Thuốc tăng giá: Cơ quan quản lý bất lực?

Thuốc tăng giá: Cơ quan quản lý bất lực?
TP - Cục Quản lý dược chưa cho phép tăng giá thuốc thì trên thị trường, nhiều loại thuốc được đẩy giá lên cao khiến không chỉ người dân lo lắng mà các bệnh viện cũng bất an.
Thuốc tăng giá: Cơ quan quản lý bất lực? ảnh 1
Giá thuốc tăng, thêm gánh nặng cho các bệnh nhân  ảnh: Phạm Yên

Bác sĩ Nguyễn Thái Sơn – Phó giám đốc Bệnh viện Saint Paul cho biết, mỗi khi giá thuốc biến động theo hướng tăng lên, các bệnh viện bị thâm hụt hàng trăm triệu đồng.

Đại diện Cục Quản lý dược: Tăng giá là bình thường (?)

Trao đổi với Tiền Phong về việc thị trường tân dược đang có biến động tăng giá, ông Quốc Cường – Cục phó Cục Quản lý dược cho biết: “Chuyện thay đổi giá thuốc là bình thường vì không có mặt hàng nào giá cố định”.

Ông Cường cho biết thêm trong năm 2005, giá thuốc đã tăng 4,9% so với chỉ số giá tiêu dùng tăng 8,4% thì không có gì quá chênh lệch.

Hơn nữa, chỉ số 4,9% đó còn thấp hơn năm 2004. Nguyên nhân phải tăng giá thuốc được các doanh nghiệp đưa ra với cơ quan chức năng là cần đầu tư dây chuyền đạt GMP khiến chi phí sản xuất tăng cao.

Ông Quốc Cường nhận định, việc các doanh nghiệp đề nghị tăng giá là có cơ sở vì nhiều nguyên phụ liệu liên quan đến sản xuất thuốc tăng giá. Hiện nay trong số 175 doanh nghiệp dược chỉ có 58 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn GMP của ASEAN.

Tuy nhiên mới chỉ có 2 doanh nghiệp trong số 58 doanh nghiệp nói trên đề nghị được tăng giá thuốc để đầu tư dây chuyền đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Nhưng bên cạnh các doanh nghiệp đề nghị tăng giá có khoảng 2-5% doanh nghiệp đề nghị giảm giá thuốc. Đây hầu hết là những doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, việc giảm giá của những doanh nghiệp này lại là phương thức cạnh tranh không lành mạnh.

Một quan chức cục dược khẳng định, việc đề nghị giảm giá những mặt hàng thuốc thông thường của các doanh nghiệp trong nước chỉ làm cho ngành dược không phát triển lên được vì không thể khuyến khích đầu tư dây chuyền sản xuất để tái đầu tư.

Liên quan đến vấn đề thuốc nội tăng giá dược sĩ Lê Văn Truyền – nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết một số đơn vị sản xuất thuốc nội muốn tăng giá 5- 7%, thì cũng không ảnh hưởng gì lắm đến người tiêu dùng bởi giá thuốc nội lâu nay thấp.

Theo ông Truyền: “Tăng giá 5-7% trong điều kiện hiện nay tôi cho là hợp lý với thuốc nội vì tất cả các chi phí khác như lương, xăng,... đều lên. Nếu không tăng thì bán lỗ. 5- 10% của 50 đồng khác với 5- 10% của 50.000 đồng. Đối với những biệt dược giá 500.000 đồng - 1 triệu/ ống thì lên 10% là 100.000 đồng đã chiếm gần 1/3 của lương tối thiểu”.

Nhằm quản lý giá thuốc một cách tốt hơn, trong quý 1 năm nay Cục Quản lý dược sẽ công bố giá thuốc nhập khẩu để đơn vị bán buôn, bán lẻ có thể căn cứ vào đó lựa chọn nhà cung cấp hợp với họ. Sau đó sẽ tiến tới công khai giá bán lẻ.

