Thủy điện treo

Thượng nguồn sông Cu Đê mới đầu mùa khô đã cạn nước. Ảnh: N.C
Thượng nguồn sông Cu Đê mới đầu mùa khô đã cạn nước. Ảnh: N.C
TP - Câu chuyện tiếp tục hay dừng lại đối với thủy điện Sông Nam - Sông Bắc (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) vẫn chưa đến hồi kết, trong khi đó, sau 4 năm khởi công, dự án này hầu như dẫm chân tại chỗ, gây ra cho người dân nhiều hệ lụy.

5 năm, đất đã giao, tiền chưa nhận

Từ tháng 6/2010, dự án thủy điện Sông Nam - Sông Bắc khởi công với nhiều kỳ vọng, thì đến nay, đối với những người dân hai thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc, Hòa Vang), nó là nỗi thất vọng lớn. Hiện nhiều hộ dân hoặc nhận tiền đền bù không thỏa đáng hoặc chưa nhận được đồng nào, trong khi đất ruộng, nương rẫy, đất rừng… đã giao cho phía thủy điện. Người dân lâm vào cảnh thất nghiệp, còn đất bị bỏ hoang.

Thôn Tà Lang có 90 hộ có đất phải thu hồi, giải tỏa. Hộ gia đình có diện tích rộng nhất tới hơn 27 ha, hộ ít nhất cũng hơn 1 ha. Ông Phan Điểu (Tà Lang) cho biết, hộ ông có 1,8 ha đất rừng trồng keo, từ khi giao đất cho dự án (năm 2009) đến nay ông mới chỉ nhận được 10 triệu đồng tiền đền bù giai đoạn 1.

Ông Đinh Hồng Thanh có 2 ha trồng keo 1 năm tuổi, 1 ha trồng màu, chưa nhận được đồng tiền đền bù nào; hộ bà Trần Thị Tư có 1,3 ha đất, trong đó có 2.600 m2 đất ở đã có sổ đỏ, còn lại là đất sản xuất trồng hoa màu, nhưng lại được xếp vào loại đất trồng rừng, cũng chưa nhận được tiền đền bù. Khoảng một nửa trong số 120 hộ dân ở 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí có đất bị thu hồi, nhưng đã gần 5 năm vẫn chưa nhận được tiền đền bù.

Tổn thất rừng quá lớn

Dự án thủy điện Sông Nam-Sông Bắc do Cty CP thủy điện Geruco Sông Côn (GSC - thuộc tập đoàn CN Cao su Việt Nam) làm chủ đầu tư. Nhà máy công suất 49,2 MW, bao gồm 3 nhà máy Sông Bắc 1, Sông Bắc 2 và Sông Nam, với tổng số vốn khoảng 1.400 tỷ đồng. Để xây dựng thủy điện này phải mất 948,41ha đất rừng. Trong đó, rừng đặc dụng là 239,69 ha cần phải làm thủ tục chuyển đổi sử dụng sang mục đích khác. Có khoảng 300ha là diện tích đất trồng rừng, đất sản xuất nông nghiệp của bà con xã Hòa Bắc, chủ yếu ở 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí với khoảng 120 hồ sơ được thu hồi, giải tỏa, đền bù để bàn giao mặt bằng cho dự án...

Ông Phạm Ngọc Sự, Giám đốc BQL rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa, cho biết, rắc rối chính là từ 239,69 ha đất rừng đặc dụng chưa được chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác. Sau khi khởi công, Đà Nẵng có văn bản xin Bộ NN&PTNT chuyển đổi mục đích sử dụng. Bộ phản hồi, muốn chuyển đổi, phải trình xin Quốc hội. Câu chuyện chưa đến hồi kết.

Dự án thủy điện này cũng làm nóng phiên họp HĐND TP Đà Nẵng cuối năm ngoái, khi phần đông các đại biểu cho rằng, nhìn vào bài học Đăkmi 4, nên dừng hẳn khi nó chưa gây hậu quả nghiêm trọng. Đại biểu Trương Phước Ánh cho rằng, nguồn nước ở sông Cu Đê là nguồn dự trữ duy nhất còn lại của Đà Nẵng, vì vậy, “đề nghị dừng thủy điện Sông Nam - Sông Bắc”. Ông Nguyễn Điểu - GĐ Sở TN&MT cũng đã đề nghị thành phố cho dừng hẳn.

Tuy nhiên, hôm qua, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Điểu cho hay, rất khó quyết định dừng một dự án lớn như thế: “Chúng tôi cho chủ đầu tư một cơ hội nữa để họ đánh giá tác động một cách cụ thể xem lợi và thiệt như thế nào rồi mới trình HĐND thành phố quyết định”.

Theo ông Huỳnh Vạn Thắng - Phó GĐ Sở TN&MT Đà Nẵng, dự án này đã ngốn của thành phố quá nhiều đất rừng. “Tôi chưa thấy thủy điện nào lấy đất rừng nhiều thế, nào là hồ chứa, đường công vụ, thi công, đường dẫn dây thủy điện... Ngoài ra, nếu họ cắt ngang dòng Cu Đê, Đà Nẵng cũng cần phải xây dựng một hồ dự trữ nước khi thủy điện hoạt động, bởi vào mùa kiệt, họ khai thác 8 tiếng/ngày, và tương lai, Đà Nẵng chỉ còn nguồn nước sông này bởi Vu Gia gần như đã mất trắng”.

Hiện tại, công trình thủy điện Sông Nam – Sông Bắc dừng hẳn để chờ quyết định của lãnh đạo Đà Nẵng, sau khi lắp được 10 cây trụ điện. Rừng ở đầu nguồn Cu Đê bị tàn phá khốc liệt mấy năm qua đã làm nguồn nước cạn kiệt vào mùa khô. Nước mặn đã xâm nhập cách cửa biển Nam Ô tận 20km.

MỚI - NÓNG