Tích nước sau sự cố thủy điện Sông Bung 2: Liệu có an toàn?

TPO - Sau 2 năm, xảy ra sự cố vỡ đường dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2 trong quá trình tích nước, chủ đầu tư dự án đề nghị xin tích nước trở lại.

Ngày 18/10, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức cuộc họp cùng các sở ngành liên quan để lên phương án tích nước hồ chứa tại công trình thủy điện Sông Bung 2.

Tích nước sau sự cố thủy điện Sông Bung 2: Liệu có an toàn? ảnh 1 Quảng Nam họp khẩn việc tích nước thủy điện sông Bung 2

Theo báo cáo, thủy điện Sông Bung 2 có diện tích lưu vực 344km2, dung tích hồ chứa 94,3 triệu m3, dung tích hữu tích 73,9 triệu m3, mực nước dâng bình thường 605m, với điện lượng bình quân hằng năm 425 triệu kWh.

Ngày 23/8/2016, Sở Công thương Quảng Nam chủ trì và thống nhất công tác nghiệm thu của chủ đầu tư đối với các hạng mục công trình phục vụ tích nước và được UBND tỉnh đồng ý cho thủy điện Sông Bung 2 tích nước.

Tích nước sau sự cố thủy điện Sông Bung 2: Liệu có an toàn? ảnh 2 Sự cố vỡ đường dẫn tại thủy điện sông Bung 2 từng gây ra hậu quả nghiêm trọng - ảnh H. Văn

Tuy nhiên trong quá trình tích nước, ngày 13/9/2016, thủy điện Sông Bung 2 đã xảy ra sự cố bục cửa van số 2. Sự cố khiến 1 công nhân bị chết và 1 mất tích. Nước lũ sau đó đổ xuống ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khu dân cư, trong đó có làng Pà Ooi, xã La Ê (huyện Nam Giang). Thiệt hại về vật chất theo ước tính của chủ đầu tư khoảng 40 tỷ đồng.

Ông Mạc Vĩnh Châu, Phó trưởng phòng quản lý năng lượng, Sở Công thương tỉnh Quảng Nam cho biết, sau khi xảy ra sự cố Bộ Công thương đã chỉ định cho một đơn vị độc lập đánh giá lại toàn bộ thủy điện. Theo kết quả tất cả các hạng mục gồm: Hầm dẫn dòng, đập dâng, đập tràn, cửa nhận nước, nhà máy…đều nằm trong trạng thái bình thường và đảm bảo an toàn.

“Mới đây, Sở đã phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, UBND huyện Nam Giang và Sở NN&PTNT… đi kiểm tra thực tế, kiểm tra toàn bộ công trình thủy điện Sông Bung 2. Theo đánh giá chung, các kết quả quan trắc đều nằm trong mức cho phép, đảm bảo việc tích nước, các đánh giá an toàn của công trình đều đảm bảo” - ông Châu nói.

Tuy nhiên, tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng cần rút kinh nghiệm sau sự cố dẫn dòng của thủy điện Sông Bung 2, việc tích nước cần phải hết sức thận trọng.

Ông Trương Xuân Tý - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam) đặt câu hỏi: ‘Khi đọc báo cáo này thì chưa thể khẳng định thủy điện có an toàn hay không? Ai sẽ khẳng định cho việc này?".

“Sở Công thương đi kiểm tra nghiệm thu chẳng qua là đi kiểm tra về mặt quản lý nhà nước về mặt hồ sơ. Về chất lượng, đảm bảo an toàn hồ chứa nút hầm này thì đề nghị các anh phải cung cấp hết, để sau này ai chịu trách nhiệm. Các anh cần củng cố hồ sơ, khẳng định việc an toàn của nút hầm, còn các hạng mục khác thì đảm bảo”, ông Tý nói.

Ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, Nghị định 72 năm 2007 về Quản lý an toàn đập trước đây đã được thay thế bằng Nghị định 114 về Quản lý an toàn đập, hồ chứa nước mới được Chính phủ ban hành ngày 4/9/2018 và đã có hiệu lực ngay từ ngày ký, trong đó có nội dung và phạm vi đối tượng áp dụng khác nhau. Do vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu chủ đầu tư và BQL dự án thủy điện Sông Bung 2 bổ sung hồ sơ, áp dụng Nghị định mới này thay thế cho phù hợp với quy định chung.

Đồng thời yêu cầu chủ đầu tư là Ban quản lý thủy điện Sông Bung 2 khẩn trương làm báo cáo khẳng định chất lượng các hạng mục của công trình.

“Yêu cầu Ban quản lý thủy điện Sông Bung 2, trên cơ sở phương án phòng chống lụt bão, đặt biệt việc xả lũ vùng hạ du, cần sửa lại cho phù hợp với Nghị định mới. Sau đó, làm việc với UBND huyện Nam Giang, các xã nằm trong vùng hạ du để lên phương án về tần xuất xả lũ, khả năng vùng ngập lũ và phương án vỡ đập”, ông Toàn nói.

MỚI - NÓNG