Ông Cường khẳng định việc Thông tư 08 yêu cầu niêm yết giá bán lẻ là một sai lầm vì dựa vào đó nhiều doanh nghiệp công bố những giá bán thuốc rất cao khiến thị trường tân dược tăng giá giả tạo, gây hoang mang trong người tiêu dùng.

Đến chiều hôm qua (15/2), Cục dược vẫn chưa đồng ý cho bất kỳ doanh nghiệp nào tăng giá thuốc. Đại diện Cục Quản lý dược khẳng định, chắc chắn sẽ không xảy ra tình trạng tăng giá thuốc đột biến trong năm 2006 vì nếu mặt hàng thuốc nào tăng hơn 5%, Bộ Y tế sẽ sử dụng thuốc từ quỹ dự trữ quốc gia.

Giá thuốc lên, người dân nói gì?

Thuốc tăng giá: Cơ quan quản lý bất lực? ảnh 2
Nhân viên  nhà thuốc phi giải thích giá thuốc tăng cho bệnh nhân

“Ăn thì nhịn được chứ thuốc thì phải uống đủ liều theo toa của bác sỹ. Do vậy, giá thuốc có lên thì cũng phải nghiến răng thôi” - Chị Nguyễn Thị Thanh, nhà ở 122 Bùi Thị Xuân, quận 1, TPHCM, bệnh nhân Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM đã nói như thế!

Chị Thanh bị viêm đa xoang mãn tính, vài tháng đi tái khám, mua thuốc 1 lần. Trước Tết Nguyên đán, chị mua mỗi toa thuốc uống 1 tuần ở nhà thuốc tư nhân trên đường Trần Quốc Thảo  là 150.000 đồng. Cùng toa thuốc này, chiều tối ngày 15/2/2006, nhân viên nhà thuốc (nơi chị Thanh thường mua) tính với giá 185.000 đồng. 

Trước lời than vãn của chị Thanh, nhân viên nhà thuốc tên Oanh giải thích: “Giá thuốc do nhà phân phối thao túng, chúng tôi cũng chỉ là nạn nhân. Mỗi lần thuốc tăng là doanh số tiệm thuốc chúng tôi giảm”.

Chị Oanh cho biết từ sau Tết Nguyên đán đến nay, khi bán thuốc, chị phải nói rõ giá trước với bệnh nhân để họ đỡ “sốc”. Có người nghe xong, bỏ đi tiệm khác. Và, sau khi khảo giá xong chừng 5-7 tiệm, thấy giá chỗ nào cũng như nhau thì họ sẽ mua thuốc ở tiệm cuối cùng.

Trước Tết Nguyên đán, vỉ thuốc giảm đau Diantalvic 20 viên nang của hãng Houdé giá 21.000 đồng thì nay tăng lên 31.000 đồng. Các loại thuốc thông thường trị cảm cúm, nhức đầu, sổ mũi cũng tăng.

Theo nhận xét của chị Oanh, giá thuốc ở nước ta quá cao so với đa số người dân. Mỗi liều thuốc cảm, uống 3 lần cũng phải 10.000 đồng. Mà, người nghèo thì hay bệnh. Do vậy, khi nghe giá thuốc tăng, người lo lắng nhất chính là... người nghèo.

Một nhân viên của một  tiệm thuốc tây trên đường Nơ Trang Long (đối diện Bệnh viện Ung bướu TPHCM) kể: Từ khi thuốc tăng giá, nhiều người bệnh không đủ tiền mua hết toa bác sỹ cho. Họ chỉ mua cầm chừng, uống cầm chừng. Khi nào có tiền thì quay lại mua tiếp. Uống thuốc kiểu ấy thì bệnh không giảm mà còn tăng.

Tại một tiệm thuốc tây gần Viện Tim TPHCM, chúng tôi gặp bệnh nhân tên Nguyễn Văn Huệ, chủ tiệm may ở số 55/27, Lê Văn Sỹ, Phú Nhuận. Anh Huệ nói: “Tôi bị rối loạn tim mạch nên uống thuốc thường xuyên. Trước đây, mỗi tháng tôi mua thuốc hết 420.000 đồng thì nay lên hơn 500.000 đồng.

