Tiền Phong có hai ông phó...

Anh Lương Ngọc Bộ. Ảnh: Hồng Vĩnh
Anh Lương Ngọc Bộ. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Phó là phó tổng biên tập. Ông phó thứ nhất là Lương Ngọc Bộ. Hình như cái nghề báo chọn người chứ người chả thể chọn nghề? Anh Lương Ngọc Bộ không học ở trường báo chí hay văn chương nào cả mà học khoa Lý trường Tổng hợp ra đi làm báo ngon lành.

Ở đây tôi muốn nói là làm báo khác với viết báo. Những bài viết về mảng khoa học kỹ thuật và cả giáo dục của nhà báo Lương Ngọc Bộ có thể ấn tượng vừa phải với bạn đọc. Nhưng với độ lùi của thời gian cho phép không riêng tôi và nhiều người khác nữa mạnh dạn khẳng định mà không sợ sái rằng, nếu Tiền Phong đã (và đang, sẽ nữa) đổi mới hấp dẫn bạn đọc thì Lương Ngọc Bộ là một trong những kiến trúc sư đắc lực từng góp sức không nhỏ một thời gian dài quản trị tờ báo.

…Chuyến công tác đầu tiên đi với anh Bộ là anh đèo tôi bằng cái xe Honda-50  xuống Hải Phòng dự cuộc biểu dương lực lượng chống “Bành trướng, bá quyền” tháng 5/1978. Cuộc mít tinh kết thúc, có mục ngày hôm sau tiễn đoàn cán bộ Thành Đoàn ra đảo Bạch Long Vĩ. Bỗng nhiên, anh Bộ nói là tôi nên đi theo đoàn. Rằng đảo Bạch Long Vĩ nơi hiện có nhiều người Hoa sinh sống, phóng viên ra đảo  sẽ được chạm mặt với thực tế sinh động phong phú  của cái gọi là nạn kiều. Anh Bộ khi đó không phải trong ban lãnh đạo, lại không phải là người phụ trách trực tiếp của tôi, tôi có quyền từ chối một chuyến đi đột xuất. Nhưng tôi vẫn đi. Phần vì nể anh Bộ lớn tuổi hơn, phần lờ mờ linh cảm cái gì đó thú vị của chuyến đi đảo với một phóng viên mới toe trong hoàn cảnh sự kiện nước nhà đang có biến. Phần nữa yên tâm khi anh bảo cầm tạm 10 đồng bạc với hai cân tem gạo và cái áo của anh đã tầu tầu (vì tôi tưởng đi ngắn chưa kịp chuẩn bị gì?) với lời động viên: ́ sẽ̀ báo cáo sau cho Ban Biên tập về chuyến đi đột xuất này. 

Quả là như anh Bộ đã lường. Chuyến đi hơn 10 ngày ra đảo Bạch Long Vĩ ấy in đậm mãi trong ký ức và nhiều kinh nghiệm quý về nghiệp vụ.

Đã bao năm hình như trong tôi đã cấu thành nên cái phản xạ tự nhiên của thân phận cái anh viết với những tâm trạng khác nhau khi ngồi trước các ông lãnh đạo báo như Tổng Biên tập (TBT) Đinh Văn Nam,  Phó TBT Đỗ Cao Đáng…  mỗi khi thẩm tra bài vở. Nhưng với ông Phó TBT Lương Ngọc Bộ, chưa tới mức đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu nhưng ít khi là nặng nề mà khá  thú vị và hứng khởi nữa là khác. Có trường hợp vài vụ việc, nhân vật…, anh Bộ bảo phá đi làm lại cho tận bờ sát góc, nói tóm lại là hoành tráng hiệu quả hơn. Hồi xảy ra vụ án oan Hà Minh Tuấn, tưởng như chị Chu Thúy Hoa, Ban bạn đọc đã chủ động xong phá cái án oan khuất. Nhưng anh Bộ luôn quan điểm rằng đặc thù các vụ án oan thường có nhiều tầng nấc và góc khuất, phải cất công khéo léo tìm hiểu soi chiếu thêm.  Và những cố gắng tiếp theo của chị Thúy Hoa, chị Bích Hậu từ gợi ý của anh Bộ quanh vụ Hà Minh Tuấn làm cho hiệu ứng của vụ việc trên báo sinh sắc hiệu quả thêm lên.

Các năm 1994 và 1997, báo Tiền Phong bị khởi tố vì 2 bài báo mà tôi là tác giả. Hai bài phóng sự điều tra ấy của tôi tất nhiên đã được Phó TBT Lương Ngọc Bộ soi chiếu chán chê và chúng tôi đã cùng nhau phản biện đến từng chi tiết nhỏ nhất trước khi cho đăng. Khi xảy ra việc khởi tố, anh Bộ gọi tôi lên phòng riêng. Chẳng phải việc hỏi lại bài viết đúng sai mà hỏi mỗi một câu (hệt cái câu sau này Phó trưởng ban Kiểm tra T.Ư Đảng Vũ Quốc Hùng đã hỏi thẳng khi tôi trực tiếp đưa đơn kêu cứu cho ông): Chúng ta nhìn thẳng vào mắt nhau đi và chị̉t câu này thôi: Cậu có ăn tiền (dù nhỏ) của ai đó không?

