiểm kê, đánh giá đất rừng bị ngập do làm thủy điện Thượng Lộ, gia đình ông có hơn 2.845m2 đất rừng cao su bị thu hồi. Tương tự hộ ông Ngời, toàn xã Thượng Lộ có 25 hộ nông dân khác cũng bị thu hồi đất trồng cao su, keo tràm do nằm trong lòng hồ thủy điện.

Sau khi nhận đền bù, hộ ông Ngời (với 9 mặt con) dành phần lớn số tiền này để trả nợ vay ngân hàng trồng rừng cao su tiểu điền mấy năm trước (số rừng này đã bị ngập toàn bộ). Ông Ngơi chỉ còn trông chờ vào khoảng 1.000m2 đất ruộng lúa, ao cá còn lại để bảo đảm sinh kế cho cả nhà.

Tuy nhiên, khi thủy điện Thượng Lộ tích nước phát điện, 1.000m2 đất sản xuất còn lại (từng nằm ngoài đánh giá tác động thủy điện), của hộ ông Ngời cũng bị nhấn chìm trong lòng hồ. Thiệt hại nặng nề là vậy, nhưng ông Ngời cũng như nhiều hộ khác vẫn chưa thấy ai đứng ra nhận trách nhiệm đền bù.

Được biết, ngoài 26 trường hợp có đất rừng bị ngập đã nhận đền bù theo khảo sát, kiểm kê lần đầu, hiện xã Thượng Lộ phát sinh thêm 10 trường hợp có đất rừng keo, vườn cao su đến kỳ thu hoạch, ao cá, ruộng lúa bị ngập do thủy điện Thượng Lộ tích nước.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, ngay cả những hộ dân còn giữ được rừng keo, vườn cao su thì cũng rất khó khăn để tiếp tục sản xuất vì tuyến đường mòn vào rừng dài 2km đã bị “cắt đứt” bởi thủy điện tích nước.

Muốn tiếp cận vùng sản xuất lâm nghiệp rộng khoảng 200 ha phía trên hồ thủy điện, dân Thượng Lộ phải sang “mượn đường” của xã Hương Lộc bên kia sông Hương. Từ đây, họ di chuyển bằng cách kết bè nứa rồi mạo hiểm đu dây vượt qua lòng hồ thủy điện để vào rừng. “Biết việc đi lại bất trắc, nhưng dân không còn lựa chọn nào khác”, ông Hồ Văn Chính, Chủ tịch UBND xã Thượng Lộ, nói.

Mới đây, ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, phía thủy điện có trách nhiệm phối hợp chính quyền xã tiến hành kiểm tra, đo đạc, kiểm kê đất rừng và tài sản liên quan bị ngập để gửi Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Nam Đông làm cơ sở đền bù bổ sung.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.