Thức ăn đường phố, nhắm mắt mà ăn?

Thức ăn đường phố, nhắm mắt mà ăn?
Bất chấp việc phát hiện các trường hợp gia cầm nhiễm virus H5N1, bất chấp hàng trăm nghìn nguy cơ ngộ độc, người dân vẫn nhắm mắt ăn thức ăn không đảm bảo vệ sinh ngoài đường phố... 
Thức ăn đường phố, nhắm mắt mà ăn? ảnh 1

Tại cửa hàng bán thịt lợn tại chợ Mơ-Hà Nội lúc 15h40 ngày 28/8/2005.

Ven quốc lộ 21, đoạn qua xã Bích Hoà, huyện Thanh Oai, Hà Tây, người ta ghi hẳn lên tường số điện thoại cả di động lẫn cố định cạnh dòng chữ nhận mua lợn ốm, lợn chết.

Để làm gì thì chưa rõ nhưng vẫn sợ vì, năm 2003, Chi cục Thú y Hà Tây từng phạt một nhà ở huyện Đan Phượng vì mua thịt lợn chết về bảo là ninh nhừ cho chó và cá ăn.

So với các tỉnh khác, Hà Tây gần như là “cái nôi” cung cấp các loại thức ăn chế biến cho Hà Nội gần ba triệu dân. Thôn, xã nào ở Hà Tây, không có người trực tiếp ra Hà Nội chạy chợ thì lại có người làm món gì đó phục vụ thủ đô.

Sáng thứ Sáu, 26/8, Vườn Quốc gia Cúc Phương thông báo về việc phát hiện virus cúm gà H5N1 có trong ba con cầy vằn mới chết trong VQG. Chiều cùng ngày, tại cuộc giao ban báo chí, ông Đào Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, cho biết có tới 10,6% mẫu gia cầm ở Hà Nội phát hiện dương tính virus H5N1, thủ phạm của 60 vụ tử vong người ở châu Á ba năm qua.

Phát hiện này làm dấy lên lo ngại về mặt trái của chiến dịch tiêm vaccine cúm gà mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo. Gia cầm mang virus H5N1 mà được tiêm vaccine sẽ không bộc lộ triệu chứng bệnh nữa và chúng thành những quả bom sinh học nổ chậm, reo rắc con vi trùng trong tình trạng con người bị “mù màu”.

Việc cũng tuần rồi Phó Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (FA), Bộ Y tế, TS Hoàng Thủy Tiến, kiểm tra thức ăn đường phố Hà Nội và thề sẽ ghi vé phạt ngay tại chỗ những cơ sở vi phạm đã cho thấy vài chuyện như trên không thể đùa được nữa.

Nhắm mắt mà ăn

- Từ năm 1999 - 2004, trong số 1386 vụ ngộ độc thực phẩm trên cả nước báo cáo về FA, có 1056 vụ do thức ăn đường phố và bếp ăn công cộng gây ra.

Nhiều vụ do ăn mắm tép, canh cua rau đay, nộm, bún, tiết canh, bánh dày, xôi, bánh mì, lòng lợn, gỏi, tôm, phở, v.v...

Có vụ có tới 300 người mắc như ở Đồng Nai, hàng trăm người mắc như ở Hải Phòng, Thanh Hóa, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bắc Giang   

 (Nguồn - Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, năm 2005).

- Hà Nội mỗi ngày tiêu thụ 459 tấn thịt các loại trong đó 2/3 là thịt lợn và 60% lượng hàng này nhập từ tỉnh ngoài. Chỉ 7 trong số 300 cơ sở giết mổ gia súc có giấy phép và thú y chỉ kiểm soát 40% hoạt động giết mổ.

Tại các địa phương khác, con số này là 30%.

Năm 2000, một điều tra của FA cho thấy 74,6%, 71,7%, và 7,8% số người ở Hà Nội được hỏi khoe có thói quen ăn quán sáng, trưa, và tối. Bốn năm sau, tỷ lệ ấy biến thành 90,8%, 81,5%, và 17,7%.

Cũng điều tra của FA cho biết nhiều trong số đó chẳng những không quan tâm đến vệ sinh của thức ăn mà còn tham gia gây mất vệ sinh trong lúc ăn. “Tích cực” nhất là những đối tượng vãng lai.

