Thượng sơn dự cưới người Dao

Trước khi vào nhà trai, cô dâu được thầy cúng làm lễ may mắn. Ảnh: Sơn Tùng
Trước khi vào nhà trai, cô dâu được thầy cúng làm lễ may mắn. Ảnh: Sơn Tùng
TP - Nghe tin có trai làng vùng núi Công Sơn lấy được một sơn nữ xinh đẹp trên non cao. Lễ trọng được tổ chức xuyên đêm nên chúng tôi vội vã ngược cung đường cheo leo vất vả để đến nơi có độ cao trên 1.400 mét chứng kiến nhiều điều kỳ thú.  

Gọi điện thoại cho tôi với giọng rất hào hứng, anh Nguyễn Sơn Tùng, một nhiếp ảnh gia ở phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn nói: “Ông sẽ thấy một đám cưới người Dao trong mơ, khác lạ, không nơi nào có. Nhớ phải mang đồ chống muỗi, vắt, côn trùng vì trên núi Công Sơn- Mẫu Sơn, đêm xuống có rất nhiều côn trùng tấn công người”.

Chúng tôi men theo những cung đường nhỏ, khúc khuỷu vào lúc trời bắt đầu sẩm tối. Bên tai có tiếng gió rít, càng lên cao càng tai ù đặc.

Ðốt đuốc rước dâu

Nhà của chú rể Hoàng Dầu Hoanh (SN 2001, dân tộc Dao) ở giữa một quả đồi thuộc thôn Khuổi Tẳng, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình đang rộn vang tiếng thanh la, kèn Pí Lè. Thầy cúng đang làm các thủ tục mời tổ tiên, thổ thần, thổ địa về chứng kiến lễ thành hôn của chàng trai trẻ.

Thượng sơn dự cưới người Dao ảnh 1 Gần đến nhà trai, cô dâu phải thay trang phục mới. Ảnh: Sơn Tùng

Xung quanh nhà, người ta tíu tít mổ lợn, thịt gà. Người già ngồi uống rượu, chăm chú theo dõi thầy cúng làm việc.

Thấy ánh đèn chiếu từ chiếc xe mô tô, một vài người chạy ra cửa ngó nghiêng. Nhác nhìn anh Tùng mặc chiếc áo đặc trưng của người Dao Đỏ, trên tay lại cầm một chiếc huy hiệu, “bảo bối” vào cộng đồng các dân tộc người Dao, lúc đó xuất hiện tiếng nói vang lên dội vào màn đêm: “Người mình đến rồi”.

Chú rể Hoàng Dầu Hoanh vừa chớm tuổi 19 bẽn lẽn với lời chúc mừng bằng tiếng dân tộc và những cái bắt tay của người thân, bạn bè.

“Mùa xuân vừa rồi, tôi cùng chúng bạn ở Mẫu Sơn sang chơi hội ở thôn Lục Bó, xã Công Sơn, huyện Cao Lộc, cách nhà chừng hơn 2km. Qua tiếng Pí Lè và uống rượu, chơi Lảy Cỏ, tôi để ý đến Dương Thị Hoa. Cô ấy hơn tôi 3 tuổi nhưng nhìn rất trẻ, xinh gái, làm tôi rất thích. Chỉ sau 3 tháng chúng tôi yêu nhau, bây giờ Hoa sắp làm vợ của tôi”. Hoanh tâm sự.

Hôm nay là ngày trọng đại, song đoàn của nhà trai đi đón dâu lúc 20 giờ tối sẽ không có mặt chú rể. “Theo phong tục của người Dao, chú rể phải ở nhà phục vụ nghi thức cúng đón vợ. Thay mặt nhà trai là một tộc trưởng cùng đoàn tùy tùng gần chục người, trong đó có hai trai tân cường tráng  bê các lễ vật như: 6 đồng bạc trắng (hoặc thay thế bằng vòng cổ, vòng tay hoặc tiền mặt), rượu thịt, gà trống thiến cùng một số bộ quần áo người dân tộc Dao”. Anh Tùng, người từng tham dự nhiều đám cưới trên núi Mẫu Sơn thầm thì giải thích cho tôi.

Chúng tôi lần mò đi theo đám nhà trai vượt núi Mẹ sang núi Cha ở mé Công Sơn. Ánh lửa bập bùng từ những cột đuốc đi trước. Ngước nhìn, chúng tôi thấy lấp lóa ngàn vì sao trên bầu trời tím thẫm.

Trước khi đi, thầy cúng dặn tộc trưởng rằng, cô dâu Dương Thị Hoa sẽ rời nhà vào lúc 2 giờ sáng sau đó đến nhà chồng sau một giờ đồng hồ.

Cô dâu thay quần áo giữa đường, chú rể vái trăm lạy

Đoàn nhà trai đến nhà cô dâu gần một tiếng đi bộ. Hai bên tay bắt, mặt mừng và trước khi vào mâm cỗ cưới, giao lưu, chúc tụng, đại diện nhà gái trân trọng đón nhận sính lễ của gia đình chú rể, thành kính báo cáo với tổ tiên.

Vào khoảng 11 giờ đêm, cô Dương Thị Hoa cùng 2 phụ dâu, 2 phụ rể ngồi ăn một mâm cơm riêng. Họ gắp thức ăn cho nhau, uống rượu tráo chén và họ đưa mắt nhìn “đối phương” kín đáo.

Đúng 2 giờ sáng hôm sau khi bản làng chìm trong giấc ngủ, cô dâu cùng đoàn nhà gái với sự hộ tống, đưa rước của đoàn nhà trai “xuất giá” về nhà chồng.

Tiếng thanh la, tiếng kèn Pí Lè vang vọng làm con chim Pi- oóc giật mình rời bụi cây bay lên không trung. Tôi để ý, ngoài của hồi môn được đựng trong chiếc hòm được mọi người khiêng đi trước, cô dâu Dương Thị Hoa còn chuẩn bị thêm 2 bộ trang phục. Một bộ lúc rời nhà bố mẹ đẻ và một bộ thay trước khi bước vào nhà chồng. Trang phục của cô dâu gồm khăn che mặt, áo dài nhiều lớp và đeo 4 thắt lưng. Tất cả được thêu bằng chỉ màu rực rỡ, ước hẹn nhiều điều may mắn.

Cách nhà trai chừng 300 mét, đoàn nhà gái dừng lại dọc đường. Nhanh như con sóc, các phụ dâu giúp thay đồ mới cho cô Hoàng Thị Hoa. Lúc này, cô dâu đeo thêm vòng cổ, vòng tay và trang sức.

Đúng 3 giờ sáng, đoàn đưa dâu đến trước cổng nhà trai, cô dâu được 2 phù dâu che ô. Một đại diện nhà trai mang chiếc mũ, che kín mặt cho cô dâu.

Trước cửa nhà trai đặt ngay ngắn một bát nước và con dao. Thầy cúng liên mồm  đọc bài khấn xua đuổi tà khí đã đi theo cô dâu trên đường và xin với tổ tiên cho Hoàng Thị Hoa chính thức làm dâu trong gia đình. Sau bài khấn của thầy cúng, cô dâu phải bước qua bát nước.

“Quan niệm của đồng bào nơi đây, con dao này xoay mũi ra phía ngoài. Bát nước sau đó sẽ được đổ đi, còn con dao gắn lên cửa nhà. Như vậy, mọi điều tốt lành sẽ đến với cô dâu và cả gia đình”. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Sơn Tùng giải thích cho tôi.

Bỗng nhiên có tiếng trống, kèn đồng thanh phát nhạc. Họ hàng nhà trai đứng hai bên, đón đoàn nhà gái cùng hai người thổi kèn Pí Lè đi trước cho đến khi mọi người vào hết trong nhà.

Ngay sau đó là lễ “tơ hồng”, nghi thức quan trọng nhất của đám cưới. Chú rể Hoàng Dầu Hoanh bước đến bàn thờ tổ tiên trên đó sắp xếp 12 đôi đũa, 12 bát và 12 chén rượu. Kế tiếp, chàng rể cầm tay cô dâu bước vào chiếu hoa thực hiện lễ vái. “Theo phong tục, chú rể phải thực hiện trên 300 lần vái lạy gia tiên, thầy cúng, bố mẹ, anh em họ hàng nhà trai và đoàn đưa dâu họ nhà gái. Tuy nhiên, nay đã giảm bớt, chú rể Hoanh chỉ cần thực hiện 12 lần là đủ”. Anh Tùng tiết lộ với tôi.

Rạng sáng. Bên các mâm cỗ thịnh soạn được bày biện sẵn. Cô dâu, chú rể cầm bát rượu ngâm miếng gan lợn. Gan lợn được nướng lên, cắt miếng nhỏ để vào từng bát, rồi rót rượu ngâm mật thêm vào. Trước hết, họ mời nhau cạn bát rượu, thề đi với nhau hết cuộc đời, sau đó cô dâu, chú rể mời cha mẹ, chú bác, họ hàng, bạn bè. Mỗi khi uống xong rượu, người dự tiệc mừng cho đôi vợ chồng trẻ những tờ giấy đỏ, trong đó có những đồng tiền mừng đám cưới.

Chúng tôi uống xong bát rượu trong tiếng kèn Pí Lè rộn vang. Lúc này, trên các con đường trập trùng trên dải biên cương, thấp thoáng từng đoàn người tiến đến nhà Hoàng Dầu Hoanh. Họ vừa đi, vừa cất tiếng hát rất vô tư, lan tỏa những niềm hạnh phúc, sảng khoái...

Xứ Lạng, cuối tháng 8/2020

Thầy cúng dừng khấn vái, nhìn chúng tôi nhoẻn miệng cười, ánh sáng lóe lên từ chiếc răng vàng nơi cửa miệng báo hiệu thầy đã đồng ý với sự góp mặt của những người lạ. 

Người Dao xứ Lạng sinh sống trên hàng trăm ngọn núi cao trên biên giới Việt- Trung, trải dài từ xã Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình) đến xã Công Sơn (huyện Cao Lộc). Ngày nay, người Dao vẫn giữ gìn nếp ăn ở, trang phục,  phong tục thờ cúng và lễ hội. Trong đó, nghi lễ đám cưới truyền thống rất đa dạng, đặc sắc.

MỚI - NÓNG