Tiền không tiêu được nhưng lãi vay vẫn cứ phải trả

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng (ảnh V.K)
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng (ảnh V.K)
TPO - “Không thể chấp nhận việc có tiền, có vốn mà không tiêu được do thủ tục, do không chỉ đạo quyết liệt. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần thiết thì xem xét năng lực của cán bộ, thay thế cán bộ nếu cần thiết”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nói.

Sáng 25/7, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra các bộ, cơ quan, địa phương trong việc thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2017.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, một trong những điểm nghẽn của tăng trưởng hiện nay là vấn đề giải ngân chậm.

“Chúng ta phải trả lãi vay để huy động nguồn lực, trong khi tiền bị đọng lại không giải ngân được. Vốn dư tiền gửi tại kho bạc luôn có hơn 120.000 tỷ đồng. trong khi năm nay chúng ta đã giao vốn rất sớm, đạt được hơn 93%”, ông Dũng nói.

Ông Dũng cho biết, thông qua Tổ công tác, Thủ tướng phê bình các bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh có việc giải ngân chậm. Nguyên nhân trước hết là do lãnh đạo của các bộ, ngành địa phương, rồi vấn đề thủ tục, vấn đề chỉ đạo năng lực đơn vị thi công chậm trễ, chỉ đạo không quyết liệt nên dẫn đến việc có tiền không tiêu được. Thậm chí có  hiện tượng đơn vị tăng vốn lên nhưng không vào đầu tư phát triển mà để gửi ngân hàng.

“Không thể chấp nhận việc có tiền, có vốn mà không tiêu được do thủ tục, do không chỉ đạo quyết liệt. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần thiết thì xem xét năng lực của cán bộ, thay thế cán bộ nếu cần thiết”, Bộ trưởng Dũng nói.

Báo cáo của Tổ Công tác của Chính phủ cho thấy, tổng số kế hoạch chi đầu tư phát triển nguồn vốn NSNN năm nay là trên 357.000 tỷ đồng (gốm 307 tỷ vốn ngân sách, 50.000 tỷ đồng vốn trái phiếu CP). Số vốn trái phiếu năm 2016 chưa phân bổ được Quốc hội cho phép chuyển sang năm 2017 có thêm 16.500 tỷ đồng nữa.

Tính đến ngày 15/6, tổng số vốn thanh toán là 85.000 tỷ đồng, đạt 23,9% tổng kế hoạch năm 2017 và 27,6% kế hoạch vốn được Quốc hội phân bổ và Thủ tướng giao. Trong đó, vốn trái phiếu là 323 tỷ đồng, đạt 0,6% tổng kế hoạch vốn. Vốn ngân sách nhà nước là gần 85.000 tỷ, đạt 27,6% tổng kế hoạch vốn. Phần vốn trái phiếu từ năm 2016 chuyển sang cũng mới giải ngân được 217 tỷ đồng trên tổng số 16.500 tỷ đồng, đạt 1,3%.

Theo Tổ công tác, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công được cho là một điểm nghẽn đối với tăng trưởng kinh tế. Do đó, nếu không có giải pháp cấp bách để thúc đẩy tiến độ giải ngân sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng của nền kinh tế, trong khi tỷ lệ và nghĩa vụ vay trả nợ công ngày càng có nguy cơ cao.

Đặc biệt, Tổ công tác cho hay, việc giải ngân chậm khiến Chính phủ phải gánh lãi vay của dân. Hết năm 2017, nợ công sẽ tăng lên mức 65% - chạm trần nợ Quốc hội đề ra. Nợ công chạm trần, Chính phủ sẽ phải tính đến vay nợ trong nước. Để vay nợ, bù đắp bội chi, các công cụ điều hành vĩ mô như công cụ lãi suất, tỷ giá… sẽ được sử dụng. Điều này sẽ gây áp lực lên lạm phát và toàn bộ nền kinh tế, việc huy động phát hành trái phiếu Chính phủ xong rồi không tiêu được, chậm tiêu lại quay nằm ở ngân hàng là tiền “luẩn quẩn”. 

MỚI - NÓNG