Chặt nhầm ?!

Tỉa rừng thành... phá rừng

Tỉa rừng thành... phá rừng
Hơn 30 ha rừng thông nhựa trồng từ năm 1988, được HTX Nông nghiệp Thủy Phương, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế tổ chức tỉa thưa từ 3 tháng nay bằng phương thức... phá. 

Phương thức tỉa rừng mà GTX sử dụng hết sức kỳ lạ: Loại bỏ cây thẳng, gỗ tốt, đường kính lớn; giữ lại khoanh nuôi những cây nhỏ, cong queo.

Theo yêu cầu ghi trong hồ sơ quy hoạch thiết kế tỉa thưa, do Đoàn Điều tra quy hoạch phát triển rừng tỉnh TT - Huế thực hiện, việc tỉa thưa khu rừng trồng kinh tế tại tiểu khu 150, do HTX Nông nghiệp Thủy Phương (HTXNNTP) quản lý, phải tuân thủ các điều kiện: chặt bỏ những cây cong queo, sâu bệnh, lệch tâm, lệch tán, cụt ngọn, chèn ép, tranh chấp dinh dưỡng; chiều cao gốc chặt không quá 15 cm... Qua đó, bảo đảm chất lượng và mật độ cây trồng ổn định trước khi đưa vào khai thác nhựa thông.

Nhưng trên thực tế, những cây bị “tỉa” lại có chất lượng ngược lại. Khi chúng tôi đến hiện trường vào đầu tháng này, việc thu tỉa rừng trồng vừa hoàn tất.

Tại đây chỉ còn trơ lại những mảng rừng trồng bị “cạo” trọc nham nhở, trông rất... tùy hứng. Hàng trăm cây thông thẳng đứng, đường kính từ 20 - 25 cm đã bị chặt còn trơ lại gốc cao đến gần 1m, trong khi những cây nhỏ, cong queo, cụt ngọn thì được giữ lại.

Sau khi đơn vị thu mua lấy đi thân gỗ tốt, vô số cành ngọn bị vứt lại tại khu rừng có đường kính còn lớn hơn cả gốc và thân của những cây đang được giữ lại để tiếp tục khoanh nuôi.

Việc tỉa thưa rừng của HTXNNTP không được thực hiện xen kẽ đều đặn vào những nơi có mật độ cây dày đặc như yêu cầu, mà lại tập trung “triệt hạ” theo từng đám rộng ở nơi có mật độ cây lưa thưa.

Được biết, 31,1 ha rừng thông kinh tế vừa đưa vào tỉa thưa của HTXNNTP, được trồng theo Dự án 2780 cách đây 18 năm, gồm 7 lô, 2 khoảnh thuộc địa bàn xã Thủy Phương, với mật độ bình quân là 1.033 cây/ha.

Tỷ lệ tỉa thưa theo thiết kế tại khu rừng này là 5 -17%, số cây giữ lại vào khoảng từ 800 đến gần 1.000 cây/ha. Nhưng với những mảng rừng bị “cạo” theo từng đám như hiện nay, khó ai xác định được số cây giữ lại liệu có bảo đảm theo tỷ lệ, cự ly và vị trí đã được thiết kế.

Chỉ có một thực tế rõ ràng, đa số những cây bị chặt hạ theo từng mảng đều có đường kính lớn hơn quần thể rừng trồng đang được giữ lại để tiếp tục khoanh nuôi xung quanh.

Chặt nhầm ?!

Trước những thắc mắc của chúng tôi và người dân địa phương, Ban chủ nhiệm HTXNNTP giải thích: Mọi việc đã được tiến hành theo quy hoạch thiết kế, nhưng do việc giám sát của người bảo vệ rừng không chặt chẽ và thiếu kinh nghiệm, nên nhóm nhân công đi chặt cây thuê đã hạ nhầm vào một vài cây đẹp, cao tốt của khu rừng thông.

Cách giải thích này xem ra chưa thỏa đáng. Trong hợp đồng bán “trọn gói” số cây tỉa thưa cho DNTN Tấn Lộc trước đó (với tổng số tiền là 33,4 triệu đồng), HTXNNTP đã kèm theo điều khoản, sẽ phạt tiền 200.000 đồng/cây cho mỗi trường hợp chặt sai thiết kế.

Đến nay, dù BCN HTXNNTP thừa nhận có việc “chặt nhầm” vào số cây tốt, nhưng vẫn chưa thấy ai bị phạt tiền vì vi phạm hợp đồng.

Hơn nữa, DNTN Tấn Lộc là đơn vị chuyên kinh doanh chế biến gỗ thành phẩm ở huyện Hương Thủy, lẽ nào họ lại bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua những cây thông xấu, cong queo, đường kính nhỏ, bị sâu bệnh để mang về làm... củi ?

Dư luận lo ngại, có thể đây là một thủ đoạn mới thông qua chính sách tỉa thưa rừng trồng kinh tế để lợi dụng “rút ruột” tài nguyên rừng.

Mặt khác, nếu rừng thông nhựa kém hiệu quả, thì đến lúc cần tiến hành thủ tục thanh lý toàn bộ để trồng mới rừng keo làm nguyên liệu giấy, với chu kỳ sản xuất ngắn (chỉ 5 - 7 năm), nhưng mang lại nguồn lợi kinh tế cao cho cộng đồng.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.