Anh Bộ nói thêm, phải hỏi phải rành rẽ làm rõ ra như vậy vì đây là khởi nguồn cho động cơ mục đích viết hay đăng bài báo này là gì? Có phải chống tiêu cực hay động cơ nào khác? Nếu đây là việc ăn tiền và nhà báo làm công cụ phương tiện cho các thế lực đánh nhau thì chả có gì để nói và đầu hàng đi cho sớm!

Ban biên tập Báo Tiền Phong đã không đầu hàng.

Và cũng phải nói luôn, khi ấy có thành viên trong Ban Biên tập chao đảo, bấn loạn, có lẽ cũng chả lạ. Không hoang mang sao được, lần đầu tiên trong mặt bằng báo chí có một tờ báo bị khởi tố mà tờ báo ấy lại là của mình? Nhưng ngay sau đó tôi có chút ấm lòng và vững tin thêm, trong nhiều buổi làm việc với Ban biên tập, anh Bộ đĩnh đạc dứt khoát rằng, sẽ làm mọi cách để bảo vệ quan điểm của Ban Biên tập trong cuộc chiến chống tiêu cực, kiên quyết bảo vệ phóng viên của mình trên cơ sở pháp luật!

Sự chắc chắn, sắc sảo của anh Bộ thể hiện cả sang lĩnh vực làm kinh tế. Chả phải vậy thì sao ban lãnh đạo Tiền Phong đến tận bây giờ, hết nhiệm kỳ này nối nhiệm kỳ kia, thuyết phục ông già thất thập cổ lai hi mà ngó tưởng như mới chớm tuổi hưu đứng ra che chắn cho ở cái Công ty CP Tiền Phong ở vị trí Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Quản trị?

Vụ năm 1994, cơ quan chức năng trong Nam gửi lệnh triệu tập tôi vào nhà giam Chí Hòa. Họ nhờ cả công an Hà Nội giúp thực thi lệnh triệu tập đó, tức là áp tải tôi vào. Họ cử cả một tổ công tác ra Hà Nội thực thi lệnh triệu tập. Anh Bộ cho thuê luật sư về nằm ngay tại báo và trực tiếp gặp gỡ làm việc với các nhà chức việc  trong tổ công tác.

Tiền Phong có hai ông phó... ảnh 1 Lãnh đạo các báo trong không gian Hội báo Xuân. Ảnh: Hồng Vĩnh

May thay, Chủ tịch nước Lê Đức Anh khi đó đã cầm chịch một cuộc họp trọng và chỉ thị cho Ban Cán sự Đảng Viện Kiểm soát Tối cao rút lệnh khởi tố Báo Tiền Phong.  Biên bản kết luận cuộc họp cũng có một dòng nghiêm khắc: Riêng tác giả cũng cần rút kinh nghiệm về mặt ngôn từ!

Khỏi biên ra đây vô khối những nhiêu khê vất vả căng thẳng của cuộc khởi tố lần thứ hai năm 1997. Những lần TBT Dương Xuân Nam và Phó TBT Lương Ngọc Bộ (hơn 10 lần) và cá nhân tôi (hàng chục lần) trực tiếp được các cán bộ trong cơ quan điều tra của thẩm vấn. Đều nhắm vào mục đích, chủ đích là ai đã đưa tài liệu cho tác giả bài báo?

Vẫn là bài bản, cung cách kiên quyết bảo vệ cái đúng như lần khởi tố trước. Nhưng cái diện,  mức độ lần gặp nạn này rộng và phức tạp hơn. Ban Bí thư T.Ư Đoàn mà cụ thể là Bí thư thứ nhất Hồ Đức Việt đã đồng thuận theo phương án của Ban Biên tập báo và trực tiếp nhiều lần làm việc với anh Lương Ngọc Bộ. Có bệnh thì phải vái tứ phương. Những lá đơn cấp tốc đến được những nơi cần đến. Người cần gặp đến những nơi cần gặp. Gần hai năm sau, may thay việc tạm yên. Rồi yên hẳn.

Chỉ có thể là may mắn, chả thể dùng từ khác, là nếu như TBT Dương Xuân Nam luôn phát lộ chất chỉn chu, chừng mực, dĩ hòa vi … trọng để giữ cho tờ báo hơn 20 năm sự bình ổn thì ông phó Lương Ngọc Bộ biết cách làm cho sinh sắc thăng hoa chất lượng, hình thức của tờ báo trên cái nền bình ổn ấy. Cụ thể là bảo trợ, khuyến khích thậm chí riết róng các vụ việc chống tiêu cực và nhân vật mang yếu tố nhân văn nhân bản. Tựa hồ, tờ báo như một cơ thể sống. Phải có âm có dương, hai thứ ấy mà hài hòa thì cơ thể khỏe mạnh vậy?  Có vẻ như cấp trên đã nhận ra năng lực quản trị điều hành tờ báo của anh Bộ mà có một thời gian đã mượn Phó TBT Lương Ngọc Bộ vào phía Nam làm quản trị một tờ báo mãi sau này mới rút ra?

Sự chắc chắn, sắc sảo của anh Bộ thể hiện cả sang lĩnh vực làm kinh tế. Chả phải vậy thì sao ban lãnh đạo Tiền Phong đến tận bây giờ, hết nhiệm kỳ này nối nhiệm kỳ kia, thuyết phục ông già thất thập cổ lai hi mà ngó tưởng như mới chớm tuổi hưu đứng ra che chắn cho ở cái Công ty CP Tiền Phong ở vị trí Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Quản trị?

***

Trước khi nhận hàm Phó Tổng, Nguyễn Văn Minh nổi trội với mục sinh hoạt Đoàn  và trang Thanh niên của Tiền Phong. Trang này rất khó tổ chức, khó viết. Nếu cứ cái kiểu máy móc lên gân sẽ khó đọc. Nhưng Văn Minh đã biết làm cho mềm, tươi, nhuần nhụy, cuốn hút. Mục tâm sự ̀m thư đã làm nên thương hiệu bao năm của tờ Tiền Phong. Chuyên gia cộng tác mục ̀m thư là nhà thơ Trần Hòa Bình ở Đại học Sư phạm. Độc giả từng gọi anh là Tầm Thư thay vì bút danh lẫn tên thật!

Tiền Phong có hai ông phó... ảnh 2

Cố Phó Tổng Biên tập Nguyễn Văn Minh trong một sự kiện quốc tế

Ngó vẻ lành lành kém hoạt, nhưng phó Tổng Nguyễn Văn Minh là người khá nhanh nhậy với cơ chế thị trường khi ấy còn manh nha. Bằng cớ là những cuốn phụ trương rất bắt mắt bạn đọc mang lại một nguồn thu đáng kể cho cơ quan khi ấy. Để có nguồn bài vở hấp dẫn, dồi dào, ông chủ phụ trương Văn Minh tìm đến những cây viết cứng đặt bài, dịch bài, khuyến khích chúng tôi mở rộng tầm nghĩ thoáng khi viết bài cho phụ trương vừa có thu nhập vừa luyện nghề…

Một dạo dài cứ thấy anh vẻ lặng lẽ, buồn buồn… Ngay khi cả bọn tận lực bên bàn bóng của cơ quan thấy vẫn thường trực vẻ lặng lẽ ấy? Một bữa anh ghé phòng tôi, im lặng chú mục vào mấy bức thư pháp vương vãi lộn xộn lặng lẽ nghe tôi hào hứng trình bày những ngữ nghĩa này khác… Bất ngờ Văn Minh bảo tôi viết cho anh chữ hòa. Hòa? Phó TBT Nguyễn Văn Minh cố hữu đằm, mát tính. Anh em cơ quan mến kết. Vợ đẹp, con ngoan. Đường công danh suôn sẻ  đâu có hiềm khích tranh đoạt với ai hay ai gây sự mà phải hòa nhỉ?! Nhưng tôi không nói ra mà chỉ nhìn động thái những ngón tay Văn Minh đương vân vê  lọn tóc. Động thái quen thuộc cố hữu ấy lặp lại mỗi khi anh phải suy nghĩ rất lung thứ gì đó? Văn Minh cứ nhắc đi nhắc lại: Chỉ một chữ hòa thôi nhé. Mà phải viết ngay.

Tôi nắn nót chữ ấy trên một vuông điều. Bên trên dòng lạc khoản cẩn thận chú thêm bốn chữ bách nhẫn thái hòa (tạm hiểu là trăm điều nhẫn nhịn mang lại hòa khí thái bình). Khuôn mặt anh chợt sáng lên với cái cười dễ mến. Bẵng đi lâu lâu. Bữa ấy giời nực khiếp. Ghé nhà Phạm Yên gần ga Hàng Cỏ, cả bọn đang sắp sửa khai mở một bữa rượu còm như thường lệ thì điện thoại Phạm Yên kêu. Chất giọng Phạm bỗng lạc hẳn đi, mặt thì tái dại khi nghe máy… Mãi mới thốt ra Văn Minh mất rồi!

…Đương tiết tháng năm âm lịch năm hai ngàn, trước giờ di quan, chúng tôi thay phiên nhau túc trực bên linh cữu Phó TBT Nguyễn Văn Minh đang nằm kia sau cơn tai biến kịch phát đột ngột. Vậy là anh đã không kịp làm cái việc hòa giải hay hóa giải một nỗi buồn nào đó (nếu có) mà chúng tôi chả thể nào biết được?

Ðể có nguồn bài vở hấp dẫn, dồi dào, ông chủ phụ trương Văn Minh tìm đến những cây viết cứng đặt bài, dịch bài, khuyến khích chúng tôi mở rộng tầm nghĩ thoáng khi viết bài cho phụ trương vừa có thu nhập vừa luyện nghề…

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.