Thực phẩm tết: Màu lòe loẹt, trắng bất thường!

Thực phẩm tết: Màu lòe loẹt, trắng bất thường!
Thị trường tết có nhiều loại thực phẩm chế biến không rõ nguồn gốc đầy phẩm màu lòe loẹt, quá nhiều chất tẩy trắng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng... trong khi việc kiểm soát gần như bỏ ngỏ.
Thực phẩm tết: Màu lòe loẹt, trắng bất thường! ảnh 1
Nhiều loạt mứt tết được nhà sản xuất bỏ phẩm màu cấm sử dụng, chất tẩy trắng - Ảnh: Tuổi trẻ

Hầu hết các chợ tại TP.HCM đều có bán nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn không có nguồn gốc, nhãn hiệu, bao bì, tên tuổi nhà sản xuất.

Những loại thực phẩm không nguồn gốc này có đủ mặt hàng trong và ngoài nước sản xuất, nhưng chủ yếu là thực phẩm của Trung Quốc.

Chúng tôi mua một số thực phẩm ở các chợ (Nguyễn Văn Trỗi, Q.3; Phạm Văn Hai và Hoàng Hoa Thám, Q.Tân Bình; Kiến Thiết (Công xi heo) và Trần Hữu Trang, Q.Phú Nhuận; Hạnh Thông Tây, Q.Gò Vấp và Tân Định, Q.1).

19 mẫu thực phẩm các loại được gửi đến cơ quan chức năng kiểm nghiệm tìm một số hóa chất: phẩm màu, hàn the, đường hóa học và chất tẩy trắng.

Dùng phẩm màu cấm

Kết quả kiểm nghiệm tìm phẩm màu và đường hóa học trên 11 mẫu mứt và một mẫu lạp xưởng của Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM ngày 25-1 cho thấy không phát hiện có sử dụng đường hóa học (xét nghiệm ba mẫu) trong mứt, nhưng 100% số mẫu có sử dụng phẩm màu để làm đẹp sản phẩm.

Trong đó có đến 33% (4/12) mẫu có sử dụng phẩm màu là loại không nằm trong danh mục cho phép sử dụng của Bộ Y tế, tức cấm sử dụng, là mứt chùm ruột (chợ Hoàng Hoa Thám), mứt dừa màu hồng đậm (chợ Hạnh Thông Tây), mứt dừa màu hồng nhạt (chợ Trần Hữu Trang) và cốm dẹp màu xanh (chợ Nguyễn Văn Trỗi).

Để xác định thực phẩm có sử dụng hóa chất tẩy trắng hay không, chúng tôi gửi bảy mẫu tỏi ngâm dấm, củ hành ngâm dấm, mứt củ năng, củ sen ngâm dấm, củ kiệu, mứt bí đao (hai loại nhỏ và lớn) đến Trung tâm Đào tạo và phát triển sắc ký TP.HCM kiểm nghiệm.

Trung tâm này đã kiểm tra sự hiện diện của ba chất có tác dụng bảo quản và tẩy trắng thực phẩm là natri hydro sunphit, natri meta bisunphit và natri sunphit bằng cách đo hàm lượng SO2 trong mẫu thực phẩm. Kết quả kiểm nghiệm ngày 25-1 của trung tâm này cho biết cả bảy mẫu đều có sử dụng hóa chất tẩy trắng nằm trong danh mục cho phép của Bộ Y tế.

Tuy nhiên cơ sở sản xuất lại sử dụng quá tay dẫn đến một số mẫu có hàm lượng hóa chất tẩy trắng vượt quá mức qui định cho phép.

Cụ thể, mứt củ năng (chợ Phạm Văn Hai) có 683,4mg/kg SO2; mứt bí đao lớn (chợ Hạnh Thông Tây) có hơn 530mg/kg SO2 (giới hạn tối đa cho phép là 500mg/kg); tỏi ngâm dấm (chợ Kiến Thiết) có 69,4% mg/kg S02 (giới hạn tối đa là 50mg/kg).

Có hóa chất là không tốt

Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai - viện phó Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM - cho biết phẩm màu chỉ là chất làm tăng cảm quan và hoàn toàn không có giá trị dinh dưỡng gì khi ăn vào.

Khác hoàn toàn với thực phẩm mang màu tự nhiên, tất cả những loại thực phẩm có màu do con người chủ động bỏ vào đều luôn luôn không tốt cho sức khỏe. Chính vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước chỉ chọn lựa được một số rất ít phẩm màu cho phép sử dụng trong thực phẩm.

