Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết:

Thực hiện thành công Nghị định thư gia nhập WTO sẽ có tác động to lớn

Thực hiện thành công Nghị định thư gia nhập WTO sẽ có tác động to lớn
TP - Theo Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, việc thực hiện thành công Nghị định thư gia nhập WTO sẽ có những tác động to lớn và sâu sắc đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội đất nước.

Việc gia nhập WTO của Việt Nam (VN) đã được Ủy ban đối ngoại của Quốc hội (UBĐN) thẩm tra lần cuối trước khi trình ra QH, trong phiên họp toàn thể diễn ra tối  23/11. Tham dự có Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, các Phó Chủ tịch QH và một số thành viên Chính phủ.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho biết, kể từ khi VN kết thúc các vòng đàm phán và được kết nạp vào WTO, các cơ quan chức năng đã làm việc hết sức khẩn trương để Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập WTO của VN (Nghị định thư) có thể được QH sớm phê chuẩn, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Theo quy định của WTO, 30 ngày kể từ khi được QH phê chuẩn thì VN sẽ trở thành thành viên chính thức của WTO, mới bắt đầu có đầy đủ các quyền lợi và nghĩa vụ trong WTO. Vì vậy, nếu chúng ta chậm thông qua việc gia nhập WTO thì sẽ rất thiệt thòi”.

Theo Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, Nghị định thư ghi nhận quyền được ưu đãi của VN với tư cách một nước đang phát triển. Việc thực hiện thành công Nghị định thư sẽ có những tác động to lớn và sâu sắc đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội đất nước.

Sau khi Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả đàm phán gia nhập WTO và phê chuẩn Nghị định thư, Chủ nhiệm UBĐN Vũ Mão đã nêu một số điểm đáng chú ý trong dự thảo báo cáo thẩm tra Báo cáo nêu trên.

Nhìn chung, UBĐN nhất trí với báo cáo giải trình của Chính phủ về kết quả đàm phán, bên cạnh đó UBĐN cũng đã phân tích một số vấn đề quan trọng trong các cam kết gia nhập WTO của VN. Về vấn đề chống bán phá giá, chống trợ cấp và các biện pháp tự vệ, UBĐN đề nghị Chính phủ giải thích rõ, vì sao từ việc VN chấp nhận bị coi là nền kinh tế phi thị trường trong 12 năm khi đàm phán và ký Hiệp định thương mại song phương VN-Hoa Kỳ (BTA), lại dẫn đến ta phải chấp nhận nội dung cam kết này trong WTO.

Về cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, có ý kiến cho rằng VN còn nhiều hạn chế trong việc mở cửa thị trường dịch vụ. VN giữ lại một số công cụ để bảo hộ các ngành dịch vụ nhưng không nên lạm dụng những công cụ này gây trì trệ cho nền kinh tế trong nước.

Chẳng hạn về viễn thông, yêu cầu đối tác nước ngoài trong liên doanh chỉ được góp vốn với tỷ lệ 49% sẽ không khuyến khích được đầu tư vào lĩnh vực này trong khi VN đang cần thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng. Về lĩnh vực ngân hàng cũng có vấn đề tương tự. Đề nghị Chính phủ giải thích rõ hơn.

Theo lịch trình dự kiến, vào ngày 28/11 tới đây, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sẽ đọc Tờ trình đề nghị QH phê chuẩn việc VN gia nhập WTO.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.