Sau giấc mơ đổi đời nhờ XKLĐ- Bài cuối:

Tích cực giải quyết vấn đề hậu XKLĐ

Tích cực giải quyết vấn đề hậu XKLĐ
TP - “Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh sẽ đẩy mạnh việc giải quyết vấn đề hậu xuất khẩu lao động (XKLĐ), không thể để người dân đi XKLĐ xong bị nghèo khó, tai nạn, đổ vỡ hạnh phúc gia đình mà XKLĐ phải góp phần giúp người lao động trẻ nâng cao tay nghề, thu nhập vươn lên làm giàu”, đó là khẳng định của ông Đặng Văn Dũng, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh).

Một bộ phận không nhỏ lao động đi “chui”, không có hợp đồng lao động ở nước ngoài, gặp nhiều rủi ro (tai nạn lao động, ốm đau, bị cướp..), vậy Sở đã có giải pháp gì nhằm ngăn chặn tình trạng này?

Người lao động có thể sang nước ngoài bằng nhiều cách khác nhau như đi thăm thân, du lịch, theo thư bảo lãnh… Sau đó hết thời hạn, ở lại trái phép và làm việc trên đất nước sở tại và đây là thực tế cần xem xét giải quyết. Trong 40.000 lao động của Hà Tĩnh làm việc ở nước ngoài, có khoảng hơn 20.000 người đi theo các hợp đồng lao động, số còn lại là lao động trái phép ở các nước như: Thái Lan, Angola, Lào, Campuchia, Nga...

Những lao động làm việc không có hợp đồng ở nước ngoài sẽ không được pháp luật, doanh nghiệp nước sở tại bảo vệ trong trường hợp họ không may gặp phải những khó khăn về mặt pháp lý, an toàn về tính mạng và tài sản, tai nạn lao động,... Vì vậy, Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh đang phối hợp cùng các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân đưa lao động sang nước ngoài làm việc trái phép. Ngoài ra, Sở còn thành lập “Quỹ hỗ trợ khuyến khích XKLĐ và đảm bảo rủi ro”, để hỗ trợ cho những người đi XKLĐ bị tai nạn, bị phá vỡ hợp đồng, bị tử vong ở nước ngoài.

Theo nguồn tin riêng, hiện, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện những công ty môi giới, tổ chức, cá nhân lợi dụng việc XKLĐ để lừa đảo, trục lợi. Vậy Sở có những biện pháp gì ?

Sở đã có văn bản công bố trên truyền hình, phát tờ rơi về các xã cho người dân hiểu và có thông tin đối với những công ty được Sở cấp phép XKLĐ sang nước ngoài. Chúng tôi có văn phòng tư vấn giới thiệu việc làm cho việc làm, mỗi tháng phát hành 2 số về việc làm. Tuy nhiên, trong thời gian qua, vẫn xảy ra nhiều vụ việc người dân trong tỉnh bị lừa đảo, bởi tâm lý nhiều lao động thích đi nhanh, đi theo “cò mồi”, bỏ qua khuyến cáo của cơ quan chức năng nên đã đi XKLĐ qua những công ty, tổ chức chưa được Sở cấp phép.

Trước thực trạng khi đi XKLĐ nhiều gia đình bị tan vỡ, con cái hư hỏng, nghiện ngập, Sở có biện pháp và hướng giải quyết thế nào trong thời gian tới? 

Năm 2013 - 2015, Sở đã rà soát đánh giá những vấn đề hậu XKLĐ. Ngoài những kết quả đã đạt được, việc đi XKLĐ cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực như: bố mẹ đi XKLĐ con cái không được chăm sóc và giáo dục đầy đủ, một số gia đình đổ bể hôn nhân, du nhập về địa phương các thói hư tật xấu…Để giải quyết tình trạng trên, Sở phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh triển khai được mô hình nhóm “Khi mẹ vắng nhà”, “Khi bố vắng nhà”. Mô hình trên đã đem lại nhiều kết quả, góp phần hạn chế đổ vỡ hạnh phúc gia đình khi XKLĐ. Sở đang nghiên cứu để tiếp tục mở rộng mô hình hơn nữa để hạn chế tối đa các cặp vợ chồng ly hôn vì XKLĐ.

Hà Tĩnh là tỉnh có lực lượng lao động XKLĐ lớn. Giai đoạn 2005-2014, tỉnh đưa được 57.780 người đi XKLĐ tại các thị trường Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước Trung Đông, Bắc Phi và một số thị trường khác. Tỉnh hiện có 40.000 lao động làm việc tại 54 quốc gia, vùng lãnh thổ. Mỗi năm có từ 5.500 đến 6.000 người đi XKLĐ theo diện hợp đồng. Theo số liệu tổng hợp, mỗi năm, lực lượng lao động này gửi về nước khoảng 110-120 triệu USD, tương đương với 2.200-2.400 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG