Thủy điện cứ lý lẽ, dân muôn đời lãnh đủ

TP - Nắng hạn dưới hạ du khát khô, không có nước ăn uống lẫn trồng trọt. Đến mùa mưa lũ thì các ông xả ào ào. Dân oằn lưng gánh hậu quả từ đời này qua đời khác. Vậy mà lên tiếng thì các ông chỉ một câu: xả theo chỉ đạo, xả đúng quy trình.

“Nắng hạn dưới hạ du khát khô, không có nước ăn uống lẫn trồng trọt. Đến mùa mưa lũ thì các ông xả ào ào. Dân oằn lưng gánh hậu quả từ đời này qua đời khác. Vậy mà lên tiếng thì các ông chỉ một câu: xả theo chỉ đạo, xả đúng quy trình. Các ông cứ lý lẽ vậy nên dân muôn đời lãnh đủ!”, một người dân xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc - vùng rốn lũ tỉnh Quảng Nam bức xúc tại hội thảo “Vì sự phát triển thủy điện bền vững khu vực miền Trung - Tây Nguyên”, diễn ra sáng 6/12 tại Đà Nẵng.

Ông Lê Đình Bản, Phó TGĐ Công ty thủy điện A Vương, nói: “Lâu nay cứ mưa lũ, hạn hán, bà con lại đổ lỗi cho thủy điện. Chưa bao giờ nhìn nhận nguyên nhân do biến đổi môi trường, khí hậu. Trong hai năm 2014, 2015, chúng tôi chỉ sản xuất được khoảng 70% so với sản lượng thiết kế do gánh chịu ảnh hưởng của Elnino. Cũng vì hiện tượng này, nước về ít nên lượng nước xả xuống hạ du hạn chế. 

“Chúng tôi không phủ nhận một phần tác động của thủy điện tới môi trường và cuộc sống của bà con, nhưng quy chụp  hậu quả mưa lũ, hạn hán là do thủy điện thì không đúng”, đại diện một công ty thủy điện ở khu vực nói.

Không đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Khánh Tâm Anh (xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam), đại diện cho cộng đồng cư dân hạ lưu các thủy điện Đắk My 4, A Vương, Sông Bung, bức xúc: “Nói như vậy thì thủy điện không có lỗi gì! 

Đã mưa còn xả dồn nước nhấn chìm cả hạ lưu là do ai? Trước kia chưa có thủy điện, chúng tôi còn đất sản xuất, còn cá đánh bắt và còn nước để đi thuyền. Giờ các ông nhìn lại xem có giữ được gì không?”. Ông Tâm Anh đơn cử: HTX thủy bộ Đại Lộc với 120 phương tiện đường thủy phải giải thể do nước sông khô cạn; đất sản xuất bị bồi cát 150ha; 40 hộ dân phải lên bờ do cá tôm dưới sông cạn kiệt không đánh bắt được…

Ông Đặng Ngọc Quang, cố vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN), cho rằng, theo cam kết của các chủ đầu tư, cuộc sống của người dân sau khi có thủy điện phải được tốt hơn hoặc bằng trước đó. 

“Nhưng tôi khẳng định 10, hay 15 năm nữa cũng không thể ổn định cuộc sống cho bà con khi họ mất mát, ảnh hưởng toàn diện như vậy. Do vậy, các nhà đầu tư, nhà quản lý phải đánh giá thấu đáo tác động của thủy điện, không chỉ là những biến đổi trước mắt mà cả sinh kế của người dân về sau”, ông lưu ý.

MỚI - NÓNG