Thủy điện phải điều hành xả lũ trực tuyến

TP - Đó là chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam với các chủ hồ thủy điện trên địa bàn tại cuộc làm việc hôm 13/2, liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành vận hành, điều tiết các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn theo quyết định của Thủ tướng.

Lũ về cùng lúc nhận bản tin dự báo

Theo văn phòng BCH PCTT & TKCN Quảng Nam, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 6 nhà máy thủy điện A Vương, Đăk Mi 4, Sông Tranh 2, Sông Bung 4, Sông Bung 4A và Sông Bung 5 thực hiện vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn. Mùa lũ năm 2016, các sông trên địa bàn xuất hiện 4 đợt lũ (từ ngày 11/9 đến 18/12).

Theo ông Trương Xuân Tý, Chánh văn phòng BCH PCTT&TKCN tỉnh, nhìn chung công tác vận hành, điều tiết các hồ chứa trong mùa mưa lũ năm 2016 đã góp phần giảm lũ và chậm lũ cho hạ du. Tuy nhiên, còn có một số hạn chế như công tác dự báo khí tượng thủy văn; dự báo, cảnh báo mưa lũ về hồ chưa kịp thời nên gây khó cho việc đưa ra quyết định vận hành phù hợp (vừa đảm bảo đưa mực nước hồ ở cao trình phù hợp vừa tăng dung tích cho hạ du, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất cho năm sau). Đặc biệt, công tác dự báo, cảnh báo lũ về hồ còn chậm dẫn đến việc tham mưu, ban hành lệnh vận hành điều tiết giảm lũ cho hạ du bị động, có trường hợp lũ về nhanh không kịp vận hành hạ mực nước hồ để đón lũ. “Khi chúng tôi nhận được bản tin dự báo lũ thì tại thời điểm đó đã xuất hiện lũ về hồ” – ông Tý thông tin.

Hạn chế nữa đó là chưa xây dựng được bản đồ ngập lụt vùng hạ du sông Vu Gia – Thu Bồn trong tình huống tất cả các hồ thủy điện cùng tham gia điều tiết lũ hoặc dựa trên các kịch bản quan hệ giữa lưu lượng tại các trạm thủy văn để chủ động trong tính toán, điều tiết, vận hành hồ.

Trong khi đó, đại diện các nhà máy thủy điện cho rằng, công tác dự báo, cập nhật thông tin về lượng mưa, mực nước tại các trạm thủy văn 3h/ lần là chưa đáp ứng mà cần cập nhật từng giờ.

Điều hành trực tuyến không chờ văn bản

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam lưu ý các chủ hồ trong mùa kiệt cần có kế hoạch sử dụng nước và điều tiết các hồ thủy điện, phối hợp nhịp nhàng giữa thời gian xả nước và thời gian lấy nước, giữa tổng lượng xả với các đợt xả lũ… Khi căng thẳng về nguồn nước thì việc điều tiết cần thực hiện hàng tuần, và chuyển sang hình thức điều hành trực tuyến chứ không chờ văn bản. Việc bố trí hệ thống camera tại các hồ thủy điện đặc biệt là camera quan sát xả lũ cần hợp lý hơn.

Đồng thời, trong mùa lũ, công tác dự báo của các đài cần chính xác, thông tin nhịp nhàng, thông tin đầy đủ mối quan hệ mưa ở đầu nguồn với mưa ở khu vực hạ du và triều cường, cũng như tốc độ lũ lên – xuống như thế nào.

“Nhiều hồ thủy điện vẫn được xả vào ban đêm gây khó khăn cho việc chỉ đạo và thực hiện các tình huống. Do đó thời gian tới yêu cầu các chủ hồ hạn chế việc này”, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Đinh Văn Thu yêu cầu các nhà máy thủy điện thông báo kịch bản diễn tập các tình huống lũ về, khi xảy ra các sự cố hư hỏng thiết bị, kẹt van, mất thông tin liên lạc... cần minh bạch thông tin và có phương án xử lý.

Ông Đinh Văn Thu – Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, chỉ đạo thời gian tới việc  vận hành các hồ chứa cần thực hiện chuyên nghiệp. Văn phòng PCTT & TKCN tỉnh phải nâng cấp hệ thống website cung cấp thông tin. Trong mùa mưa lũ, nghiên cứu phương án mời chuyên gia hiểu về lĩnh vực này trong thời gian cao điểm của mùa lũ để tham vấn ý kiến trước khi ra quyết định. 

MỚI - NÓNG