Thừa xe công sao vẫn vung tay sắm mới

TPO - Một số bộ, ngành, địa phương có tình trạng ô tô dôi dư so với định mức, chưa hoàn thành rà soát, sắp xếp lại đội xe, chuyển nơi thừa sang nơi thiếu nhưng vẫn chi ngân sách mua sắm thêm ô tô mới. Đây là đánh giá được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra trong Báo cáo kiểm toán Quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2015 gửi Quốc hội.

Theo đó, sau khi rà soát việc sử dụng xe ô tô công theo Quyết định 32/2015,  các bộ ngành, địa phương dôi dư 2.334 xe công. Tuy nhiên, đến ngày 8/3, mới chỉ có 23/28 bộ ngành và 19/50 địa phương báo cáo về Bộ Tài chính phương án xử lý số xe dôi dư này.

Trong khi ấy, cơ quan Kiểm toán cho rằng, một số bộ ngành và địa phương dù còn xe công dôi dư chưa xong rà soát, sắp xếp về Bộ Tài chính, vẫn chi ngân sách mua sắm thêm xe phục vụ công tác và xe chuyên dùng, như: Bộ Ngoại giao; TPHCM; Đắk Lắk; Bình Thuận; Bình Dương; Quảng Ninh; Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ngoài ra, một số đơn vị có hiện tượng thanh lý xe ô tô công chưa đảm bảo điều kiện về thời gian sử dụng theo quy định. 

Hiện cũng chưa có quy định, hướng dẫn việc chuyển đổi từ xe phục vụ công tác sang xe chuyên dùng, nhưng có 6 bộ và 1 tỉnh đã thực hiện việc này. Cụ thể, Bộ Tài chính chuyển 385 xe; tỉnh Bến Tre chuyển 9 xe, Ngân hàng Nhà nước chuyển 76 xe…

Cùng với đó, một số đơn vị có tình trạng trang bị xe cho các cơ quan không có tiêu chuẩn được trang bị. Như UBND Đắk Lắk cho phép 7 huyện mua mới 8 xe chuyên dùng (trị giá 9 tỷ đồng), sau đó các huyện giao cho các doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã quản lý, sử dụng để thực hiện công tác vệ sinh môi trường “chưa đúng quy định.”

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.