Thực hư việc kẻ xấu thả rắn lục đuôi đỏ cắn chết người?

Ông Nguyễn Văn Sơn - một nạn nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn đang điều trị tại bệnh viện.
Ông Nguyễn Văn Sơn - một nạn nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn đang điều trị tại bệnh viện.
TP - Gần 2 tuần qua, người dân ở các vùng nông thôn trong tỉnh Quảng Ngãi lo sợ về những tin đồn bất thường về việc rắn lục đuôi đỏ cắn chết người và có kẻ xấu thả rắn ở các vùng quê…

Đến trưa 18/11, khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi tiếp nhận và điều trị cho 12 nạn nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Các nạn nhân đều được tiêm huyết thanh kháng nọc kịp thời nên không ảnh hưởng đến tính mạng.

Ông Nguyễn Văn Sơn (60 tuổi, ở thôn Phước Hòa, xã Bình Trị, huyện Bình Sơn), kể: Chiều ngày 7/11, ông đang nhổ cỏ cạnh trụ điện trước nhà thì bị con rắn to bằng ngón tay út, thân có màu xanh chuối non, đuôi màu đỏ cắn, được gia đình đưa vào bệnh viện tỉnh cấp cứu. 

“Chắc do tôi nhổ cỏ đụng nó nên mới bị cắn. Tôi đâu lạ gì loại rắn này. Thấy nó mà không đụng vào thì nó đâu có cắn”, ông Sơn nói. 

Cũng theo ông Sơn, thôn Phước Hòa của ông đã có 3 người bị rắn lục đuôi đỏ cắn khi đang làm vườn, nhổ cỏ, nhưng không ai bị chết như dư luận loan tin.

Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô khẳng định: “Đây không phải lần đầu tiên Quảng Ngãi có rắn lục đuôi đỏ. Còn vì sao nó lại xuất hiện với số lượng nhiều như hiện nay thì ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng sớm điều tra, xác minh làm rõ”. 

Theo ông Tô, nguyên nhân loại rắn này đột ngột gia tăng có thể vì điều kiện sống thay đổi, mất nơi trú ẩn, thời tiết bất thường hay do những đối tượng buôn bán để sổng… Nhưng dù là nguyên nhân gì thì người dân cũng nên bình tĩnh, không quá hoang mang, bị kẻ xấu lợi dụng ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất.

Lãnh đạo khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, cho rằng: Tình trạng sức khỏe của nạn nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ, liều lượng độc; cơ địa, mà nhất là thời gian cấp cứu xử lý. 

Do đó, không riêng gì rắn lục đuôi đỏ, mà khi bị rắn cắn (nghi ngờ rắn độc), người dân tuyệt đối không được xử lý bằng các biện pháp dân gian mà phải lập tức đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị. Tốt nhất là đưa đến bệnh viện tỉnh để được tiêm huyết thanh kháng nọc càng sớm càng tốt, vì để càng lâu, mức độ nguy hiểm càng cao.

Rắn lục đuôi đỏ là rắn độc, thuộc họ rắn lục có bộ vảy, tên khoa học là Trimeresurus albolabris và có mặt ở hầu hết dải đất Việt Nam. Con đực có chiều dài thân 600mm, chiều dài đuôi 130mm. Con cái có chiều dài thân 810mm, chiều dài đuôi 130mm. Thân của chúng tròn, vảy gồ lên. Đầu và thân rắn có màu xanh lá cây; cằm, cổ họng và bụng màu xanh lục nhạt hay trắng vàng nhạt. Loài này thường thích sống ở vùng đồi núi có độ cao dưới 400 m, trong rừng ẩm, đầm lầy hay khu đất nông nghiệp. Để phòng bị rắn cắn, người dân cần phát quang bụi rậm quanh nhà, mang ủng và bao tay khi làm vườn hay làm ruộng…

Quảng Nam:

Rắn lục đuôi đỏ liên tục cắn người

Ngày 18/11, ông Phạm Ngọc Ẩn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cho biết trong khoảng 10 ngày trở lại đây, bệnh viện đã tiếp nhận 8 trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn.

Một tháng trở lại đây, nhiều địa phương tại tỉnh Quảng Nam như: Thăng Bình, Điện Bàn, Tiên Phước, Quế Sơn… người dân liên tục bị rắn lục đuôi đỏ cắn.

Bác sĩ Ẩn cho biết thêm trong số 8 ca đang điều trị tại bệnh viện do rắn cắn có 3 trường hợp bị nhiễm độc nặng.

Nguyễn Thành

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.