Nói thật, trước đây tôi không quan tâm đến giá thuốc lắm, chỉ mong sao bệnh tình ổn định. Bây giờ thì giá thuốc tăng cao quá, chắc tôi phải uống thuốc nội cho rẻ!”.

Đã bệnh là khổ. Mà khổ hơn là không có tiền mua thuốc uống. Đó là lời than vãn của rất nhiều bệnh nhân mà chúng tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện. Đó là chưa kể, do “móc ngoặc” với các hãng thuốc để hưởng hoa hồng, nhiều bác sỹ đã cho toa thuốc rất “mạnh tay” khiến người bệnh xiểng liểng.  

Nhiều doanh nghiệp vẫn tự tăng giá thuốc

Khảo sát của Cục Quản lý Dược Việt Nam (VDA) trong sáu tháng cuối năm 2005 và tháng đầu năm 2006 cho thấy, trong số 1.801 mặt hàng của 237 nhà sản xuất kinh doanh chọn ngẫu nhiên tại năm tỉnh thành trọng điểm, có 42 mặt hàng thuốc tăng giá nhập khẩu (giá CIF) với tỉ lệ tăng giá chung là 11,9% và 50 mặt hàng tăng giá bán buôn 9,4%.

Chẳng phải đợi đến khi nộp đơn xin tăng giá cuối năm 2005 với cơ quan quản lý, từ lâu, doanh nghiệp sản xuất thuốc Les Labora Hoires Servier (LLS) cứ sau hai tháng lại âm thầm nâng giá lên 1.000- 2.000 đồng một đơn vị đóng gói. Đến khi cộng dồn cuối năm, hầu hết các mặt hàng của họ tăng giá 3-10% và năm nào cũng thế.

Chẳng hạn các nhóm thuốc của LLS được Zuellig Vietnam (ZPV) và Diethelm Vietnam (DV) phân phối ở Việt Nam. Báo giá sau chiết khấu của LLS từ trụ sở đóng tại TP Hồ Chí Minh ngày 6/2/2006 đối với Daflon 500 loại hộp 30 viên dùng để điều trị trĩ và bệnh suy tĩnh mạch là 64.350 đồng/hộp, đối với Stablon loại hộp 30 viên có tác dụng chống trầm cảm kèm giải lo âu mà không gây ngủ là 76.403 đồng/hộp, hay đối với Vastarel 20 loại hộp 60 viên dùng để điều trị thiếu máu cục bộ cơ tim là 83.853 đồng/hộp, v.v... Kỳ này năm trước, các thuốc ấy có giá không quá ngưỡng 60.000, 70.000, hay 80.000 đồng.

Không chỉ ngoại, một số loại thuốc nội cũng tăng giá. Chẳng hạn, Nabica tăng từ 800 đến 1000 đồng/gói 100g, thuốc Berberin tăng từ 1500 lên 2000 đồng/lọ, thuốc Natriclorit của Cty Cổ phần Chữ thập đỏ tăng từ 1100-1600đồng/lọ, v.v...

Tăng kinh nhất có lẽ là nhóm thuốc dùng để chữa cho những người mắc các bệnh về tâm thần hay thần kinh nói chung. Tại thị trường Hà Nội, có thể kể đến thuốc Depamit từ chỗ chỉ 10.000 đồng/viên nay tăng lên 28.000 đồng/viên, thuốc Rispedal của Mỹ sản xuất tại Bỉ loại 2mg tăng từ 7000 đồng/viên lên 11.000 đồng/viên, và thuốc Solian loại 200mg tăng từ 4000đồng/viên lên 15.000 đồng/viên, v.v...

Nói cách khác, tỷ lệ tăng giá nhóm thuốc hướng thần tăng không chỉ một hoặc hai con số, mà là ba con số, 100 đến gần 400%. 

MỚI - NÓNG