Thực trạng thừa viên chức phục vụ, thiếu người làm chuyên môn

Hội nghị Trung ương 6 bàn thảo về đề án đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập
Hội nghị Trung ương 6 bàn thảo về đề án đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập
TPO - Đội ngũ viên chức hiện nay được đánh giá là vừa thừa lại vừa thiếu, thừa người làm công tác phục vụ, thiếu người làm chuyên môn, nghiệp vụ.

Chủ yếu là lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế 

Một trong những nội dung trọng tâm mà Hội nghị Trung ương 6 bàn thảo là việc tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Thống kê cho thấy, số lượng đơn vị và nhân lực trong các đơn vị sự nghiệp công lập rất lớn. Cụ thể, năm 2016 có 57.995 đơn vị, với trên 2,4 triệu người, chưa tính tổ chức và biên chế sự nghiệp trong quân đội, công an và khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Trong đó khối các cơ quan Đảng, đoàn thể quản lý có 811 đơn vị, với trên 15 nghìn người. Khối Quốc hội, TAND, VKSND và Kiểm toán Nhà nước có 14 đơn vị, với 597 người. Khối Chính phủ quản lý có hơn 57 nghìn đơn vị, với trên 2,4 triệu người.

Trong số các đơn vị sự nghiệp công lập thì chiếm tỷ lệ lớn nhất là các đơn vị sự nghiệp giáo dục – đào tạo và các đơn vị sự nghiệp y tế. Số lượng các đơn vị sự nghiệp công lập tăng ít nhưng số nhân lực lại tăng khá nhiều. Cùng với đó, biên chế của các đơn vị sự nghiệp công lập chủ yếu do cấp có thẩm quyền giao; số còn lại do đơn vị sự nghiệp công lập tự quyết định và số hợp đồng theo Nghị định 68.

Vừa thừa lại vừa thiếu 

Các chuyên gia nhìn nhận, việc đổi mới hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm so với lĩnh vực kinh tế và yêu cầu thực tiễn. Công tác quy hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập chủ yếu còn theo đơn vị hành chính, chưa chú trọng quy hoạch theo ngành, lĩnh vực, đặc điểm vùng miền và nhu cầu thực tế.

Đến nay hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập còn cồng kềnh, dàn trải, phân tán, manh mún, quá nhiều đầu mối quy mô nhỏ, chồng chéo nhiệm vụ, chưa tinh gọn và chưa phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước. Theo báo cáo của Bộ KH&CN, hiện có trên 90% số tổ chức KH&CN ở các địa phương có dưới 30 người, trong đó nhiều tổ chức có dưới 10 người. Còn theo báo cáo của Bộ Y tế, hệ thống y tế địa phương còn quá nhiều đầu mối, quy mô nhỏ, chức năng nhiệm vụ giữa các tổ chức trong cùng tuyến và giữa các tuyến còn chồng chéo.

Thực trạng thừa viên chức phục vụ, thiếu người làm chuyên môn ảnh 1 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong một buổi làm việc với Bộ KH&CN về đơn vị sự nghiệp công lập

Bên cạnh đó, hoạt động của khu vực đơn vị sự nghiệp công lập hiệu quả thấp, thậm chí một số đơn vị thua lỗ, thất thoát, lãng phí. Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập ngày càng tăng, hiện nay gấp khoảng 4 lần tổng số biên chế cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, nhất là lĩnh vực giáo dục – đào tạo, y tế.

Việc thành lập mới, tuyển dụng, đề bạt cán bộ còn tùy tiện, đầu tư phân tán và kém hiệu quả; tỷ trọng chi thường xuyên cho lĩnh vực sự nghiệp công trong tổng chi thường xuyên NSNN còn cao. Nhiều đơn vị hoạt động trên các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công mà Nhà nước không cần nắm giữ.

Cùng với đó, chất lượng đội ngũ lãnh đạo, quản lý và viên chức chưa cao, năng suất lao động thấp. Cơ cấu đội ngũ viên chức chưa hợp lý, tỷ lệ đội ngũ viên chức làm công tác phục vụ chiếm tỷ lệ cao. Do vậy, đội ngũ viên chức vừa thừa lại vừa thiếu, thừa người làm công tác phục vụ, thiếu người làm chuyên môn, nghiệp vụ.

Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Việc đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là hết sức cần thiết, có ý nghĩa chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, nhân văn hết sức sâu sắc, góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước nhanh và bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta.

Nêu ý kiến về việc này, nhiều chuyên gia cho rằng, mục tiêu cấp thiết đề ra là phải đỏi mới căn bản, toàn diện, đồng bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu quả, có cơ cấu hợp lý.

Trên cơ sở đó, mục tiêu đến năm 2021 cần giảm mạnh về đầu mối, tối thiểu bình quân cả nước giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập, giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN so với năm 2015 và tiếp tục cắt giảm trong các giai đoạn tiếp theo.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.