Thủy lợi tích nước gây ngập lụt

Đường vào khu sản xuất nông, lâm nghiệp của dân vùng cao Nam Đông bị ngập, gây chia cắt, kể từ khi hồ Tả Trạch tích nước đến cao trình +45 mét. Ảnh: N.V.
Đường vào khu sản xuất nông, lâm nghiệp của dân vùng cao Nam Đông bị ngập, gây chia cắt, kể từ khi hồ Tả Trạch tích nước đến cao trình +45 mét. Ảnh: N.V.
TP - Từ đầu năm 2017 đến nay, nhiều hộ dân huyện vùng cao Nam Đông (tỉnh TT-Huế) đứng ngồi không yên, thất thu về sản xuất nông - lâm nghiệp, khi hàng trăm hecta rừng cao su, rừng keo tràm, lồ ô, sắn… bỗng chốc bị cô lập, hoặc bị ngập chìm trong nước, do hồ thủy lợi Tả Trạch trên thượng nguồn sông Hương tích nước đến cao trình +45 mét.

Trên thực tế, từ đầu những năm 2000, khi triển khai xây dựng công trình hồ thủy lợi Tả Trạch (với dung tích khoảng 650 triệu m3 nước), chủ đầu tư, chính quyền tỉnh TT-Huế đã có tính toán và có nhiều phương án di dời tái định cư, đền bù hỗ trợ khôi phục sinh kế cho dân. Theo đó, hàng nghìn hộ dân các huyện Nam Đông, Phú Lộc, Hương Thủy bị ảnh hưởng bởi công trình, do tích nước về sau này, đã được kiểm kê đất đai, tài sản để đền bù, di dời, tái định cư. Tuy nhiên, việc kiểm kê, tính toán này của các đơn vị chức năng thực hiện từ hơn 10 năm về trước xem ra vẫn còn thiếu sót. Theo thiết kế, hồ Tả Trạch tích nước đến cao trình tối đa +53 mét, nhưng hiện mới tích đến mức +45 mét đã gây nhiều phát sinh ngập lụt.

Nước vây bốn bề

Thời điểm đầu năm 2017, khi hồ chứa Tả Trạch mới tích nước đến cao trình thiết kế +45 mét, nhiều vùng đất sản xuất của dân Nam Đông như ở các thôn A2, Ta Rung, Ba Ha (xã Hương Sơn) bỗng bị ngập, hoặc cô lập, đường sá đi lại bị chia cắt. Điều đáng nói, những vùng bị ngập này lại nằm ngoài phạm vi khoanh vùng ảnh hưởng ngập nước của lòng hồ Tả Trạch. Ông Trần Xuân Dành, dân thôn A2 xã Hương Sơn, cho biết, gia đình có 3 hecta cây keo tràm, cao su trồng trên rừng, giờ nước bủa vây bốn bề không thể vào chăm sóc, thu hoạch được. Đây cũng là tình cảnh chung của 30 hộ dân xã Hương Sơn, kể từ khi hồ Tả Trạch tích nước đến cao trình +45 mét.

Từ gần tháng nay, con đường độc đạo dẫn vào khu sản xuất lâm nghiệp của dân Hương Sơn đã bị nước nhấn sâu nhiều mét. “Thời gian gần đây, giá mủ cao su nhích lên xấp xỉ 20.000 đồng/kg. Dân chưa kịp mừng khi giá mủ tăng thì bỗng dưng đường vào rừng bị “cắt”, do nước lòng hồ dâng cao. Để vào được rừng, nhiều thanh niên trai tráng liều bơi qua vùng ngập nước. Còn luống tuổi như bọn tui thì đành chịu, không dám liều, nên thu nhập mấy bữa nay ảnh hưởng lắm”, ông Trần Xuân Dành than thở.

Còn theo ông Hồ Anh Liên (xã Hương Sơn), ở những nơi có thể đi đường vòng mất hơn nửa ngày, bà con vẫn cố gắng vào thăm rừng để cạo mủ cao su, riêng gỗ keo tràm thì đành chịu, không thể khai thác để đưa ra khỏi rừng, do tuyến đường mới mở tự phát quá xa và hiểm trở. “Để vào nơi sản xuất, bà con mở đường mới vượt qua nhiều ngọn đồi cao, rất vất vả. Từ sớm đi, vô tới rừng cao su thì đã đứng bóng nửa ngày, cạo được ít mủ cao su gùi ra làng thì trời tối mịt. Còn khai thác rừng keo thì đành chịu, do đường quá xấu, lại nguy hiểm”, ông Hồ Anh Liên phản ánh.

Mong muốn mở tuyến đường mới

Không chỉ gây chia cắt đường làm ăn của dân, nước hồ Tả Trạch dâng cao thời gian gần đây còn làm ngập đất trồng sắn, rừng tre lồ ô và một số diện tích cao su tại Hương Sơn. Ông Hồ Thanh Nghi, Chủ tịch UBND xã, cho biết, khi xây hồ Tả Trạch, tại xã từng có 46 hộ bị ảnh hưởng, do đất đai, nhà cửa nằm trong quy hoạch lòng hồ. Số hộ này từ rất lâu đã được di dời, đền bù đất và tài sản trên đất. “Cứ tưởng chỉ có những hộ đó bị ảnh hưởng và di dời thôi. Ai dè, thời gian gần đây, khi hồ Tả Trạch tích lên mức nước mới, số diện tích đất sản xuất bị ngập đã phát sinh khá nhiều. Ngoài ra, khoảng 300 hecta rừng cao su, rừng keo đã bị cô lập, do mất đường. Xã đã cho cán bộ về tận dân để kiểm tra, nắm tình hình và làm tờ trình gửi UBND huyện Nam Đông có hướng giải quyết cho những trường hợp phát sinh”, ông Nghị nói.

Tiếp xúc với phóng viên, điều mà nhiều người dân và lãnh đạo xã Hương Sơn mong muốn nhất hiện nay là các cấp có thẩm quyền cần gấp rút triển khai mở tuyến đường mới vào các vùng rừng sản xuất của dân, nhằm tránh gây thiệt hại, thất thu cho bà con về khai thác nông, lâm sản.

Theo ông Ngô Thông, Giám đốc BQL Đầu tư & Xây dựng Thủy lợi 5 (Bộ NN&PTNT) - chủ đầu tư dự án hồ Tả Trạch, chỉ tiêu tích nước của hồ tối đa là +53 mét. Căn cứ chỉ tiêu này, từ trước năm 2003, tỉnh TT-Huế đã tính toán và hoàn tất di dân, đền bù, giải phóng mặt bằng những vùng bị ảnh hưởng. “Có thể quá trình tính toán vùng ngập còn bị sót, nên sắp tới, khi nước hồ tích đến cao trình +53 mét, số diện tích ngập sẽ phát sinh thêm. Chúng tôi sẽ phối hợp với địa phương cho kiểm tra lại hiện trạng ngập lụt, sẵn sàng cung cấp hồ sơ về giải phóng mặt bằng dự án Tả Trạch cho tỉnh, để làm cơ sở xem xét giải quyết các vấn đề phát sinh”, ông Thông nói.

MỚI - NÓNG