Theo KS Đặng Dương Bình, Trưởng phòng Quản lý Môi trường, Sở TNMT&NĐ Hà Nội, số người vãng lai ở nội thành Hà Nội có lúc lên đến ba vạn. Đại đa số trong ba vạn “hiệp khách” ăn và xả ở quán hoặc dịch vụ công cộng.

Hà Nội còn bị bao vây bởi 600.000m3 nước thải mỗi ngày (trong đó chỉ 10% được xử lý), bởi khói của một triệu xe máy và 200.000 ô tô, hàng trăm nhà máy, bởi chất thải rắn sinh hoạt mà một nửa chưa được thu gom, v.v...

Chờ thối lại tiền thừa, tôi thấy một túi nilon màu xanh dềnh trong nồi nước dùng nghi ngút khói. “Cái gì đây?”. “Là em luộc trứng í mà”, nữ nhân viên quán phở Nam Định đầu phố Phan Kế Bính sát mép phố đôi Liễu Giai đẹp nhất Việt Nam nhấc nó cho tôi xem và “chứng minh” bên trong đúng là trứng.

Tiện tay, cô lôi lên một túi vải xám xịt bảo là đựng quế, hồi, thảo quả, những gia vị không thể thiếu của công nghệ phở. “Thế chị không sợ nilon thôi ra các chất độc hại à?”. “Dào ôi, đã ai sao đâu”.

Bước ra quán, nhìn sang trụ sở Quận ủy Ba Đình, cách 100m bên kia đường, tôi chợt nghĩ không biết bao giờ đoàn thanh tra đặc biệt về thức ăn đường phố từ 1-31/8/2005 kiểm tra cái kiểu “nhập khẩu” chất độc vào thức ăn theo kiểu ấy.

Nơi họ nhắm đến thường là chỗ chế thịt sống, rửa bát chén, chỗ chứa và bày thức ăn. Kiểm tra theo tiêu chí ấy, hầu như nhà hàng nào cũng “dính”. Tại một quán có tiếng ở thị trấn Phù Yên, tỉnh Sơn La, cách Hà Nội hơn 200km về phía Tây Bắc, chủ quán còn cho đào một hố đựng rác ngay lối nấu nướng, rửa ráy và trông ra phòng ăn.

Trông vào sự tự giác chủ quán ăn chẳng khác nào “đánh bạc” khi 80% người kinh doanh dịch vụ này là người nghèo, 55% là trẻ em dưới 18 tuổi, và 78% là phụ nữ theo chồng, con từ nông thôn ra (Nguồn- FA năm 2005).

Từ đội quân ấy, 32- 42% thức ăn chín ăn ngay bị ô nhiễm khi đem kiểm tra. Rồi 80% số mẫu xét nghiệm cốc uống bia hơi nhiễm E.Coli, “tức là dính phân người”, chữ của PGS.TS Trần Đáng, tân Cục trưởng FA.

Và đây các số liệu khác không rõ sẽ làm bao nhiêu trong chúng ta thề sẽ trở thành “người ăn quán thông thái”: Cứ 10 người bán thức ăn đường phố ở Hà Nội và Cố đô Huế, những nơi ẩm thực “thăng hoa” thành văn hóa, có 3,7 người tay dính E.Coli.

Ra xa hai toạ độ đó còn tợn hơn. Tỷ như Thanh Hóa tìm thấy 52,54% số bàn tay chia thực phẩm quán dính E.Coli, Hải Dương - 64,7%, và Thái Bình là 92%.

Các mẫu giò, chả, bánh phở, bún, tỷ lệ có hàn the ở Hải Phòng, Phú Thọ và nhiều địa phương khác vẫn ở mức đáng sợ 68-72%. Phẩm màu độc hại bảo là được kiểm soát mà vẫn 28-32% số mẫu của các nhóm được thực khách xài rất nhiều như thịt quay, tương ớt, xúc xích, lạp xường.

Và không hiểu sao tình hình lại bi đát hơn ở Nam Định, 100% mẫu giò, chả, nem chạo, nem chua, thậm chí lòng lợn chín, đều dính E.Coli.

Không lẽ đành mãi bó tay?

MỚI - NÓNG