Tiền tỷ có nguy cơ bị cuốn trôi

Tiền tỷ có nguy cơ bị cuốn trôi
TP - Sự thiếu nhất quán khi vận dụng các chủ trương, chính sách đền bù cho các hộ dân thuộc phạm vi giải tỏa xây cầu Thủ Thiêm khiến công tác giải phóng mặt bằng bị “treo” và phát sinh nhiều vấn đề nóng bỏng...
Tiền tỷ có nguy cơ bị cuốn trôi ảnh 1
Một người dân chỉ vết nứt lớn tại khu nhà 2D

Đánh cược sinh mạng với hà bá chờ giải quyết đền bù!

Theo ghi nhận của chúng tôi, khá nhiều căn trong tổng số 42 ngôi nhà của các hộ dân phường 22 quận Bình Thạnh - TPHCM đang bị lún, nứt khá trầm trọng. Càng ở gần sông, tình trạng lún nứt càng nghiêm trọng hơn. Nặng nhất là dãy nhà gồm 8 căn đều mang số 2D nằm sát mép nước.

Căn bìa 2 mặt tiếp giáp với sông bị nứt toác khắp nơi, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Sợ bị cuốn ra sông, chị Thủy – chủ căn nhà nói trên  đã buộc phải tự tháo dỡ và di dời, dù gia đình chị đang thuộc diện hoãn giải tỏa, chờ xem xét lại chính sách đền bù.

Căn liền kề với chị Thủy là của chị Yến cũng “tơi tả” không kém. Tường nhà bị nứt và hở đến mức… có thể chui lọt, chị Yến phải dùng miếng ván ép che tạm. Cả 8 căn nhà trên đều có hiện tượng sụp và trôi dần ra sông.

Không chỉ sống phập phồng trong nỗi lo bị cuốn trôi, đường ống cấp nước của hàng chục hộ dân ở đây đã bị cắt từ nhiều tháng nay. Và, để có nước sinh hoạt, nhiều hộ dân phải đi xa hàng trăm mét để mua nước hoặc xài “ké” nước của công trường. Cả khu phố vắng hoe, ngổn ngang gạch đá, lầy lội và tối om om bởi hàng chục căn nhà đã đập bỏ nằm xen lẫn.

Bà Vũ Thị Phụng, một hộ dân ngụ tại khu nhà 2D rơm rớm nước mắt: “Chưa đêm nào chúng tôi dám chợp mắt. Chả ai muốn ở nán trong hoàn cảnh nguy hiểm và thiếu thốn mọi bề nhưng với số tiền hỗ trợ di dời ít ỏi, chúng tôi biết về đâu?”.

Nhà nước thiệt hại tiền tỷ vì địa phương sai vẫn không sửa

Tiền tỷ có nguy cơ bị cuốn trôi ảnh 2
Mô cầu Thủ Thiêm đã ngừng thi công hơn 4 tháng nay (phải)

Trong tổng số 264 hộ dân bị thu hồi đất, có 181 hộ nhận tiền bồi thường và đã bàn giao mặt bằng, trong đó có 48 hộ trước kia được Xí nghiệp Liên hiệp Ba Son cấp đất, sau đó tự xây dựng nhà ở và các công trình khác.

Khi thu hồi đất, giá đền bù tại khu vực quận Bình Thạnh được UBND TPHCM phê duyệt như sau: Về đất ở, mức bồi thường là 60% (4,8 triệu đồng/m2); vật kiến trúc được đền bù với mức bằng 60% giá trị so với giá xây dựng mới và được bố trí tái định cư.

Mới đây, làm việc với Bộ Tài nguyên Môi trường, UBND TPHCM cho biết đã vận dụng Nghị định 61 khi thu hồi đất của các hộ dân. Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ, Nghị định 61 chỉ áp dụng cho trường hợp  Nhà nước xây dựng nhà cho thuê, nghĩa là Nhà nước cấp cả nhà lẫn đất.

Trên thực tế những hộ dân thuộc dự án cầu Thủ Thiêm chỉ được cấp đất chứ không được cấp nhà. Do đó, áp dụng Nghị định 61 vào việc bồi thường cho các hộ dân là không đúng đối tượng.

Căn cứ theo Luật đất đai 2003 thì cũng thuộc diện sử dụng đất ổn định, không tranh chấp từ trước 15/10/1993. Vì vậy các hộ dân có đủ điều kiện để được bồi thường đất ở như những trường hợp khác.

Lẽ ra cần xem xét điều chỉnh lại chính sách cho phù hợp với luật định, nhưng UBND quận Bình Thạnh lúc ấy lại cho rằng giải quyết theo quan điểm bồi thường 100% giá trị đất ở của Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ không công bằng với những trường hợp đã nhận tiền bồi thường 60% giá trị đất ở và di dời.

Tại Công văn 6349/UBND-ĐT gửi Bộ Tài Nguyên - Môi trường, UBND TPHCM cũng khăng khăng cho rằng 42 hộ đang khiếu nại “lấn chiếm đất công” và sẽ “không bồi thường hỗ trợ” khi thu hồi đất.

Về nhà ở và các công trình kiến trúc khác, UBND TPHCM đồng ý hỗ trợ 70% (thay vì 60% như lúc đầu) nếu sử dụng trước ngày 17/5/1995. Những hộ di dời sẽ được giải quyết tái định cư tại chung cư An Sương (quận 12) theo giá mua từ 4,2 –6,9 triệu đồng/m2 hoặc cho thuê.

Trong khi nếu giải quyết theo quan điểm công nhận quyền sử dụng đất của người dân của Bộ Tài nguyên – Môi trường, những trường hợp bị giải tỏa phải được giải quyết tái định cư tại quận Bình Thạnh- đúng như nguyện vọng của người dân.

Chính vì quá bức xúc trước tình trạng xói lở và cách giải quyết của chính quyền địa phương, các hộ dân đã ngăn cản không cho xe chở vật liệu vào công trường.

Các hạng mục cầu Thủ Thiêm phía quận Bình Thạnh đã tạm ngưng thi công từ tháng 10/2005 vì không có mặt bằng. Theo ông Lê Toàn, Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1, việc chậm trễ thi công cầu đã gây thiệt hại cho ngân sách mỗi tháng hơn 1,5 tỷ đồng (gồm phí đảm bảo giao thông thủy cho các tàu ra vào cảng hơn 1 tỷ đồng/tháng và phí tư vấn phải trả cho đối tác nước ngoài 500 triệu đồng/tháng).

Một lãnh đạo Sở GTCC  (xin giấu tên) đã ví von: “Nếu UBND TPHCM nhanh chóng tiếp thu và giải quyết đền bù theo quan điểm của cơ quan lãnh đạo chuyên ngành thì không chỉ làm an dân, ngân sách Nhà nước sẽ không bị mất oan 6 tỷ đồng (và thiệt hại sẽ chưa dừng lại ở con số này). Đúng là lợi bất cập hại”.

MỚI - NÓNG