Tiễn biệt 'những người thầy im lặng'

Tiễn biệt 'những người thầy im lặng'
TP - “Có những cái chết hóa thành bất tử”, PGS- TS Trần Diệp Tuấn- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TPHCM mượn câu thơ của nhà thơ Tố Hữu để nói đến những đóng góp to lớn của những người đã hiến xác cho y học, trong buổi tiễn đưa họ về nơi hỏa táng vào sáng qua 15-7.

> Đơn xin hiến xác con trai - Mặn hơn nước mắt

Người thân của những người hiến xác chuẩn bị đưa thi hài về nơi hỏa táng
Người thân của những người hiến xác chuẩn bị đưa thi hài về nơi hỏa táng.

Hôm qua, 10 thi hài còn lại trong 38 thi hài hiến thân cho y học (đã qua thời gian sinh viên nghiên cứu, học tập) lần lượt được hàng ngàn sinh viên và cán bộ, thầy thuốc của trường ĐH Y Dược TPHCM cùng người thân tiễn đưa về nơi hỏa táng ở tỉnh Bình Dương.

Bác sĩ Lê Văn Cường cho biết, tính đến nay, Bộ môn giải phẫu của Trường đã tiếp nhận 17.368 đơn xin hiến thân cho y khoa, trong đó nhà trường đã nhận 490 thi thể và tổ chức hỏa táng cho 267 thi thể đã qua thời gian cho sinh viên nghiên cứu.

Trong giây phút xúc động và thiêng liêng, PGS Trần Diệp Tuấn cho biết: “Thân xác họ là báu vật vô giá giúp không chỉ sinh viên tiếp cận với thực hành mà còn giúp cho những thầy thuốc tương lai vững vàng với sự nghiệp cứu người.

Có những người mái tóc còn xanh, có những người tóc đã bạc trắng, có người giàu người nghèo nhưng tất cả họ đều coi thân thể của mình là một món quà tặng cho cuộc sống. Và họ đã nằm lại trong ngôi trường này để cho các em sinh viên học tập. Giờ đây, khi họ đã hoàn thành xong nhiệm vụ cao quý của mình, họ thanh thản đi về với cát bụi, về cõi vĩnh hằng”.

Người gần như thường xuyên tiếp xúc với các thi hài hiến thân, PGS.BS Lê Văn Cường- Trưởng Bộ môn Giải phẫu, Trường ĐH Y Dược TPHCM, chia sẻ: “Nhờ những thi hài hiến thân cho y học mà đã có hơn 2.000 sinh viên học thực hành giải phẫu bệnh trong năm qua. Họ cũng giúp cho hàng nghìn thầy thuốc trong và ngoài nước nâng cao tay nghề, phục vụ cho nhu cầu khám, điều trị bệnh của người dân. Đã có những luận án, tiến sĩ, thạc sĩ và công trình nghiên cứu ứng dụng tốt trong y khoa nhờ những con người là báu vật này”.

Trở lại trường, sau hơn 10 năm, thường xuyên tiếp xúc với thi hài trong giải phẫu, bác sĩ Lê Đức Định Miên, công tác tại Khoa Ngoại thần kinh, BV Nguyễn Tri Phương TPHCM ngậm ngùi thắp nén nhang trước giờ tiễn biệt các thi hài về cõi vĩnh hằng.

“Ngoài những người thầy dạy cho chúng tôi kiến thức, nghề nghiệp, những thi hài hiến thân là những vị thầy vĩ đại trong lòng sinh viên y khoa chúng tôi”.

Trước giờ di quan, bà Hồ Thị Thắng, 72 tuổi ở TPHCM đứng lặng người, nhìn lại người con của mình lần cuối. 3 năm trước anh D. 35 tuổi mắc căn bệnh tai biến mạch máu não. Trước khi biết mình không qua khỏi, anh D. đã yêu cầu gia đình viết đơn để xin hiến thân của mình cho y học.

Dù rất đau xót nhưng với tâm nguyện của con, bà Thắng đã vận động những người thân trong gia đình hãy làm theo tâm nguyện, để “con ra đi được thanh thản”.

Những năm qua, khi người con của mình “ở lại” trong nhà xác của khu giải phẫu bệnh ĐH Y Dược TPHCM, bà Thắng và người thân vẫn thường xuyên tới lui nơi đây. “Con đã hoàn thành nhiệm vụ rồi, chúng tôi rất tự hào vì điều đó”- bà Thắng nói trước lúc di quan ra xe.

Cũng như bà Thắng, nhiều thân nhân của những thi hài hiến thân đã rất tự hào vì dù đã chết nhưng người thân họ vẫn còn giúp ích cho đời. “Từ lúc ông còn sống khỏe mạnh, ông vẫn luôn nói với chúng tôi khi ông chết hãy hiến xác của ông cho y học.

Trước khi chết ông đã viết đơn tự nguyện xin hiến xác và đã được chấp nhận”- anh Thịnh, 20 tuổi ở Bình Dương, cháu của người hiến thân chia sẻ - “Rất thương ông nhưng biết được mục đích cao cả của hiến thân, thế hệ con cháu chúng tôi rất tự hào về ông”.

Lần cuối cùng trước lúc những “người thầy im lặng”- cách mà sinh viên y khoa gọi trân trọng các thi hài hiến thân, được đưa đi hỏa táng, nhiều sinh viên y khoa các khóa thắp nén hương tiễn biệt. Nguyễn Thị Ngọc Minh, sinh viên y khoa năm 4, xúc động: “Các anh, chị, các cô bác đã hiến thân là những người bất tử”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG