Thưởng tết, kẻ khóc, người cười

Thưởng tết, kẻ khóc, người cười
TP - Theo báo cáo đến ngày 31-12-2009, qua khảo sát tại 3 loại hình doanh nghiệp (nhà nước, tư nhân, FDI) thuộc địa bàn Hà Nội, mức thưởng Tết năm nay cao nhất thuộc về một doanh nghiệp tư nhân là 50 triệu đồng; thấp nhất 200 nghìn đồng/người.

Bà Đỗ Thị Xuân Phương - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho phóng viên Tiền Phong biết.

Thưởng tết, kẻ khóc, người cười ảnh 1
Mức thu nhập bình quân cao thuộc lĩnh vực ngân hàng. Ảnh: Phạm Yên

Giảm một nửa ở khu vực tư nhân

Bà Phương cho biết, tiền lương bình quân năm 2009 của các doanh nghiệp tư nhân là 2.290.000 đồng/người/tháng, tăng 1,45 lần so với năm 2008. Nguyên nhân tăng lương do giá nhân công trên thị trường tăng cao. Mặt khác, do Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng (thu nhập bình quân năm 2008 là 1.570.000 đồng/người/tháng).

Theo bà Phương, mức chênh lệch thu nhập bình quân ở các doanh nghiệp tư nhân không lớn (5,4 lần). Cụ thể, doanh nghiệp có thu nhập bình quân cao nhất là 6,5 triệu đồng/người/tháng; thấp nhất 1,2 triệu đồng/người/tháng.

Người có mức thu nhập thấp nhất ở loại hình doanh nghiệp này là 800 nghìn đồng/người/tháng (chủ yếu thuộc đối tượng lao động giản đơn, chưa qua đào tạo) và chỉ bằng mức lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định.

Năm nay, tiền thưởng Tết của doanh nghiệp tư nhân giảm 46,7% so với năm 2008, bình quân chỉ đạt 2.215.000 đồng/người. Trong đó, doanh nghiệp có mức thưởng cao nhất là 50 triệu đồng/người; thấp nhất là 200 nghìn đồng/người.

Theo bà Phương, nguyên nhân giảm tiền thưởng Tết trong doanh nghiệp tư nhân là do tác động của tình hình suy giảm kinh tế 6 tháng đầu năm 2009 khiến nhiều doanh nghiệp phải giảm sản lượng, công nhân không có việc làm, lao động phải nghỉ việc, doanh nghiệp không có lợi nhuận.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cho biết, do năm 2009 mức lương của người lao động cao hơn nên trách nhiệm đóng BHXH, BHYT của doanh nghiệp đối với người lao động tăng, cộng với việc phải đóng thêm 1% quỹ lương của doanh nghiệp cho Quỹ Bảo hiểm Thất nghiệp (bắt đầu từ 1-1-2009) đã làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp nên tiền thưởng Tết giảm.

Doanh nghiệp FDI tăng 20%

Đối với doanh nghiệp nhà nước, mặc dù chịu sự tác động của suy giảm kinh tế, song từ quý III năm 2009 nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục, nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả nên tiền thưởng Tết cao hơn năm ngoái.

Mức thưởng Tết trung bình đạt 1.860.000 đồng/người. Trong đó, doanh nghiệp có mức thưởng cao nhất 30 triệu đồng; thấp nhất 500 nghìn đồng. Theo đó, thu nhập bình quân của doanh nghiệp nhà nước năm 2009 tăng 11,3%, đạt 2,8 triệu đồng/người/tháng.

Người có mức thu nhập cao nhất là 25 triệu đồng/tháng; thấp nhất là 1,1 triệu đồng/tháng. Nếu tính chung, doanh nghiệp nhà nước có mức thu nhập bình quân cao nhất là 6 triệu đồng/người/tháng; mức bình quân thấp nhất 1,6 triệu đồng/người/tháng (tập trung vào các doanh nghiệp dệt, sản xuất giấy).

Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tiền thưởng Tết bình quân đạt 3.363.000 đồng/người, tăng 6% so với năm 2008 (mức thưởng bình quân năm 2008 là 3.170.000 đồng/người). Mức chênh lệch lương giữa các doanh nghiệp FDI tương đối lớn.

Doanh nghiệp có mức thu nhập bình quân cao (thuộc lĩnh vực ngân hàng) đạt 26,6 triệu đồng/người/tháng; mức thu nhập bình quân thấp (thuộc lĩnh vực sứ vệ sinh) chỉ đạt 1,464 triệu đồng/người/tháng (chênh lệch 18,17 lần). Người có mức lương cao nhất ở doanh nghiệp FDI là 140 triệu đồng/tháng; thấp nhất 1,1 triệu đồng/tháng.

Đời sống người lao động chưa được cải thiện

Theo bà Đỗ Thị Xuân Phương, mặc dù tiền lương bình quân năm và tiền thưởng trong dịp Tết của các doanh nghiệp nhà nước và FDI cao hơn năm 2008, nhưng thực tế đời sống của người lao động vẫn gặp nhiều khó khăn do sự leo thang của giá cả.

Tiền lương của doanh nghiệp nhà nước tăng hơn so với năm 2008 là 11,3%, nhưng theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng năm 2009 tăng 6,88% nên dẫn đến dù tiền lương tăng nhưng đời sống của người lao động vẫn không được cải thiện nhiều.

Dù suy giảm kinh tế, song số doanh nghiệp FDI bị ảnh hưởng chiếm tỷ lệ rất ít, sản xuất kinh doanh tăng nên tiền lương - thưởng cũng tăng. Tuy nhiên, nếu đem so sánh với tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng thì việc tăng lương- thưởng của người lao động  ở DN FDI không đáng kể” - Bà Phương nói.

Chưa có thông tin về tiền trợ cấp cho người nghèo ăn Tết

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Trọng Đàm - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đến thời điểm này, lãnh đạo Bộ vẫn chưa nhận được chỉ đạo của Chính phủ về việc hỗ trợ tiền cho người nghèo ăn Tết như năm 2008.

Được biết, trong năm 2008, Bộ Tài chính đề xuất với Chính phủ trích khoản ngân sách 2.500 tỷ đồng để hỗ trợ cho hơn 10 triệu người nghèo (chiếm 12,1% dân số) trên cả nước ăn Tết Nguyên đán.

Ông Đàm cho rằng, nếu năm nay vẫn có chủ trương hỗ trợ tiền cho người nghèo ăn Tết thì nên triển khai sớm để tránh tình trạng lộn xộn xảy ra như năm 2008.

Mức thưởng 337 triệu đồng là thưởng cho sáng kiến

Về thông tin, trong quá trình khảo sát tại 100 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, có doanh nghiệp FDI báo cáo mức thưởng Tết cao nhất là 337 triệu đồng, bà Đỗ Thị Xuân Phương cho hay: Sở chưa thẩm định thông tin đó nhưng chắc đó không phải tiền thưởng Tết mà là tiền thưởng cho người có sáng kiến làm lợi cho doanh nghiệp.

TPHCM: Thưởng đậm nhất 60 triệu đồng

Liên đoàn lao động (LĐLĐ) TP HCM cho biết, tính đến chiều 31-12-2009, có 6 quận huyện và 4 tổng công ty, sở ngành trực thuộc báo cáo về tình hình thưởng Tết Canh Dần 2010.

Phần lớn các doanh nghiệp (DN) đều có kế hoạch trả lương thưởng, và chăm lo Tết cho người lao động. Mức thưởng cao nhất là 60 triệu đồng/người, thấp nhất là 100.000 đồng/người.

Tại một số quận, huyện như quận Gò Vấp đã xác định được mức thưởng bình quân năm nay cao hơn năm ngoái từ 250.000 đến 600.000 đồng/người. Trong khi đó, tại Bình Thạnh, ông Lê Hữu Phúc, Ủy viên BCH LĐLĐ quận này cho biết do ảnh hưởng của sản xuất trong năm gặp khó khăn nên mức thưởng Tết năm nay ở nhiều đơn vị thấp hơn năm 2009.

Ông Trương Trần Đạt - Chủ tịch LĐLĐ quận 3 cho biết, mức thưởng cao nhất trên địa bàn quận là 60 triệu đồng/người, thuộc về các công ty cổ phần và DN 100% vốn đầu tư nước ngoài. Mức thưởng bình quân của nhóm DN này từ trên 4,2 đến trên 4,8 triệu đồng/người.

Các công ty TNHH, DNTN và HTX cũng có mức thưởng hơn năm ngoái, cao nhất là 26 triệu đồng/người và bình quân trên 1,9 triệu đồng/người. Các DN Nhà nước tuy không vượt trội (cao nhất: 12 triệu đồng/người) song đảm bảo mức bình quân 2,6 triệu đồng/người. Nhóm cơ quan hành chính sự nghiệp có mức thưởng bình quân trên 2,3 triệu đồng/người.

Đồng Nai: Công nhân da giày nhận thưởng 1,5 triệu đồng/người

Tại Đồng Nai, ông Lâm Duy Tín, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết, sơ bộ chung các DN đều thưởng lương tháng 13, ngoài ra các DN Nhật Bản có mức thưởng cao hơn, có DN thưởng 2 tháng lương.

Thưởng tết, kẻ khóc, người cười ảnh 2
Công nhân giày da yên tâm với mức thưởng 1 tháng lương

Các DN giày da thuộc hệ thống Nike như Cty Việt Vinh, Pouchen, Taekwang VN đều đảm bảo thưởng lương tháng 13 với mức từ 1,3 triệu đến 1,5 triệu đồng/ người. Cty Cổ phần May Đồng Tiến công bố mức thưởng trên 4 triệu đồng/người, cao hơn 20% so với năm trước.

Ông Bùi Lưu Thọ Hiển, Phó Giám đốc Cty Casumina cho biết, dự kiến thưởng cho cán bộ công nhân viên lương tháng 13 và tháng 14 dựa trên thu nhập hàng tháng, hiệu suất lao động, chất lượng.

Trong khi đó, tuy chưa công bố mức thưởng, nhưng một cán bộ của Tổng Cty Tín Nghĩa cho biết thông lệ ngoài lương tháng 13, hàng năm Cty sẽ có thưởng thêm 2 tháng lương tùy theo tình hình sản xuất kinh doanh của Cty, hiệu quả lao động của cán bộ, công nhân viên.

MỚI - NÓNG