Tiệc sinh nhật làm 25 mâm cỗ, mời 300 người: Mỹ tục hóa… hủ tục

Tiệc sinh nhật to như tiệc cưới Ảnh: NVCC
Tiệc sinh nhật to như tiệc cưới Ảnh: NVCC
TP - “Phong trào” tổ chức đại tiệc sinh nhật đang khá phổ biến trong cộng đồng người H’re ở hầu hết các huyện vùng cao tỉnh Quảng Ngãi. Các tiệc sinh nhật tổ chức rất hoành tráng, chẳng kém cạnh tiệc cưới với quy mô từ 20 đến 40 mâm cỗ. Bữa tiệc cũng đầy đủ các dịch vụ đi kèm như trang điểm, dàn nhạc, chụp ảnh, trại rạp… để rồi sau đó là nợ nần.

Rình rang như tiệc cưới

Chiều muộn, Phạm Thị Lan (thôn Nước Ui, xã Ba Vì, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) ngồi lật mở sổ ghi chép được cất kỹ trong tủ. Trong cuốn sổ dày cộm, hàng trăm tên người được liệt kê rõ ràng kèm theo địa chỉ, số tiền cụ thể. “Đây là những người dự tiệc đám cưới của con mình. Mình ghi lại để sau này họ mời thì mình trả lại”.

Tháng 5 vừa rồi, khi đợt dịch COVID-19 thứ nhất vừa dứt, hai vợ chồng Lan bàn nhau tổ chức sinh nhật cho đứa con lớn tròn 7 tuổi. Tiệc linh đình với 25 mâm cỗ, mời 300 bà con khắp xa gần đến dự.

“Mỗi mâm 1,5 triệu đồng đã kèm bia, tổng cộng tất cả là 37,5 triệu đồng, dư 3 mâm. Nhiều bàn chỉ 2 gia đình là chật chỗ, vì mời 2 người nhưng họ đi cả gia đình”.

Nhà Lan có 4 người, 2 vợ chồng với 2 đứa con, chồng Lan là lao động chính trong nhà, đi làm thuê ở Bình Định, với thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/tháng, tầm 10-15 ngày mới về nhà một lần. Do đó, lần tổ chức tiệc sinh nhật hoành tráng vừa rồi vợ chồng Lan cũng rất cân nhắc. Bởi lẽ, không tổ chức thì không đi ăn của người khác hoài cũng… kỳ.

“Đầu năm giờ có dịch COVID-19 nên mọi người ít tổ chức tiệc, mình nhận được khoảng 10 thiệp, trong đó khoảng 4 thiệp sinh nhật. Ở đây ai có tiệc thì họ sẽ báo trước cho mình để mình đi làm, chuẩn bị sẵn tiền đi dự. Phần nấu nướng, rạp… thì có dịch vụ lo hết. Họ cho mình nợ, sau tiệc sẽ lấy tiền. Còn thiếu thì họ đòi tiếp, khi nào hết nợ mới thôi”, Lan nói.

“Nặng nợ” khi tàn cuộc

Không riêng gì trường hợp gia đình chị Lan, tầm chục năm trở đây, “phong trào” tổ chức đại tiệc sinh nhật từ lúc manh nha đã dần dà phổ biến trong cộng đồng người H’re ở hầu hết các huyện vùng cao Quảng Ngãi. “Phong trào” này mạnh đến nỗi, có người dù đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài nhưng ở nhà gia đình vẫn tổ chức sinh nhật và mời hàng trăm khách đến dự cho… bằng với nhà người ta. Các tiệc sinh nhật được tổ chức rất hoành tráng, chẳng kém cạnh tiệc cưới với quy mô từ 20 đến 40 mâm cỗ, thậm chí hơn. Bữa tiệc cũng đầy đủ các dịch vụ đi kèm như trang điểm, dàn nhạc, chụp ảnh, trại rạp…

Chị Phạm Thị Biếu (39 tuổi, thôn Nước Ui, xã Ba Vì, huyện Ba Tơ) có 4 đứa con. Năm 2016, chị Biếu tổ chức sinh nhật cho đứa con trai út, tiệc xong dư 7 mâm, nợ người làm dịch vụ 8 triệu đồng, may mà có 2 đứa em cho tiền để trả chứ không thì biết đường nào mà lần.

Sau 2 năm tổ chức sinh nhật cho con, vợ chồng anh Phạm Văn Thái (xã Ba Dinh, huyện Ba Tơ) vẫn chưa trả hết nợ do vay nóng lãi suất cao để trả nợ tiền bàn tiệc.

“Hai lần tổ chức sinh nhật mà số khách đi không như mình dự tính nên đều bị lỗ nặng, bây giờ nợ nần chồng chất. Vay lãi cao nên phải bán rẫy rừng trả nợ dần”, anh Thái cho hay.

 “Lỗ vài ba triệu thì để đó từ từ bán mì (sắn), bán keo trả. Còn nhiều chỗ khác lỗ đến 30 triệu, 50 triệu thì phải bán đất, trâu, bò trả nợ cho chúng tôi thôi”, bà N.T.C - chủ một cơ sở dịch vụ đám tiệc cho hay.

Không chỉ nợ nần, tại nhiều tiệc sinh nhật, rượu vào lời ra hoặc chỉ vì tranh nhau chiếc micro mà xảy ra xô xát, hoặc say xỉn rồi dẫn đến tai nạn giao thông như trường hợp của ông Phạm Văn Văn Úc (thôn Mang Cành, xã Ba Vì, huyện Ba Tơ) .

“Ngày vui của con mình nên uống say quá khi lái xe ra đường thì bị tai nạn giao thông ngã xuống đường dẫn đến hư mắt luôn”, ông Úc kể.

Việc tổ chức tiệc sinh nhật rình rang, quy mô như tiệc cưới tạo gánh nặng cho cả khách mời vì nhận được quá nhiều thiệp mời dự tiệc chỉ trong thời gian ngắn.

Bà Phạm Thị Xê (xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà) than phiền: “Có nhà năm nào cũng làm sinh nhật, tiệc nào cũng 30-40 mâm. Đám cưới, làm nhà... cả đời mới có 1 lần, nhưng sinh nhật thì nhiều nhà năm nào cũng làm. Một  tháng nhận được vài thiệp sinh nhật là không có tiền để đi luôn”.

Tiệc sinh nhật làm 25 mâm cỗ, mời 300 người: Mỹ tục hóa… hủ tục ảnh 1

Phạm Thị Lan (Nước Ui, Ba Vì, Ba Tơ) với cuốn sổ nợ sinh nhật. Ảnh: Hà Thương      

Cần sớm “thoái trào”

Ông Đinh Quang Ven - quyền Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, cho biết: “Trước kia người dân không tổ chức tiệc sinh nhật lớn đâu, nhưng chục năm trở lại đây làm rình rang lắm, chủ yếu là người đồng bào H’re. Ở Sơn Tây năm nay thì ít làm hơn do có dịch COVID-19, chứ bình thường như mấy năm trước hầu như nhà nào cũng làm”.

Theo lý giải của người bản địa, việc tổ chức tiệc sinh nhật với quy mô lớn có lẽ do ảnh hưởng từ miền xuôi. Nhiều người nghĩ rằng, tổ chức tiệc sẽ thu lại khoản lợi nhuận khấm khá, mời nhiều khách sẽ thu lại nhiều tiền hơn. Thường bà con hay làm theo nhau, chỉ cần một nhà làm, các nhà bên cạnh cũng sẽ làm vì không muốn bị mang tiếng thua kém.

Bao đời nay, đồng bào vùng cao biết gì đến sinh nhật. Giờ đây ngày ngày con cháu đua nhau tổ chức sinh nhật làm cho các già làng buồn hơn bao giờ hết. Tiệc đó không mang lại hiệu quả như mong muốn.

“Có nhà trung lưu vừa làm nhà xong còn nợ tiền, sau đó tổ chức tiệc sinh nhật mà người ta không đến nên nợ mấy chục triệu. Nợ thêm nợ, bán rẫy keo để trả nợ vẫn chưa đủ, rồi cứ lo nợ nần hết năm này qua năm khác”, già làng Đinh Văn Huệ (xã Sơn Kỳ, huyện sơn Hà) cho biết.

Ông Lê Hữu Trinh - Chủ tịch UBND xã Ba Vì (huyện Ba Tơ) trầm ngâm: “Chính quyền cũng đã nhiều lần tuyên truyền, vận động không nên tổ chức rình rang trong việc tiệc cưới, ma chay, sinh nhật…, dễ gây nợ nần. Tuy nhiên để tạo chuyển biến trong đồng bào H’re cần rất nhiều thời gian. Phải thực hiện dần dần, từng bước theo kiểu mưa dầm thấm lâu thì mới mong có hiệu quả. Thực tế việc tổ chức sinh nhật lớn đã để lại nhiều hệ lụy. Ðồng bào đời sống khó khăn, thu nhập không ổn định nên việc tổ chức sinh nhật quá lớn đã khiến họ không thể thoát khỏi nghèo đói, cứ quẩn quanh mãi trong vòng vây nợ nần”.

MỚI - NÓNG