Tiêm vaccine cúm cho thủy cầm: Hiệu quả đến đâu?

Tiêm vaccine cúm cho thủy cầm: Hiệu quả đến đâu?
TP - TS Phương Song Liên, nguyên Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương, cho rằng số liệu 86% xuất hiện kháng nguyên trên đàn thủy cầm sau tiêm mà ngành thú y báo cáo năm ngoái là không thuyết phục.
Tiêm vaccine cúm cho thủy cầm: Hiệu quả đến đâu? ảnh 1
Đặc điểm của đàn thủy cầm là liên tục di chuyển

PV:

Số liệu này không thuyết phục ở chỗ nào, thưa TS?

TS Phương Song Liên: Nếu đúng như thế thì kết quả thật mỹ mãn. Tuy nhiên, trong số các mẫu bệnh phẩm lấy từ đàn thuỷ cầm sau tiêm ở các địa phương gửi lên phân tích tại Trung tâm cho thấy có địa phương chỉ 5% đàn thủy cầm thấy xuất hiện kháng thể, có địa phương không thấy xuất hiện kháng thể.

Tôi cho rằng các mẫu rời rạc, không được lấy vào những thời điểm nhất định, lặp đi lặp lại cố định trên những điểm điển hình về dịch, thì không có giá trị.

Như vậy có nghĩa công tác giám sát dịch bệnh mà Cục Thú y đang làm hiện nay là không đảm bảo?

Cục Thú y có chương trình giám sát dịch bệnh, khoanh vùng tại các tỉnh. Tuy nhiên cái thiếu hiện nay của ngành thú y là tính hệ thống, khoa học. Tháng này lấy mẫu ở xã này, tháng sau lại lấy ở xã khác. Thời điểm lấy mẫu cũng không cố định thì kết quả làm sao chính xác được.

Cần xây dựng bản đồ khoanh vùng dịch và cập nhật số liệu hàng ngày. Để thực hiện công việc này, mạng lưới thú y địa phương phải là đơn vị đắc lực thông báo tình hình từng ngày, từng giờ.

Nhìn vào bản đồ này chúng ta biết được vùng nào dịch nghiêm trọng, vùng nào chưa, vùng nào cần lấy mẫu xét nghiệm định kỳ, vùng nào không chứ không phải cứ ổ dịch nào cũng lấy mẫu xét nghiệm ồ ạt, vừa tốn kém mà hiệu quả không cao.

Chính vì thiếu tính hệ thống, có nơi vừa có dấu hiệu gia cầm, thủy cầm chết đã bắt tiêu hủy cả đàn trong khi trên thực tế chưa cần thiết như vậy.

Nghiên cứu tới đây mà TS thực hiện liệu có khắc phục được tồn tại trên?

Tôi muốn hệ thống lại công tác giám sát hiện còn rất lộn xộn, đồng thời cũng để trả lời câu hỏi việc tiêm vaccine cúm cho thủy cầm hiệu quả cao thấp thế nào.

Lưu ý là đàn thủy cầm, nhất là thuỷ cầm chạy đồng với đặc điểm di chuyển liên tục từ nơi này qua nơi khác và bài tiết trên mặt nước, là nguy cơ thường trực làm lây lan nhanh chóng dịch cúm.

Năm 2005, chúng tôi kiểm tra nền đất và nước ở các hộ nuôi vịt tại Hà Tây, Vĩnh Phúc, Tiền Giang, An Giang, đều phát hiện virus H5N1. Không những thế, vịt có khả năng mang virus nhưng không có biểu hiện bệnh.

Khó khăn khi thực hiện nghiên cứu là gì?

Tôi thắt lưng buộc bụng tới mức tối đa để hạn chế kinh phí thực hiện chỉ còn trên 300 triệu đồng cho 2 năm. Tuy nhiên Bộ Khoa học Công nghệ đang tính cho chúng tôi 80 triệu.

Nên nhớ là việc phân lập để tìm ra virus cho mỗi mẫu bệnh phẩm bằng phương pháp giải mã gene (PCR) mất 305.000đ. Ban đầu tôi dự định mỗi địa phương sẽ tiến hành nghiên cứu trên 2 xã. Nay vì kinh phí eo hẹp đã phải rút xuống một xã.

Mỗi xã chỉ nghiên cứu trên 20 hộ nuôi gia cầm. Trong số hơn 1.000 bệnh phẩm lấy được cũng chỉ cho chạy PCR được 10%. Với 80 triệu đồng này, tôi e rằng khó có thể thực hiện được nghiên cứu như mong muốn.

Khó khăn thứ hai là ý thức của các hộ chăn nuôi gia cầm còn hạn chế. Có những hộ cương quyết không cho chúng tôi lấy mẫu bệnh phẩm vì họ sợ phát hiện virus sẽ bị tiêu huỷ cả đàn thuỷ cầm. Họ làm vậy cũng vì giá đền bù cho mỗi con gia cầm bị tiêu huỷ chưa thoả đáng.

Bà đánh giá thế nào về công tác phòng chống dịch của ngành thú y hiện nay?

Cái chúng ta thiếu hiện nay là một chương trình giám sát mang tính hệ thống. Hiện nay bệnh dịch lây từ vật sang người rất nhiều trong khi ngành thú y gần như chỉ chạy theo công tác hành chính mà không chú trọng đầu tư dịch tễ. Giám sát chỉ  là kiểm tra giấy tờ chứ ít ông thú y địa phương nào có chuyên môn để biết có virus hay không.

Lẽ ra ngành thú y phải chủ động ngăn dịch thì luôn luôn chạy theo dịch. Trong khi đó, Việt Nam đang nằm trong vùng nguy hiểm của dịch bệnh, nhất là khi các nước trong khu vực bắt đầu tái phát dịch.

Chúng ta vẫn chưa kiểm soát nổi các dịch khác như lở mồm long móng, đậu dê. Nếu không nhanh chóng hệ thống lại công tác giám sát dịch bệnh một cách bài bản, hậu quả thật khó lường.

Cảm ơn bà!

Nghiên cứu sẽ tiến hành trong hai năm, bắt đầu từ cuối tháng Tám năm nay, tại 2 địa phương là Hà Nội và Nam Định. Mỗi địa phương chọn ra một huyện, mỗi huyện chọn một xã, định kỳ lấy mẫu bệnh phẩm đàn thuỷ cầm của xã này trước và sau tiêm hai tháng. Có hai mẫu bệnh phẩm được lấy là huyết thanh và dịch ổ nhớt (qua đường bài tiết).

MỚI - NÓNG