Thực phẩm nhập lậu không nhãn mác rất phổ biến

Kết quả thanh tra vệ sinh thực phẩm đợt 1-2008, thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết hiện nay ngoài thị trường, thực phẩm bánh kẹo nhập lậu không nhãn mác, xuất xứ, ngày sản xuất, hạn dùng (chủ yếu là hàng Trung Quốc) đang rất phổ biến.

Cũng theo thanh tra Sở Y tế, đợt này đã thanh tra 752 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Qua đó phát hiện 294 cơ sở có vi phạm ( tỉ lệ 39%).

Thanh tra sở đã ra quyết định xử phạt gần 302 triệu đồng đối với 153 cơ sở vi phạm và đình chỉ hoạt động ba cơ sở. Lỗi vi phạm chủ yếu của các cơ sở là không đảm bảo vệ sinh dụng cụ, vệ sinh nhân viên và vệ sinh môi trường nơi sản xuất, chế biến.

Theo bác sĩ Xuân Mai, do phẩm màu dùng trong sản xuất công nghiệp có giá thành rẻ hơn nhiều lần và giữ được độ bền màu tốt hơn so với phẩm màu dùng trong chế biến thực phẩm nên không ít cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm vì thiếu kiến thức, muốn có lợi nhuận nhiều đã dùng phẩm màu công nghiệp để bỏ vào thực phẩm.

Trong khi phẩm màu công nghiệp là loại hóa chất rất độc đối với sức khỏe. Đối với hóa chất thực phẩm cho phép sử dụng nhưng nhiều quá mức qui định hoặc thực phẩm có bỏ hóa chất công nghiệp thì chỉ ăn một chút cũng có hại cho sức khỏe.

Trên thực tế có loại hóa chất chỉ ăn vào một lượng rất bé nhưng có thể gây ngộ độc cấp tính cho con người và thấy được ngay tác hại.

Song có những hóa chất lại tích tụ lâu ngày, gây ngộ độc mãn tính rất nguy hiểm vì tác động gây rối loạn tế bào, phát sinh ung bướu, gây suy giảm chức năng gan, thận...

Còn chất tẩy trắng là một hóa chất dùng để làm mất màu của một chất khác bằng cơ chế phá vỡ liên kết tạo màu và tạo ra những liên kết không màu.

Dù nhìn thực phẩm không có màu sắc gì nhưng thực chất trong thực phẩm đó vẫn đang tồn tại nguyên vẹn cả hai hóa chất (ban đầu và bỏ thêm để phá màu). Khi sử dụng thực phẩm có hóa chất tẩy trắng tức là ta đã ăn luôn hai hóa chất đó.

Theo bác sĩ Xuân Mai, đã ăn thực phẩm có hóa chất thì dù hóa chất nằm trong danh mục cho phép cũng không tốt cho sức khỏe. Với những loại thực phẩm sản xuất nhỏ lẻ ở hộ gia đình, mang tính thời vụ, thường làm thủ công nên người sản xuất không định lượng được chất tẩy trắng cho vào bao nhiêu là đúng qui định mà thường bỏ vào theo kinh nghiệm, hoặc tùy ý thích nên rất khó kiểm soát.

"Chất tẩy trắng trong thực phẩm nếu cho quá liều lượng cho phép, hoặc dùng loại cấm sử dụng sẽ gây tác động lên hệ thống đường tiêu hóa, niêm mạc ruột, làm niêm mạc đường tiêu hóa bị trơ, gây rối loạn tiêu hóa, hấp thu và bài tiết. Khi ăn phải thực phẩm có nhiều hóa chất tẩy trắng, người ăn thường có cảm giác đầy bụng, khó tiêu, đầy hơi, cồn cào ruột, xót ruột..." - bác sĩ Xuân Mai cảnh báo như vậy.

Không nhãn hiệu không mua

Tại VN vào những ngày lễ hội, tết cổ truyền... luôn "bùng nổ" rất nhiều cơ sở, hộ gia đình sản xuất theo thời vụ. Với những cơ sở sản xuất này thường là họ không có máy móc, nguyên liệu sản xuất không được kiểm soát, người sản xuất không được kiểm tra sức khỏe, phụ gia thực phẩm cũng không ai biết họ mua ở đâu, bỏ cái gì vào, điều kiện sản xuất không đảm bảo vệ sinh, người tham gia sản xuất, chế biến không được tập huấn về kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm. Để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm quản lý đầu tiên thuộc về chính quyền địa phương.

Vì vậy, tốt nhất là với những loại thực phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, không có nhãn hiệu, bao bì; không có địa chỉ, tên tuổi của nhà sản xuất, cơ sở chế biến; không có hạn sử dụng, màu sắc bất thường... thì người tiêu dùng không nên mua.

Theo Lê Thanh Hà
 Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG