'Tiếng chiêng đàn bà' bên dòng suối khóc

Bà Ma Bio thử chiêng. Ảnh: K.A
Bà Ma Bio thử chiêng. Ảnh: K.A
TP - Một tổ chức thuộc UNESCO đã mời bà đóng vai chính trong bộ phim về hành trình gian nan giữ nhịp hồn chiêng. Vượt thoát khỏi quan niệm xưa cũ “ching quăng, yăng mê” (chiêng cha, ché mẹ), bà đã dạy cho nhiều sơn nữ đánh cồng chiêng để gìn giữ di sản phi vật thể thế giới đang bị mai một dần. 

Ma mị những thanh âm

Bà là Tou Neh Ma Bio, 55 tuổi, người Chu ru, trú tại bản Diom A, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng. Chúng tôi tìm đến bản Diom A xa xôi, cách TP Đà Lạt mấy chục cây số để được nghe diễn tấu cồng chiêng. Thế nhưng, nghệ nhân bảo muốn thẩm được cái hồn của chiêng Chu ru phải lên núi thiêng K’ Lơl, ra dòng suối khóc Đa Nhim huyền thoại hoặc đến thác nước kêu ở bản K’Băm. 

“Trong các lễ hội của người Chu ru, tiếng trống, tiếng chiêng đã vang trở lại, những vũ điệu tamya nhịp nhàng, uyển chuyển cũng dần hồi sinh. Công đầu là của nghệ nhân Ma Bio đó”.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Đơn Dương Đặng Huệ Chí

Nói rồi bà tập hợp một số thành viên ưu tú của đội cồng chiêng cùng chúng tôi đến thác nước. Nhờ có cánh rừng nguyên sinh thâm u bao bọc xung quanh nên thác vẫn giữ được nét hoang sơ với làn nước trong vắt. Chúng tôi từng tham quan hàng chục ngọn thác lớn nhỏ dọc dài đất nước, nơi nào cũng nghe tiếng thác đổ ầm ào, tuy nhiên ở đây, dòng nước lớn giội xuống ghềnh đá tung bọt trắng xóa nhưng chỉ phát ra âm thanh rì rào khá êm tai. “Vì vậy mà nó được đặt tên là Thác nước kêu. Nguyên nhân có thể do rừng núi có sự kiến tạo khác thường nào đó” - già làng Ya Ba nói.

'Tiếng chiêng đàn bà' bên dòng suối khóc ảnh 1

Sơn nữ Chu ru bên dòng suối khóc

Điều thú vị nữa là dòng Đa Nhim chảy qua địa bàn huyện Lạc Dương và TP Đà Lạt có nhiều đoạn vượt ghềnh đá, tuôn đổ dữ dội, thế nhưng khi uốn lượn ven các buôn làng của đồng bào Chu ru, dòng nước lại êm đềm, nỉ non như tiếng khóc. Về sự tích con suối này, già làng kể, nhiều năm liền hạn hán khốc liệt, buôn làng đói khổ, người chết vô số. Chàng Ha Biang quyết chí đi kiện trời. Sau bảy ngày vượt núi cao hiểm trở, gạo hết, nước cạn, chàng gục chết giữa rừng. Nàng Ka Lang đi tìm, khóc than thảm thiết bên xác chồng. Tiếng khóc của nàng và con voi đầu đàn vang đến tận thiên đình khiến trời cảm động cho mưa suốt ba tháng ròng. Nước mắt hòa cùng nước mưa và chảy thành dòng suối mang tên Đa Nhim.

“Tùng, tùng, tùng...”, bà Mabio gióng trống để dẫn dắt nhịp chiêng. “Bing beng, bing beng…” tiếng chiêng của các nghệ nhân chân trần vang lên hòa theo nhịp trống. Điệu chiêng rất chặt chẽ trong khúc thức, thẳm sâu, huyền bí. “Đó là điệu t’rumpô mời các đấng quyền năng vô hình về dự hội. Bởi cồng chiêng được trao sứ mạng tạo nên mối giao cảm giữa con người với thần linh nên bất cứ lễ hội nào của người Chu ru cũng bắt đầu bằng điệu chiêng này. Tiếng nói của dân làng nhiều khi không vọng tới tai Yàng (trời -PV) nhưng qua tiếng chiêng thì Yàng nghe thấy hết”, nhà nghiên cứu Tou Prong Dzung, người được ví như từ điển sống về văn hóa Chu ru cho biết.

Kế đến là bài chiêng đón khách và mời khách nâng cần rượu với âm điệu chậm, nhẹ nhàng, bài mừng cơm mới với tiếng chiêng rộn ràng đuổi nhau, điệu damdra cho đôi lứa tìm bạn tình lúc thì đắm say, vấn vít khi lại tưng bừng, vui nhộn. Tiếng trống păhgơnăng trập trùng vang vọng từ vách núi hợp tấu cùng điệu kèn rơkel du dương và nhịp chiêng ngân nga lan tỏa khắp khu rừng. 

Từng tham gia nhiều lễ hội của đồng bào nam Tây Nguyên, bao giờ cũng thấy nam giới chơi chiêng, còn nữ múa xoang minh họa. Thế nên, lần này chúng tôi vô cùng ngạc nhiên vì đa số các thành viên của đội cồng chiêng là nữ, ngay cả đánh trống - việc khó nhất khi diễn tấu cồng chiêng cũng do bà MaBio đảm nhiệm. Phải chăng vì là tiếng chiêng nữ giới nên tiết điệu không nhanh, dồn dập, rừng rực khiến người nghe rạo rực như khi thưởng thức tiếng chiêng của một số dân tộc ở bắc Tây Nguyên như Ê đê, Gia Rai…?” - tôi thắc mắc. 

Già Ya Ba mỉm cười rồi giảng giải, đường chiêng của nữ rõ ràng không mạnh mẽ bằng nam giới, tuy nhiên mấu chốt vấn đề là ở chỗ tiếng chiêng phải hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió và tiếng lòng của dân làng. Xứ sở của thác kêu, suối khóc, ruộng nương bát ngát, đồng cỏ mênh mông thì tiếng chiêng phải trầm lắng, ngân xa mới đồng điệu. “Ngày xưa, vì sự cai trị hà khắc của nhiều quan lại vùng ven biển, một bộ phận người Chăm đã trốn lên núi sinh sống cùng các tộc người Mạ, K’Ho ở nam Tây Nguyên và lấy tên là Chu ru, nghĩa là chiếm đất. Tiếng chiêng của người Chu ru nghe thăm thẳm như hoài nhớ, bày tỏ nỗi niềm là vì thế” - một cụ cao niên góp chuyện.

Truyền lửa cho thế hệ sau

Những thập niên 1980 - 1990, đời sống khó khăn, thiếu thốn, lại bị kẻ xấu lợi dụng nên nhiều gia đình ở xã Lạc Xuân đã bán cồng chiêng để có vốn sản xuất hoặc đổi lấy những vật dụng sinh hoạt, thiết bị vui chơi, giải trí khác, thậm chí đập bỏ chiêng để bán đồng nát. Thấy giới săn đồ cổ săn lùng ráo riết, vét dần những bộ chiêng cổ, chiêng quý ở các bản làng, Ma Bio đến từng nhà khuyên can đừng bán chiêng. “Có gia đình quá nghèo túng buộc phải bán chiêng, mình liền bán ruộng để mua, quyết giữ cho được chiêng quý của người Chu ru”, bà Ma Bio kể. 

'Tiếng chiêng đàn bà' bên dòng suối khóc ảnh 2

Vũ điệu tamya ở thác nước kêu

Trong 3 tháng ra miền Trung nắng gió để đóng phim, bị cuốn hút bởi âm điệu của bộ chiêng 6 chiếc, Ma Bio tậu một bộ ở làng đúc Phước Kiều (Quảng Nam), sau đó lên Gia Lai tìm nghệ nhân giỏi để học chỉnh chiêng. Túi tiền đã cạn, lại nhớ bản làng cùng đội chiêng đến nao lòng nhưng bà vẫn kiên trì bám trụ nơi đất khách quê người, cấy lúa thuê để kiếm sống, tiếp tục học cách dạy tiếng cho chiêng và gom góp tiền làm lộ phí về quê.

Không còn ruộng vườn mênh mông, cò bay thẳng cánh nhưng đổi lại bà sở hữu 3 bộ chiêng cổ của người Chu ru (mỗi bộ 3 chiếc được đặt tên là mẹ, dì và con gái bởi người Chu ru theo chế độ mẫu hệ), 2 bộ chiêng bằng (mỗi bộ 6 chiếc), 3 cái trống da nai… Chỉ vào bộ chiêng ba cổ nhất, bà Ma Bio nói : “Cách đây hai năm, mình phải bán hơn hai tấn lúa mới đón được bộ chiêng này từ xã lân cận là Tu Tra về đó!”. Về bộ chiêng bằng 6 chiếc treo gần đó, bà Ma Bio hào hứng: “Đây vốn là bộ chiêng chết (bị lạc tiếng-PV), mình phải mất nhiều công sức để dạy lại”.

Đồng thời với việc sưu tầm, lưu giữ chiêng quý, gần 10 năm qua, bà Ma Bio dày công tập họp, dạy cho lớp trẻ đánh chiêng. Bà kể, thấy người biết đánh trống, chơi chiêng ngày càng hiếm, mỗi bản chỉ còn vài ba người; những làn điệu dân vũ cũng mai một dần trong các nghi lễ và sinh hoạt văn hóa cộng đồng, mình buồn và lo lắng lắm. Lỡ mai những người già trong bản về bến nước ông bà mà không có người thay thế thì nguy mất. Mình đề nghị phải truyền dạy chiêng, trống và các vũ điệu cho bọn trẻ, người già đồng tình nhưng bọn trẻ lại thờ ơ.”
Bà đã đến từng nhà để thuyết phục nhưng đa số trai bản theo trào lưu nhạc hiện đại, không chịu học nhạc cụ truyền thống vì cho rằng quá lạc hậu, đơn điệu, khó hiểu; thậm chí một số chàng trai còn vận động người già mang bán những bộ cồng chiêng quý để mua thiết bị âm thanh điện tử. Bà quay sang vận động các sơn nữ dẫu biết rằng chơi trống, đánh chiêng là việc khó đối với nữ giới bởi đòi hỏi sức khỏe tốt và sự dẻo dai. Ma Bio mất rất nhiều công sức giảng giải về vị trí của mỗi người trong dàn chiêng; tiết tấu, giai điệu của từng bài chiêng… Bà đánh chậm rãi từng nhịp để các em làm theo.“Có đứa quên nhịp hoài làm mình bực lắm nhưng không dám la vì sợ các em lại tự ái, nản lòng rồi bỏ học. Mình ráng giữ bình tĩnh, bày đi bày lại nhiều lần các em mới nhớ được”- bà Ma Bio hồi tưởng.

Dần dà lớp trẻ ở Diom A cũng cảm nhận được sự huyền diệu của cồng chiêng, rủ nhau đi học ngày càng đông. Thanh niên ở bản lân cận là K’Băm cũng tìm đến xin học. Hiện đã có khoảng 70 em biết đánh chiêng, trong đó một số sơn nữ tấu chiêng hay, múa giỏi như Nai Luyến, Tou Ruy, Ma Tina. Đội chiêng của nghệ nhân Ma Bio đã đi biểu diễn, tham gia liên hoan ở Hà Nội và một số tỉnh Tây Nguyên; từng đạt giải B Liên hoan Dân ca dân vũ Tây Nguyên lần thứ 3…

Cách cầm chiêng, gõ nhịp của các sơn nữ vô cùng duyên dáng, uyển chuyển. Những cánh tay mềm mại đưa lên, nhịp xuống, những động tác lắc hông gợi cảm đã truyền lửa đam mê đến cộng đồng, cuốn hút khán giả.

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG