Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Phê bình nhiều bộ ngành

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đang chậm tiến độ, đội vốn, gây lãng phí không nhỏ. Ảnh: Như Ý.
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đang chậm tiến độ, đội vốn, gây lãng phí không nhỏ. Ảnh: Như Ý.
TP - Sáng 12/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục phiên họp 23, cho ý kiến về kết quả việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017. Báo cáo chỉ rõ, một số dự án đầu tư còn dàn trải, chậm tiến độ, hiệu quả chưa cao. UBTVQH cũng phê bình hàng chục bộ, ngành, địa phương không có báo cáo thực hiện chủ trương này.

12 dự án thua lỗ tiếp tục khó khăn

Báo cáo việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá, tỷ lệ sở hữu nhà nước trong các doanh nghiệp cổ phần hóa vẫn cao. Hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, chưa phát huy vai trò nòng cốt của DNNN trong khu vực kinh tế nhà nước; năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp. Báo cáo dẫn chứng, tại Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam có một số khoản đầu tư không được điều tra, khảo sát kỹ dẫn đến lỗ, mất vốn 380,82 tỷ đồng.

Công tác xử lý đối với 12 dự án yếu kém ngành công thương có kết quả bước đầu, nhưng còn nhiều khó khăn. Tới thời điểm tháng 3/2018 có 6 dự án, nhà máy đang được vận hành sản xuất, kinh doanh nhưng bị thua lỗ (gồm 4 nhà máy sản xuất phân bón, Công ty TNHHMTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS), Nhà máy thép Việt Trung). 3 dự án đang bị dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn (Dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên; Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam); 3 nhà máy đang bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn (Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước, Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ).

Ông Dũng cũng cho biết, việc phân bổ, sử dụng vốn vay cho đầu tư còn dàn trải, chậm tiến độ, hiệu quả chưa cao như: Dự án Tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; dự án Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông; dự án Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TPHCM. Một số dự án vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi, bảo lãnh Chính phủ phát sinh rủi ro không trả được nợ, phải thực hiện tái cơ cấu tài chính, chuyển sang hình thức Nhà nước đầu tư hoặc Quỹ Tích lũy phải ứng trả thay như dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam của Tổng công ty Giấy Việt Nam; Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy).

Việc quản lý, sử dụng vốn vay còn bất cập, còn thiếu gắn kết giữa quyết định đầu tư với cân đối trả nợ (Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam có 4 dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA theo hình thức cho vay lại, phải chuyển sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp vào dự án, gồm Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; dự án xây dựng đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây; dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi).

Phê bình nhiều bộ, ngành, địa phương

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, ở phụ lục báo cáo có ghi nhiều bộ, ngành, tỉnh thành và tập đoàn chưa có chương trình hành động, chưa có báo cáo. “Với số lượng các cơ quan chưa ban hành chương trình, chưa có báo cáo lớn như vậy thì số liệu trong báo cáo có đúng không? Có đánh giá đúng bản chất của việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí không?”, bà Nga đặt câu hỏi.  Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đồng tình với câu hỏi của bà Nga.

Theo ông Hiển, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một trong những chương trình hành động lớn, và không ít bộ, ngành T.Ư không có chương trình hành động thì phải xem xét. “Thường vụ đã chấp nhận lùi báo cáo thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Kỳ họp cuối năm đã cho lùi sang đầu năm mà vẫn chưa gửi báo cáo thì phải xem xét trách nhiệm. Tôi cũng đồng tình với ý kiến có khi phải xem xét công bố việc này ra Quốc hội”, ông Hiển nói.

Tiếp tục phân tích vấn đề này, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết, việc nhiều bộ, ngành T.Ư, tỉnh, thành phố, tập đoàn, tổng công ty chưa ban hành chương trình thì phải xem xét nghiêm túc việc tuân thủ quy định pháp luật.  “Từ nhận thức mới có chương trình thực hiện. Tôi thấy cái này không ổn lắm. UBTVQH cũng nên cho ý kiến sâu về vấn đề này. Yêu cầu chính phủ chỉ đạo xử lý thế nào?”, ông Giàu nói. Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện nêu, cần làm rõ việc đơn vị nào đã gửi, chưa gửi, đơn vị nào không có báo cáo để làm rõ trách nhiệm.

Bà Hải cũng nêu, nhiều đơn vị có báo cáo mà không có số liệu về thực hành tiết kiệm chống lãng phí thì có ý nghĩa gì. Có đơn vị còn gửi nhầm báo cáo năm 2016. “Tôi nói thật là thái độ chuẩn bị báo cáo của các tỉnh, thành phố, các đơn vị là chưa nghiêm túc”, bà Hải nói. Thậm chí, theo bà Hải, báo cáo của các đơn vị tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp thường rất sơ sài, chỉ khoảng 1/4, 1/5 trang.

Trao đổi lại, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, ngay trong ngày sẽ trình văn bản lên Thủ tướng, đề nghị kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị chưa có báo cáo về thực hành tiết kiệm chống lãng phí của năm 2017. “Phải khẳng định theo quy định thì có phải gửi, không gửi coi như là không có.

Thế mới rõ trách nhiệm được”, ông Dũng khẳng định. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu đơn vị soạn thảo báo cáo phải điều chỉnh số liệu cho đúng với tình hình 2017, không dùng số liệu năm 2016. Ông Hiển cũng đề nghị phải hoàn chỉnh báo cáo một cách đầy đủ, nghiêm túc. “Thường vụ Quốc hội chính thức phê bình 14 bộ, 17 địa phương, 17 tập đoàn, tổng công ty chưa có báo cáo, thực hiện chưa nghiêm túc”, ông Hiển nói.

Trao đổi lại, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, ngay trong ngày sẽ trình văn bản lên Thủ tướng, đề nghị kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị chưa có báo cáo về thực hành tiết kiệm chống lãng phí của năm 2017.

MỚI - NÓNG