Tây Nguyên:

Thủy điện tích cực tham gia chống hạn

Nhiều dòng sông tại khu vực Tây Nguyên khô kiệt vì thiếu nước.
Nhiều dòng sông tại khu vực Tây Nguyên khô kiệt vì thiếu nước.
TP - Dù tình hình khô hạn tại khu vực Tây Nguyên chưa có dấu hiệu cải thiện trong một hai tháng tới và các hồ chứa thủy điện đang bị thiếu hụt nước nghiêm trọng nhưng việc cấp nước phục vụ sản xuất và đời sống người dân vẫn luôn được các nhà máy thủy điện đảm bảo.

Thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nước

Số liệu của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho thấy, tại khu vực Tây Nguyên, tình trạng khô hạn vẫn tiếp tục gay gắt gây nhiều thiệt hại cho người dân. Tại khu vực Gia Lai, nhiều hồ thủy điện ở mức thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 4 m - 7 m. Cá biệt hồ KaNak hiện mực nước thấp hơn bình thường tới 13,9 m, hồ Sê San 4 xấp xỉ mực nước chết. Các hồ chứa thủy lợi cũng đối mặt với cảnh thiếu nước nghiêm trọng, phổ biến chỉ đạt 30% - 50% dung tích thiết kế. Một số hồ thuộc huyện Iagrai chỉ đạt 5% - 10% dung tích thiết kế. Các đập dâng trong toàn tỉnh không còn khả năng cấp nước. Thiệt hại diện tích cây trồng vì hạn hán tính đến cuối tháng 3 lên tới 16.038 ha.

Tại Đắk Lắk, mực nước trên các sông, suối cũng thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5m - 0,7m, riêng tại Giang Sơn thấp hơn 2,06m. Mực nước tại các hồ chứa thủy điện đạt rất thấp. Hồ Buôn Tua sah thấp hơn mực nước dâng bình thường tới 6m và dự báo còn tiếp tục giảm trong thời gian tới. Tại tỉnh Đắk Nông, tình trạng cạn kiệt, thiếu nước tiếp tục diễn ra trên nhiều sông suối. Còn tại tỉnh Lâm Đồng, tình trạng khô hạn tiếp tục căng thẳng khi trên các sông, suối mực nước biến đổi theo xu thế giảm dần. Mực nước trên các hồ chứa thủy điện lớn trong tỉnh theo xu thế giảm dần đều ở dưới mực nước bình thường từ 5,97m đến 15,9 m.

Nhiều khó khăn

Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và các trạm bơm thuỷ lợi trong việc bơm nước tưới tiêu, công ty đã chế tạo và lắp đặt hệ thống cảnh báo xa dọc hạ lưu hồ để thông báo thời gian xả nước, để nhân dân trong vùng và các trạm bơm thuỷ lợi chủ động trong việc bơm nước. Bên cạnh đó, công ty có thiết lập số điện thoại nóng để tiếp nhận 24h/24h mọi sự yêu cầu của nhân dân địa phương.

Ông Nguyễn Tấn Triết

Phó giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp

Theo ông Nguyễn Tấn Triết, Phó giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp, năm 2015 hoạt động của công ty cũng chịu ảnh hưởng khá lớn của El Nino kéo dài. Năm ngoái, sản lượng được giao là 2,57 tỷ kWh, nhưng do điều kiện bất lợi về thuỷ văn, công ty chỉ sản xuất được 1,55 tỷ kWh, đạt 60,3% kế hoạch giao. Năm 2016, kế hoạch giao cho công ty là 2,37 tỷ kWh nhưng dự báo công ty sẽ khó đạt được kế hoạch do điều kiện thủy văn không thuận lợi.

Cũng theo đại diện Công ty Thủy điện Buôn Kuốp, do tình hình thời tiết khắc nghiệt, các phụ lưu về hồ Buôn Kuốp và Srêpôk 3 rất thấp (# 0 m3/s), không đạt theo tính toán tại Quy trình vận hành liên hồ. Nên trong những tháng tới, 2 hồ này không thể đảm bảo lưu lượng xả về hạ du theo quy định. Với tình hình thời tiết như trên, từ ngày 7/3, công ty đã được cấp có thẩm quyền cho phép tách các nhà máy ra khỏi thị trường điện, tạo điều kiện cho công ty chủ động hơn trong công tác đáp ứng nhu cầu phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho hạ du trong mùa khô 2016.

Theo ông Triết, trong quá trình sản xuất kinh doanh, công ty luôn thực hiện nghiêm túc các quy trình, quy định của chính phủ, cũng như của chính quyền về điều tiết xả nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho hạ du trong mùa khô. Do dung tích các hồ chứa nước công ty quản lý có hạn. Vì vậy, việc điều tiết hồ chứa phải được khai thác tối ưu nhằm đảm bảo 2 nhiệm vụ trọng tâm: công tác phát điện; xả nước phục vụ sinh hoạt, canh tách nông nghiệp vào các tháng mùa kiệt.

Phó giám đốc Công ty Phát triển Thủy điện Sê San, ông Nguyễn Đăng Hà cũng cho biết, với tình hình thủy văn hiện nay, dự báo công ty sẽ khó đạt được sản lượng điện sản xuất giao cho năm 2016 là 1,341 tỷ kWh. Diễn biến của khô hạn rất khó lường. Hiện mực nước hồ thủy điện Sê San 4 là 210 m, bằng đúng mực nước chết. Hồ Sê San 4 đang phải vận hành nhờ lượng nước xả từ hồ chứa thủy điện Pleikrông và Ialy xả về.  

Tổng lượng nước bị thiếu hụt của các hồ trên dòng Sê San đã lên tới 492,3 triệu m3 (thiếu khoảng 28% dung tích yêu cầu phải dự trữ cho mùa cạn).  “Theo dự báo, trong thời gian tới, lượng nước các hồ dự trữ sẽ không đủ để xả về hạ du theo yêu cầu nên công ty đã có báo cáo gửi đến UBND tỉnh Kon Tum, UBND tỉnh Gia Lai, Bộ TN-MT về tình hình thiếu nước và đề xuất lưu lượng xả về hạ du để đảm bảo duy trì được dòng chảy đến hết mùa cạn”, ông Hà cho biết.

MỚI - NÓNG