Tiền tỷ trôi sông vì thi công ẩu

Tiền tỷ trôi sông vì thi công ẩu
TP - Hơn 3 tỷ đồng bị cuốn trôi, người dân và chính quyền địa phương sống phập phồng theo từng con nước thủy triều, bởi bờ bao Rạch Đĩa (TPHCM) che chắn triều cường đã bị làm sạt lở, suy yếu do thi công ẩu.

Bờ bao Rạch Đĩa có chiều dài hơn 1.000 m, là một trong những “chiến tuyến” xung yếu trong hệ thống đê bao sông Sài Gòn. Nó có vai trò ngăn triều cường, bảo vệ cho hàng nghìn hộ dân thuộc hai phường Hiệp Bình Phước và Tam Phú (quận Thủ Đức, TPHCM).

Do có tính chất quan trọng nên từ hiện trạng bờ bao dân sinh ban đầu, UBND TPHCM và Sở NN&PTNT đã đồng ý cho UBND quận Thủ Đức giao Ban quản lý dự án quận triển khai dự án đầu tư nâng cấp, tôn tạo bờ bao. Thế nhưng, niềm vui của các hộ dân nhanh chóng bị dập tắt.

Trao đổi với Tiền phong tối 28/8, ông Bùi Kinh Luân - Giám đốc Cty Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TPHCM (QLKTDVTL) cho biết, cuối năm 2007, Khu quản lý giao thông đô thị số 2 (sau đây gọi tắt là Khu QLĐT 2 ) đã cho nạo vét Rạch Đĩa.

Do khảo sát không kỹ nên trong quá trình nạo vét, đơn vị thi công đã làm sạt lở cả hai bên bờ bao (đang trong giai đoạn bảo hành), gây lún sụt, đe dọa bị vỡ nếu triều cường dâng cao.

Sau khi gây ra sự cố, Khu QLĐT 2 đã cho đóng cừ và gia cố những đoạn bờ bao bị sạt nhưng vẫn không đảm bảo. Sau khi cùng địa phương khảo sát hiện trường, ngày 1/8 vừa qua, Sở NN&PTNT đã có văn bản báo cáo khẩn cấp UBND TP.

Phập phồng chờ lũ

Công văn 5130 giao UBND quận Thủ Đức chỉ định một đơn vị có chức năng làm chủ đầu tư gia cố cấp bách đoạn bờ bao bị sạt lở nói trên, đóng hai hàng cừ tràm, phủ phên tre giữ chân bờ bao, đồng thời đắp đoạn bờ bao mới cao 2m, dài 2.000m, chiều rộng mặt đê 1,5 m.

Ông Bùi Kinh Luân cho biết mới đây, UBND quận Thủ Đức đã có văn bản chỉ định Cty QLKTDVTL làm đơn vị thi công khắc phục ngay sự cố. 

Theo ông Luân, sau khi gia cố bờ bao, Cty QLKTDVTL sẽ cho đắp một bờ bao mới liền kề bờ bao cũ ở phía trong nội đồng để tăng khả năng chống đỡ khi triều cường dâng cao.

Phạm vi xây dựng bờ bao mới có nhiều ao rau muống rất sâu và nền đất yếu nên chiều cao thực tế của bờ bao mới phải từ 2,5 - 3m. Tổng kinh phí khắc phục sự cố theo dự báo là hơn 3 tỷ đồng.

Theo ước tính, nếu điều kiện thuận lợi, đơn vị thi công phải mất ít nhất từ 1,5 - 2 tháng mới có thể khắc phục cơ bản tình trạng hư hỏng của toàn bộ đoạn bờ bao.

Hàng nghìn hộ dân đang phập phồng chờ công trình khắc phục sự cố hoàn thành và thiệt hại sẽ phải gánh chịu khi cao điểm mùa mưa lũ và triều cường (vào tháng 9 –11 hàng năm) đang đến gần.

MỚI - NÓNG